Tiền giấy ít dần trong thời kỹ thuật số
Từ châu Âu sang châu Á, tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phát triển. Thẻ tín dụng và điện thoại thông minh đang trở thành những phương tiện thanh toán rất phổ biến. Có thể nghĩ gì khi những tờ giấy bạc hay những đồng tiền xu chỉ còn được trưng bày trong viện bảo tàng sau khi sắp biến mất hoàn toàn khỏi các dịch vụ mua bán hàng ngày trên thế giới?
“Hết thời” tiền mặt ở Trung Quốc
Trả tiền taxi, mua một bó rau hay đóng học phí cho con mà không cần xuất “hầu bao” một tờ giấy bạc, hay một đồng xu. Dân cư tại những thành phố lớn ở Trung Quốc đang dùng điện thoại thông minh với những ứng dụng Alipay hay WeChat Pay thay cho ví tiền.
Theo công ty tư vấn về các dịch vụ mua bán trên mạng của Trung Quốc iResearch, có trụ sở tại Thượng Hải, chỉ riêng trong năm 2016, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh để mua bán trên Internet hay mua bán trực tiếp đã được nhân lên gấp ba.
5.000 tỷ USD các khoản mua bán tại Trung Quốc được thanh toán bằng phương tiện này. China Market Research Group (chuyên nghiên cứu về thị trường tại nước đông dân nhất địa cầu này) dự báo chỉ trong một chục năm nữa Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên không còn sử dụng tiền mặt.
Hiện tại số lượt thanh toán qua điện thoại thông minh của Trung Quốc đã lớn hơn so với Mỹ từ 40-50 lần. Tổ chức Better Than Cash được Liên hợp quốc hỗ trợ trong nhiệm vụ giúp đỡ các nước nghèo từ bỏ tiền mặt để quay sang dùng tiền điện tử, thẩm định các dịch vụ thanh toán bằng tiền ảo tại Trung Quốc đang tăng với mức chóng mặt. Năm 2010, 61% các khoản mua bán dùng tiền mặt. Đến năm 2020, tỷ lệ đó sẽ tụt xuống còn 30%.
Sau khi đã thành công vượt bậc trong nước, cả Alibaba lẫn WeChat cùng đang muốn “đổ bộ” ra nước ngoài với mục tiêu của hai doanh nghiệp này là theo chân người Trung Quốc khi họ du lịch ở nước ngoài. Alibaba đã mở dịch vụ thanh toán trên mạng cho người Trung Quốc tại Đức.
Hàn Quốc “phi vật thể hóa” đồng tiền
Nếu có dịp tham quan Hàn Quốc, tại Seoul, đừng ngạc nhiên khi đi mua hàng bằng tiền “thật” nhưng được trả lại bằng tiền “ảo”. Từ tháng 4/2017 một số cửa hàng lớn ở thủ đô Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm một phương tiện thanh toán mới. Mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2020 Hàn Quốc cũng sẽ trở thành một nền kinh tế “Cashless”: tức không dùng tiền giấy, tiền xu khi mua bán.
Tại nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á này, chỉ còn 14% các khoản thanh toán sử dụng tiền mặt, 55% dùng thẻ tín dụng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố tháng 12/2016 cho thấy có đến 51% người dân xứ này muốn “phi vật thể hóa đồng tiền”, để khỏi vướng bận với ví tiền khi mua sắm.
Giám đốc Viện Tài chính Seoul Lee Hyo Chan giải thích với tờ báo Financial Times: Dẹp tiền mặt sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiết kiệm được mỗi năm 40 triệu USD, vì phải mất hơn 10 won mới sản xuất ra được một đồng tiền có trị giá 10 won. Quản lý khối lượng tiền giấy lưu hành trên toàn quốc đòi hỏi nhiều tốn kém. Khi không còn phải nặng gánh về việc quản lý khối lượng tiền mặt lưu hành, kinh tế xứ Hàn sẽ tăng thêm được 1,2 điểm phần trăm.
Vấn đề đặt ra là tới nay, một phần dân số Hàn Quốc - chủ yếu là những người lớn tuổi - vẫn có thói quen dùng tiền mặt. Với các vị cao niên, tiền mừng tuổi, hay hiếu-hỉ, biếu tặng bắt buộc phải là phong bì với những tờ giấy bạc ở bên trong.
Châu Âu: Tiền điện tử loại tiền giấy
Tiền mặt đang “mất dạng” dần ở châu Âu. Tại Pháp chẳng hạn, trong 15 năm trở lại đây, số lượng các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tăng lên gấp ba lần. Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán trong 50% các khoản giao dịch. Thậm chí từ đầu những năm 2000, ngành Ngân hàng Pháp còn cung cấp thêm những phương tiện cho phép trả tiền mà không cần rút thẻ tín dụng ra khỏi ví.
Ngược lại ngày càng có ít người rút tiền mặt ở ngân hàng. Từ rất lâu nay, nhân viên ngân hàng không còn giữ két, mọi dịch vụ rút hay gửi tiền mặt đều qua các quầy tự động.
Thống kê của cơ quan tư vấn McKinsey cho thấy, trung bình mỗi người Pháp sử dụng 301 lần thẻ tín dụng một năm. Pháp đứng hàng thứ 6 trong châu Âu. Tuy nhiên khác với Đan Mạch hay Thụy Điển, ở Pháp, dùng thẻ tín dụng để thanh toán những khoản tiền rất nhỏ còn chưa được phổ biến. Thí dụ như đi mua một ổ bánh mì chưa đến 1 euro, ít ai rút thẻ tín dụng để trả. Có rất nhiều cửa hàng không nhận thẻ tín dụng nếu bạn mua dưới 15 euro. Bởi vì chi phí mà chủ hiệu phải trả cho ngân hàng còn quá cao.
Đây là khác biệt rất lớn so với ở Thụy Điển chẳng hạn, nơi mà có tới 80% các khoản mua bán trên đường phố đều được thanh toán bằng kỹ thuật số. Ngay tại bảo tàng của ban nhạc ABBA, nổi tiếng với ca khúc Money, Money, Money, quầy bán vé không nhận tiền mặt, gây lúng túng không ít cho du khách nước ngoài. Nhiều người xem đây là dấu hiệu rõ rệt nhất “khai tử” tiền giấy tại xứ Bắc Âu này.
Một ông bán bánh mì xúc xích trên lề đường ở Stockholm thản nhiên nhận thẻ tín dụng, dù giá mỗi cái bánh chưa đến 2 đồng nội tệ. Ông nói trả tiền như vậy tiện lắm, không sợ làm rơi tiền, không sợ bị móc túi. Với khách hàng, không biết đếm tiền cũng chẳng sao, không ai bị thiệt thòi.
Maria, chủ hiệu bán hoa ở Copenhagen, Đan Mạch, cho biết bà bị trấn lột hồi lễ Giáng Sinh khi trên đường ra ngân hàng, từ đó trở đi Maria nhất quyết không dùng tiền mặt nữa.
Tại Đức, tới nay 75% các khoản giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Pháp gắn bó với tiền giấy không kém. Theo Banque de France (Ngân hàng Trung ương Pháp), năm 2016, khối lượng tiền giấy ở Pháp tăng 7%.
Cái “được thua” trong xã hội Cashless
Trong mục tiêu chống nạn rửa tiền, bài trừ các nguồn tài trợ bất chính, Pháp từ tháng 9/2015 cấm thanh toán bằng tiền mặt khi số tiền vượt quá 1.000 euro thay vì 3.000 euro như trước đó.
Trả lời đài phát thanh Europe 1, Giám đốc Ngân hàng Natixis, Philippe Waechter nêu lên những lợi thế khi sử dụng kỹ thuật số để chuyển ngân: “Đúng là chúng ta đang sắp bị cấm thanh toán bằng tiền mặt khi số tiền vượt quá ngưỡng 1.000 euro và so với Đức thì Pháp đang đi trước một bước. Hiện nay tại Pháp, hơn 50% các khoản giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt, tỷ lệ đó là 75% ở bên Đức.
Cái này là do thói quen và bản tính của mỗi dân tộc thôi. Nhưng phải thấy là việc giới hạn sử dụng tiền mặt, nhất là khi dùng để trả những khoản tiền lớn, có lợi ở nhiều điểm vì nó cho phép chống nạn rửa tiền, chống các vụ mua bán trái phép. Khi phải thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, thì mọi chuyện đều phải minh bạch, biết rõ ai mua hay bán gì, lúc nào và tiền ở đâu ra”.
Biết rõ ai mua bán những gì, mua bán với ai và ở thời điểm nào chính là mối lo ngại của một số người muốn bảo vệ đời tư. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sợ rằng những thông tin rất cá nhân đó sẽ được khai thác trong các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi… Đó là chưa kể khi những thông tin này lọt vào tay các tổ chức tội phạm.
Một lợi thế khác khi dẹp bỏ tiền mặt là tiết kiệm được từ khâu in ấn, đến lưu hành đồng tiền. Trong trường hợp của Hàn Quốc, các chuyên gia dự trù tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Ngân hàng Trung ương Đan Mạch thẩm định là sẽ giảm được một khoản tốn kém tương đương từ 0,3 cho đến 0,7% GDP.
Trường hợp của Thụy Điển khá đặc biệt, quốc gia Bắc Âu này luôn tiên phong trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 1661, Ngân hàng Thụy Điển là định chế tài chính đầu tiên phát hành tờ giấy bạc, (cho dù là những tờ giấy tiền đầu tiên của nhân loại lưu hành từ cách nay cả ngàn năm).
Thụy Điển cũng là nền kinh tế đầu tiên lập ra Ngân hàng Trung ương với mục đích ổn định chính sách tiền tệ quốc gia. Bước sang thế kỷ 21, lại cũng Thụy Điển tiên phong trên mô hình “Cashless society” khi hầu hết người dân Thụy Điển không dùng từ “trả tiền” khi phải thanh toán một khoản giao dịch, mà họ dùng động từ “swish” vì sử dụng ứng dụng cùng tên làm phương tiện mua bán.
Trong lúc tại Mỹ, lượng tiền mặt lưu hành tương đương với 7,7% GDP. Trong khu vực đồng euro, tỷ lệ đó là 10,3%. Tại Thụy Điển, tiền mặt lưu hành chỉ tương đương với 2,1% GDP mà thôi.
Lịch sử tiền tệ của thế giới luôn chứng minh rằng từ 650 năm trước Công Nguyên, chưa một phương tiện thanh toán mới được phát hiện nào đủ sức thuyết phục để đẩy các công cụ cũ vào quá khứ.
Thời đại công nghệ số không là một ngoại lệ. Tiền điện tử có sức hấp dẫn tới mấy đi chăng nữa cũng khó làm quên đi những đồng giấy bạc cũ kỹ, hay những đồng xu vẫn được trao đổi hàng ngày trên đường phố hay ở ngoài chợ.
Bên cạnh những tính toán “được”, “thua”, liên hệ giữa con người với tiền bạc còn là vấn đề văn hóa, là thói quen.