Tiền đâu để FLC và Vietjet mua được nhiều máy bay?
Với các hàng hàng không non trẻ như Vietjet hay hãng hàng không chưa được cấp phép như FLC, nguồn tiền ở đâu để các hãng này đặt mua máy bay giá trị lên tới tỷ USD đến hàng chục tỷ USD.
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết mới đây đã có buổi làm việc với hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp xoay quanh thỏa thuận hợp tác mua máy bay liên quan đến hãng hàng không Bamboo Airways. Tại đây, FLC cho biết đã quyết định đặt mua 24 chiếc máy bay A321NEO do Airbus cung cấp với trị giá lên đến 3 tỷ USD.
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways được thành lập năm 2017, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC.
Hãng hàng không Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Với quy mô vốn này, doanh nghiệp sẽ được khai thác tối đa 10 tàu bay. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa, mức vốn điều lệ nêu trên đủ điều kiện để doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay.
Hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. FLC cho biết, công ty dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 24 máy bay Airbus A321 LR (Long Range) để phục vụ hoạt động, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 48 chiếc.
Theo quy định của Luật hàng không và Nghị định 92 năm 2016, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện cụ thể về vốn yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng về khoản tiền mà tổ chức tín dụng phong tỏa của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Khoản tiền này chỉ được giải phóng khi tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc có văn bản thông báo việc bị từ chối cấp phép.
Hay nói cách khác là doanh nghiệp phải nộp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng tại thời điểm lập hồ sơ xin cấp phép.
FLC chưa thực hiện lập văn bản xác nhận vốn cho Viet Bamboo Airlines có thể là tập đoàn này không quá dư dả tiền mặc dù ông chủ Trịnh Văn Quyết đang là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản tính theo trị giá cổ phiếu hiện nay lên tới hơn 45.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của FLC, tại thời điểm cuối năm 2017, tiền và các khoản tương đương tiền của FLC chỉ là 466,55 tỷ đồng, chỉ bằng 67% tổng số vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà Viet Bamboo Airlines đăng ký.
Nhưng vì sao FLC vẫn được Airbus tin tưởng ký thỏa thuận cho mua 24 máy bay với giá trị lên tới 3 tỷ USD? Nhiều người cũng thắc mắc tương tự với Vietjet Air - hãng hàng không mới nổi ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, lấy đâu ra cả chục tỷ USD để đặt mua máy bay?
Tháng 7/2017, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) cùng với GOAL - Tập đoàn Quản lý tài sản và hàng không của Đức - đã ký kết thỏa thuận cung cấp tài chính để hãng hàng không này mua mới 4 tàu bay A321. Tổng giá trị hợp đồng vay tài chính lần này là 464 triệu USD. 4 tàu bay A321 mới này thuộc gói hợp đồng tàu bay Airbus A320/A321 mà hãng ký kết với Airbus.
Trước đó, hãng hàng không giá rẻ này cũng đã ký kết thỏa thuận vay tài chính với Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (MUL), thuộc Tập đoàn chuyên về tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group (Nhật Bản) để mua mới 3 tàu bay A321 với giá trị 348 triệu USD.
Tính đến hết năm 2017, tiền và các khoản tương đương tiền của Vietjetlà 6.855,5 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 21.871 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 15.140 tỷ đồng, nợ dài hạn gần 6.731 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 10.037,5 tỷ đồng.
Hai năm trở lại đây, Vietjet rất tích cực ký kết các hợp đồng mua sắm và vay tài chính để mua máy bay.
Cụ thể, năm 2014, hãng đã ký kết hợp đồng mua mới 63 chiếc máy bay từ Airbus, bao gồm 42 chiếc A320 NEO, 14 chiếc A320 CEO và 7 chiếc A321 CEO. Tổng giá trị hợp đồng là 6,4 tỷ USD. Tới tháng 5/2016, hãng tiếp tục có hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD.
Tháng 9/2016, hãng lại tiếp tục đặt hàng mua từ Airbus thêm 20 chiếc Airbus A321 CEO và NEO các loại. Tổng trị giá hợp đồng là 2,39 tỷ USD.
Mua gần 200 máy bay các loại trong giai đoạn 2014-2016, nhưng theo số liệu từ Planespoter, đội bay của Vietjet vẫn gồm 40 chiếc, gần như toàn bộ là Airbus A320-200 và A321-200 đi thuê. Chỉ 5 trong tổng số 40 chiếc máy bay này là thuộc sở hữu của hãng.
Chỉ trong 2 năm, tính riêng các thương vụ lớn, hãng đã sắm mới 183 máy bay các loại. Tổng giá trị các hợp đồng lên tới hơn 20 tỷ USD, được cho là số tiền khổng lồ, đặc biệt khi đem so với giá trị vốn hóa của hãng hàng không này hiện ở mức 94.330 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng gần 4,2 tỷ USD.
Chìa khóa 'mua và thuê lại' - 'sale and lease back'
Sở dĩ đa số máy bay trong đội bay của hãng là máy bay thuê vì hãng đã áp dụng nghiệp vụ tài chính “mua và thuê lại” ("sale and lease back" - SLB), vốn rất phổ biến trong ngành hàng không, được nhiều hãng áp dụng để xoay vòng vốn trong trung hạn.
Theo đó, các hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus sẽ cung cấp cho đối tác những hợp đồng thuê mua. Nghĩa là thay vì bắt Vietjet hay FLC chi trả toàn bộ tiền mua máy bay ngay lập tức, Boeing hay Airbus vẫn sản xuất và giao máy bay cho Vietjet Air vận hành và sau đó thu tiền lại dần dần. Thực chất, Boeing cho Vietjet Air thuê máy bay của mình và phải sau một thời gian rất dài vận hành (từ 10 – 20 năm tùy hợp đồng), chiếc Boeing 737 mới thuộc quyền sở hữu của Vietjet Air.
Hiện, doanh thu/lợi nhuận của Vietjet Air đến từ 2 lĩnh vực chính: mảng kinh doanh cốt lõi với mô hình hàng không giá rẻ (vận chuyển hành khách, cho thuê máy bay, phụ trợ) và mảng kinh doanh máy bay qua nghiệp vụ “mua và thuê lại”.
Mảng mua và thuê lại (SLB) bản chất bao gồm 3 bước:
Bước 1: Hãng hàng không kí hợp đồng mua máy bay với nhà sản xuất (Airbus hoặc Boeing).
Bước 2: Hãng hàng không thỏa thuận việc bán lại máy bay cho các công ty tài chính. Đến thời hạn nhận máy bay, hãng hàng không sẽ giao máy bay và giấy tờ cho công ty tài chính và lấy tiền từ công ty tài chính đi thanh toán chi phí mua máy bay. Hãng hàng không sau đó sẽ thuê lại máy bay từ công ty tài chính với mức chi phí cố định. Hợp đồng thuê thường kéo dài từ 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500 ngàn đến 750 ngàn USD/tháng)
Bước 3: Hết thời hạn hợp đồng, hãng hàng không trả lại máy bay (nếu là thuê hoạt động) hoặc giữ lại máy bay (nếu là thuê tài chính).
Với cách thức này, các hãng hàng không đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.
Ưu điểm của hình thức này là khi đặt mua máy bay với số lượng lớn, Vietjet sẽ được hưởng chiết khấu lớn theo số lượng, dẫn đến một khoản lợi nhuận khi bán lại cho công ty tài chính. Với 'sales and lease back', Vietjet vừa có thể duy trì, mở rộng đội bay, vừa có thêm tiền để chi trả cho các hoạt động khác. Hình thức thuê hoạt động giúp Vietjet vừa không ghi nhận nợ, vừa không phát sinh chi phí khấu hao.
Kết quả kinh doanh từ nghiệp vụ SLB liên tục tăng trong 3 năm (2014-2016) do Vietjet Air tiếp nhận nhiều máy bay để tăng khả năng phục vụ hành khách: doanh thu tăng từ 1.756 tỷ đồng (2014) lên tới 11.582 tỷ đồng (2016), 14.162 tỷ đồng (2017). Không những vậy, mức lợi nhuận từ SLB cũng tăng trưởng ấn tượng với 50,6 tỷ đồng trong năm 2014; 518,4 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.330,5 tỷ đồng trong năm 2016. Đóng góp từ các khoản “buôn máy bay” đã chiếm đến khoảng một nửa cơ cấu lợi nhuận hàng năm của Vietjet Air.
Trong năm 2016, các công ty con - chủ yếu để hỗ trợ các nghiệp vụ mua/bán máy bay (sales and lease back) - đóng góp tới 42,1% trên tổng doanh thu hợp nhất và 44,1% tổng lợi nhuận gộp hợp nhất. Đồng thời việc đăng kí công ty con nằm ở những trụ sở nước ngoài như "thiên đường thuế" British Virgin Islands, Singapore, Ireland giúp thuế suất hợp nhất doanh nghiệp được giảm đi đáng kể, đem lại lợi nhuận sau thuế cao hơn cho Vietjet.
Dù vậy, việc tài trợ đội bay bằng hình thức sale and leaseback thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỉ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa. Trong tương lai, gánh nặng từ các khoản chi phí thuê máy bay sẽ là vấn đề quan trọng mà Vietjet Air sẽ phải đối diện - cũng tương tự như vấn đề đang xảy ra với hãng không giá rẻ lớn nhất châu Á Air Asia.
Ngoài ra, do là đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định.