Tiền giả sẽ bị đóng dấu, bấm lỗ
Quy định đóng dấu, bấm lỗ và niêm phong sẽ bắt buộc phải thực hiện với tiền giả được phát hiện. Riêng tiền giả loại mới được miễn bấm lỗ, đóng dấu, chỉ cần niêm phong.
Dự thảo lần 3 quy định về việc xử lý tiền giả, nghi giả Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến nêu rõ, phát hiện từ 5 tờ tiền giấy hoặc xu, polymer, cơ quan thu giữ tiền giả có thể báo công an để phối hợp, xử lý. Văn bản này cũng nêu rõ, trong quá trình kiểm đếm tiền giả khi giao nhận tiền mặt giữa các ngân hàng, hoặc với Ngân hàng Nhà nước, cần phải lập biên bản, xử lý như bình thường, đồng thời xử lý thêm yếu tố thiếu tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi thu giữ tiền giả, các ngân hàng có nhiệm vụ đóng dấu và bấm lỗ để phân biệt với tiền thật. Quy cách là đóng lên 2 mặt tờ tiền, mỗi mặt một lần và bấm 4 lỗ bằng dụng cụ bấm lỗ. Tiền cotton hoặc polymer đóng thành từng thếp 100 tờ cùng mệnh giá, nếu không đủ 100 tờ đóng thành phong bì, niêm phong. Tiền kim loại được đóng thành từng túi 1.000 miếng có cùng mệnh giá, niêm phong trước khi giao nộp.
Theo quy định trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước về bảo quản, xử lý tiền giả, tiền nghi giả phát hiện khi giao dịch, chỉ chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc ngân hàng mới được quyết định phương thức vận chuyển tiền giả. Hàng tháng, các ngân hàng phải giao nộp tiền giả phát hiện được về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, sở giao dịch. Riêng với tiền giả loại mới, các đơn vị không cần bấm lỗ, đóng dấu mà phải gửi toàn bộ về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn trong thời hạn 2 ngày làm việc.
Trường hợp cơ quan chức năng thu nhầm tiền thật và cho đó là tiền giả, đơn vị thu giữ cần phải hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng và báo cáo kết quả trong thời gian 30 ngày làm việc, đồng thời chịu trách nhiệm về hậu quả nếu có. Với tiền thật bị thu nhầm đã được đóng dấu tiền giả và bấm lỗ, các đơn vị thu giữ cần cắt góc, thu hồi và đổi ngang giá trị cho đơn vị giao nộp. Loại tiền này sau khi đổi ngang cũng không được thu phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và được bảo quản, hạch toán như tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Với nhu cầu giám định tiền giả, nghi giả, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức cá nhân cầng có đề nghị bằng văn bản và trực tiếp chuyển tiền giả, nghi giả về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa bàn. Tại Hà Nội, địa điểm nhận tiền giả, nghi giả là sở Giao dịch, cục Phát hành kho quỹ, còn tại TP. Hồ Chí Minh là chi cục Phát hành và Kho quỹ.
Sau khi giám định, nếu số tiền là thật sẽ được trả lại cho tổ chức, cá nhân, còn là tiền giả sẽ bị thu giữ, đóng dấu, bấm lỗ nộp vào kho tiền Trung ương tại Hà Nội hoặc chi cục Phát hành kho quỹ. Với tiền giả loại mới, việc thu giữ vẫn được thực hiện bình thường nhưng không đóng dấu, bấm lỗ. Cục Phát hành và Kho quỹ chỉ được lưu giữ tối đa 15 tờ (miếng) tiền giả loại mới, nhiều hơn cần nhiều hơn phải có sự đồng ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.