Tiền mặt hết thời?

Theo daibieunhandan.vn

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, tiền ảo, thẻ tín dụng và điện thoại thông minh đang trở thành những phương tiện thanh toán phổ biến. Viễn cảnh những tờ giấy bạc hay tiền xu biến mất khỏi dịch vụ mua bán hàng không còn xa vời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiền ảo, giá trị thật

Trả tiền taxi, mua một bó rau hay đóng học phí cho con mà không cần mở ví không còn xa lạ tại Trung Quốc. Dân cư các thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, từ Trùng Khánh đến Thiên Tân... đang dùng điện thoại thông minh với những ứng dụng Alipay hay WeChat Pay thay cho ví tiền. Họ có thể đi chợ mà không cần ra khỏi nhà hay rời công sở, đặt mua từ vé máy bay đến gọi cơm hộp cho những bữa ăn trưa với phương tiện thanh toán này.

Theo công ty tư vấn về các dịch vụ mua bán trên mạng của Trung Quốc iResearch, trụ sở tại Thượng Hải, chỉ riêng năm 2016, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh để mua bán trên internet hay mua bán trực tiếp đã tăng gấp ba lần. Ước tính tổng giá trị thanh toán điện tử tại Trung Quốc đã lên 5.000 tỷ USD.

China Market Research Group chuyên nghiên cứu về thị trường tại nước đông dân nhất địa cầu này dự báo chỉ trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên không còn sử dụng tiền mặt.

Hiện tại số lượt thanh toán qua điện thoại thông minh của Trung Quốc đã lớn hơn Mỹ 40 - 50 lần. Theo Better Than Cash, tổ chức được Liên Hợp Quốc hỗ trợ nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển từ bỏ tiền mặt chuyển sang dùng tiền điện tử, các dịch vụ thanh toán điện tử tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt. Nếu như năm 2010 có tới 61% hóa đơn mua bán dùng tiền mặt thì đến năm 2020, tỷ lệ đó dự báo sẽ chỉ còn 30%.

Sau khi đã thành công vượt bậc trong nước, cả Alibaba lẫn WeChat cùng đang muốn “đổ bộ” ra nước ngoài. Alibaba đã mở dịch vụ thanh toán trên mạng cho người Trung Quốc tại Đức. WeChat cũng đang tìm cách để không tụt hậu trong cuộc đua bên ngoài Trung Quốc.


Trong khi đó, tại Hàn Quốc, việc mua hàng bằng tiền “thật” nhưng được trả lại tiền thừa bằng tiền “ảo” là việc hết sức bình thường. Từ tháng 4 vừa qua, một số cửa hàng lớn ở Thủ đô Seoul bắt đầu thử nghiệm phương tiện thanh toán mới. Mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2020, Hàn Quốc sẽ trở thành một nền kinh tế “Cashless” - không dùng tiền mặt.

Tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, 55% giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố tháng 12 năm ngoái cho thấy có đến 51% người dân xứ này muốn “phi vật thể hóa đồng tiền”, để khỏi vướng bận với ví tiền khi mua sắm.

 Giám đốc Viện Tài chính Seoul Lee Hyo Chan giải thích rằng, xóa bỏ tiền mặt sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiết kiệm được mỗi năm 40 triệu USD, vì phải mất hơn 10 won mới sản xuất ra được một đồng tiền có trị giá 10 won. Quản lý khối lượng tiền giấy lưu hành trên toàn quốc khá tốn kém. Khi không còn phải nặng gánh quản lý khối lượng tiền mặt lưu hành, kinh tế xứ Hàn sẽ tăng thêm được 1,2%.

Cũng như vậy, tiền mặt đang dần “mất dạng” ở châu Âu. Tại Pháp 15 năm trở lại đây, số lượng dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tăng gấp ba lần. Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán trong 50% giao dịch. Thậm chí từ đầu những năm 2000, ngành ngân hàng Pháp còn cung cấp thêm phương tiện cho phép trả tiền mà không cần rút thẻ tín dụng ra khỏi ví.

Trong khi đó, ngày càng ít người rút tiền mặt ở ngân hàng. Từ rất lâu nay, nhân viên ngân hàng không còn giữ két, mọi dịch vụ rút hay gửi tiền mặt đều qua quầy tự động. Thống kê của cơ quan tư vấn McKinsey cho thấy, trung bình mỗi người Pháp sử dụng 301 lần thẻ tín dụng một năm. Pháp đứng hàng thứ 6 trong khối châu Âu.

Tuy nhiên, khác với Đan Mạch hay Thụy Điển, ở Pháp, chưa phổ biến việc dùng thẻ tín dụng để thanh toán những khoản tiền rất nhỏ. Thí dụ như đi mua ổ bánh mì chưa đến 1 euro, ít ai rút thẻ tín dụng để trả. Có rất nhiều cửa hàng không nhận thẻ tín dụng nếu mua dưới 15 euro. Bởi chi phí chủ hiệu phải trả cho ngân hàng còn quá cao.

Đây là khác biệt rất lớn so với ở Thụy Điển, nơi có tới 80% khoản mua bán trên đường phố đều được thanh toán điện tử. Ngay tại bảo tàng của ban nhạc ABBA, nổi tiếng với ca khúc Money, Money, Money, quầy bán vé không nhận tiền mặt, gây lúng túng không ít cho du khách nước ngoài.

Nhiều người xem đây là dấu hiệu rõ rệt nhất “khai tử” tiền giấy tại xứ Bắc Âu này. Các nghị sĩ Đan Mạch thậm chí đang soạn thảo một dự luật cho phép người bán hàng từ chối nhận tiền mặt của khách hàng.

Được và mất

Sự tiện lợi của phương thức thanh toán này là cả người mua và bán đều không phải lo đếm tiền, nhầm lẫn hay bị mất. Trong mục tiêu chống nạn rửa tiền, bài trừ các nguồn tài trợ bất chính, từ tháng 9.2015 Pháp cấm thanh toán bằng tiền mặt khi số tiền vượt quá 1.000 euro thay vì 3.000 euro như trước.

Theo Giám đốc Ngân hàng Natixis, Philippe Waechter, những ưu điểm của việc giới hạn sử dụng tiền mặt rất rõ ràng, nhất là khi thanh toán các khoản tiền lớn, vì nó cho phép chống nạn rửa tiền, chống các vụ mua bán trái phép cũng như dễ dàng hơn trong quản lý tài sản và chống tham nhũng.

Khi phải thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại thông minh thì mọi chuyện đều phải minh bạch. Khi cần điều tra, các cơ quan chức năng có thể biết rõ đối tượng mua - bán, thời điểm và nguồn gốc số tiền.

Một lợi thế khác khi dẹp bỏ tiền mặt là tiết kiệm từ khâu in ấn đến lưu hành. Trong trường hợp của Hàn Quốc, các chuyên gia dự trù tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD/năm. Ngân hàng Trung ương Đan Mạch thẩm định là sẽ giảm được một khoản tốn kém tương đương 0,3 - 0,7% GDP.

Tuy nhiên, an ninh là vấn đề gây quan ngại đối với người tiêu dùng. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sợ rằng, những thông tin cá nhân sẽ được khai thác trong các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi… Chưa kể khi những thông tin này lọt vào tay các tổ chức tội phạm. Vấn đề bảo mật trong thanh toán điện tử và tội phạm công nghệ cũng là những yếu tố khiến nhiều người e dè khi sử dụng loại hình thanh toán này.