Tiền của nhà đầu tư bị lạm dụng như thế nào?

Theo Nhịp Cầu Đầu tư

Nhà đầu tư nào có thể tuyên bố rằng tiền của mình đang không bị lạm dụng, khi mà tiền của họ vẫn do Công ty Chứng khoán hoàn toàn định đoạt?

Tiền của nhà đầu tư bị lạm dụng như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Cuối năm 2011, khi Công ty Chứng khoán SME bị mất khả năng chi trả thì nhà đầu tư mới vỡ lẽ, tiền của họ đang bị Công ty này lạm dụng. Sau đó lộ ra tiếp nhiều vụ mới. Nhưng có lẽ không nhiều nhà đầu tư biết rằng, chuyện tùy ý sử dụng tiền của họ đã có từ những năm 2007, 2008. Chính vì niềm tin quá lớn về thời hoàng kim 2007 sẽ mau chóng trở lại đã khiến các Công ty Chứng khoán không ngại làm liều.

Bài viết này chỉ xin gói gọn về những cách mà Công ty Chứng khoán có thể lạm dụng tiền gửi của nhà đầu tư qua các trường hợp cụ thể.

Chuyện của SME: lấy tiền khách hàng để tự doanh

Bị “lộ” đầu tiên chính là Chứng khoán SME. Vấn đề của Công ty Chứng khoán này là đã lấy tiền nhà đầu tư để làm tự doanh.

Khi khách hàng mở tài khoản tại SME, nhà đầu tư sẽ có một tài khoản giao dịch nhưng chủ tài khoản lại mang tên SME. Chính vì điểm này, SME có thể dễ dàng sử dụng tiền nhà đầu tư mà không cần “xin phép”.

Giai đoạn 2008 – 2009, thị trường lao dốc, hầu như tất cả các Công ty Chứng khoán đều gặp khó khăn. Mảng tự doanh theo đó cũng gánh lấy những khoản lỗ nghiêm trọng. SME cũng nằm trong số đó. Tin tưởng vào khả năng tự doanh của mình, SME vay tiền để tiếp tục tự doanh ở các đơn vị khác như Công ty Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí PVFI, Đầu tư FPT, Ngân hàng Bảo Việt… Các khoản vay này được đảm bảo bằng giá trị các cổ phiếu trong danh mục tự doanh. Các khoản nợ trong Báo cáo Tài chính của SME đến quý III/2011 là hơn 700 tỉ đồng, cách xa vốn điều lệ 300 tỉ đồng của Công ty.

Khi giá trị danh mục cổ phiếu tự doanh giảm quá hạn mức qui định, đáng lẽ SME phải bán cổ phiếu để trả nợ. Nhưng SME đã cố vớt vát khi lấy tiền nhà đầu tư để mua thêm cổ phiếu. SME tạo ra các hợp đồng vay vốn với những chữ kí giả mạo. Nhưng không ngờ, tình trạng càng đầu tư càng lỗ đã khiến SME không còn tiền trả nợ. Lúc này, nhà đầu tư muốn rút tiền mà không rút được vì SME đã không còn đồng nào. Tính đến cuối năm 2011, SME còn nợ nhà đầu tư hơn 300 tỉ đồng.

Chuyện TAS: trò chơi T+

Táo bạo hơn SME, chuyện tại Chứng khoán Tràng An (TAS) là trò chơi T+. Thông thường, nhà đầu tư mua bán chứng khoán thì sau 3 ngày, tức T+3, cổ phiếu hoặc tiền sẽ về đến tài khoản. Nhưng ở TAS thì không như vậy.

Cũng giống nhiều Công ty Chứng khoán khác, tiền nhà đầu tư ở đây đứng tên và do TAS quản lí. Từ năm 2007, lúc thị trường còn tăng trưởng mạnh, TAS đã quản lí hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư. Tuy nhiên TAS không gửi ngân hàng vì với lãi suất vài %/năm thì không đáng.

Tận dụng lợi thế này, nhằm lôi kéo khách hàng VIP, TAS cho khách hàng mua chịu. Đáng lẽ khi nhà đầu tư mua chứng khoán thì phải nộp tiền ngay, nhưng TAS không yêu cầu. TAS cho tất cả khách hàng VIP và nhân viên cứ mua thoải mái, khi nào lỗ mới nộp tiền bù đủ khoản lỗ này thì thôi. Khi thanh toán bù trừ với Sở giao dịch Chứng khoán, tiền để bù vào khoản này là tiền của các nhà đầu tư nhỏ.

Bên cạnh đó, TAS cho khách hàng VIP đến 10 ngày (T+10), thậm chí 30 ngày sau (T+30) mới nộp tiền. Đến khi thị trường sụt giảm trong những năm sau đó, nhà đầu tư VIP và nhân viên kéo nhau bỏ chạy và không nộp tiền. Tiền công ty không đủ, TAS lấy luôn tiền nhà đầu tư bù vào các khoản này. Ở đây, TAS xem tiền nhà đầu tư là của mình và tự do sử dụng. Nguyên nhân là tiền nhà đầu tư do TAS đứng tên và quản lí.

Gửi ngân hàng để hưởng lãi suất và thế chấp để vay lại

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Á Âu (AAS), Công ty Chứng khoán còn nhiều cách để lạm dụng tiền của nhà đầu tư. Chẳng hạn như ở Công ty Chứng khoán P. Công ty này mở tài khoản tiền gửi nhà đầu tư tại Ngân hàng nhưng vẫn do Công ty P. đứng tên quản lí. Theo đó, P. lấy một phần tiền này gửi ngân hàng có kì hạn để hưởng lãi suất chênh lệch. Mặt khác, Công ty cũng dùng tài khoản này làm khoản thế chấp để vay tiền ngân hàng về cho chính các khách hàng của mình vay lại (margin). Vì vậy, nhà đầu tư lại đi vay tiền của chính mình.

Hiện nay, nhân viên môi giới là người thực hiện đặt lệnh cho khách hàng. Không ít trường hợp nhân viên môi giới giả mạo chữ kí để rút tiền khách hàng đi đầu tư riêng. Khi bị phát hiện thì Công ty bắt nhân viên trả nợ. Nhưng nhân viên không còn tiền nên P. phải đứng ra trả thay. Tính đến cuối năm 2011, khách hàng tại P. bị nhân viên môi giới rút hơn 9 tỉ đồng. Nhân viên đã trả được 6 tỉ, còn 3 tỉ đến nay vẫn là khoản “nợ khó đòi” mà P. phải gánh thay.