Tiếng chuông thành kính, vạn lời tri ân
(Tài chính) Nếu ai chưa có trong mình một hình dung trọn vẹn về hai chữ Tổ quốc, hãy một lần đứng trước bạt ngàn những nấm mồ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tại nấm mồ liệt sỹ khuyết danh khổng lồ trong Thành cổ Quảng Trị... Nơi đây không chỉ sẽ cho chúng ta câu trả lời chân thực: Tổ quốc là gì, Tổ quốc từ đâu, mà còn giúp mỗi người hôm nay thấu hiểu hơn sự vô giá của độc lập, sự vô giá của hoà bình...
Đi suốt dặm dài của dải đất hình chữ S, ấn tượng đọng lại trong thẳm sâu bất cứ người Việt Nam nào cũng là những nghĩa trang liệt sỹ. Từ đỉnh Lũng Cú - Hà Giang đến mũi Cà Mau, đâu đâu cũng trắng toát những hàng bia mộ. Và khi đặt chân tới vùng đất lửa Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, ấn tượng về sự rộng dài của Tổ quốc không chỉ còn giới hạn ở vị trí địa lý, mà hiển hiện cả ở chiều sâu tâm linh, ở những giá trị tinh thần to lớn không thể đo đếm được.
Có đứng ở mảnh đất mà cách đây gần bốn mươi năm, bom đạn của kẻ thù còn nhiều hơn sỏi đá mới cảm nhận được những mất mát vô hạn mà dân tộc ta đã phải trả để có được một nước Việt thống nhất. Có đứng trước hàng hàng, lớp lớp những dãy mồ liệt sỹ mới thấu hiểu được nỗi đau dằng dặc vẫn hằng ngày, hằng giờ hiển hiện trong cuộc sống của mỗi gia đình Việt Nam... Quảng Trị là tỉnh có 72 nghĩa trang lớn nhỏ, trong đó Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có hơn một vạn nấm mồ liệt sỹ, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, có gần một vạn liệt sỹ. Và Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn - chứng tích của bản anh hùng ca bất tử, nơi thịt xương của hàng ngàn liệt sỹ đã hoà vào sóng nước, cỏ cây...
Tôi cứ đứng lặng hàng giờ trước trùng trùng những nấm mồ liệt sỹ trong Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, để tự hỏi ngoài khát vọng độc lập cho Tổ quốc, còn có lý do nào để hàng vạn người con ưu tú của nòi giống Lạc Hồng đã hiến trọn đời mình cho dân, cho nước như thế? Để rồi chợt hiểu câu hỏi của mình thật vô nghĩa. Chắc chắn, mấy mươi năm trước, thế hệ cha, anh của chúng ta đang nằm dưới những hàng bia mộ đơn sơ kia đã không hề suy tính như thế khi cầm súng ra trận. Với họ, sự lựa chọn thật đơn giản: khi Tổ quốc bị xâm lăng thì cầm súng cứu nước là trách nhiệm của mỗi người. Họ đã lựa chọn con đường vinh quang, nhưng cũng bi tráng nhất: Chiến đấu chống quân thù, để rồi anh dũng hy sinh khi phần lớn tuổi đời còn rất trẻ.
Tôi lại thầm hỏi, trước các quyết định sinh tử của đời người, những anh hùng, liệt sỹ của chúng ta có nghĩ suy, day dứt hay không? Để rồi chợt thấy mình vẫn nông cạn trong cõi nhân sinh bất tận. Bởi đằng sau mỗi tấm bia mộ bạc màu nắng gió, ẩn sau cả những nấm mồ còn khuyết danh kia là một cuộc đời hiển hiện. Họ đã từng sống, từng yêu thương, ước vọng mà nếu không có chiến tranh, họ đã có một số phận khác, đã hạnh phúc và thành công ở nhiều lĩnh vực khác. Nhưng khi đất nước có ngoại xâm, họ đã gác lại tất cả, chỉ vì một lý tưởng sáng ngời đó là cầm súng giành độc lập cho đất nước, dân tộc. Lúc ra đi, làm sao họ không day dứt khi mỗi người nằm đây là con của một bà mẹ Việt Nam, thành viên của một gia đình Việt Nam. Làm sao không day dứt khi họ biết rằng dõi theo người trai ra trận là ở quê nhà, mẹ già, người thương mỏi mắt ngóng trông, vợ trẻ, con thơ ngày đêm thẫn thờ tựa cửa... Nhưng rồi họ vẫn đón nhận sự ngã xuống mà không hề mảy may suy tính bởi ngoài khát vọng Tổ quốc thống nhất, đất nước sạch bóng quân thù, thì mong ước cháy bỏng của họ là các thế hệ tương lai được sống tốt hơn trong hoà bình, hạnh phúc. Chỉ có ước mong vô cùng lớn lao đó mới khiến họ sẵn sàng đón nhận sự hy sinh nhẹ nhàng như thế, hiển nhiên như thế. Bởi vậy, họ là những vị anh hùng bất tử!
Đứng trước hàng hàng bia mộ trắng toát, một ngày cuối tháng 7/2011, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, tôi không thể ngờ "gia tài" của gần một vạn liệt sỹ tại một trong hai nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất cả nước lại giản dị đến thế. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở khu vực trung tâm đã cũ kỹ và xuống cấp bởi mưa nắng, thời gian. Bởi vậy mà khi ngành Tài chính Việt Nam cùng với tỉnh Quảng Trị quyết định sẽ nâng cấp xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, toàn thể công chức, viên chức ngành Tài chính cũng như nhân dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã mừng vui và xúc động to lớn.
Đêm trước ngày vào Quảng Trị dự lễ động thổ, khởi công dự án nâng cấp, tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Nào ngờ, tâm trạng trằn trọc vì xúc động trước một sự kiện tri ân các liệt sỹ đầy ý nghĩa cũng ngự trị ở tất cả các thành viên trong đoàn.
Ông Dương Đức Minh - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài chính xúc động, chia sẻ: "Được tham gia một Dự án như thế này là vinh dự của ngành Tài chính Việt Nam. Đối với mỗi công chức, viên chức trong Ngành, việc được ủng hộ tối thiểu một ngày lương cho dự án là hành động thiết thực nhất thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Bởi vậy, chắc chắn lời kêu gọi chung tay góp sức nâng cấp xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ được toàn Ngành hưởng ứng tích cực".
Ông Nguyễn Hùng Minh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài chính cho biết, đã nhiều lần đi thăm Quảng Trị, lần nào cũng vô cùng xúc động nhưng không lần nào ông có cảm xúc giống như lần này, khi được tham gia một sự kiện ý nghĩa của Ngành. Ông tâm sự với mọi người mà như nói với chính mình: "Nhất định sẽ có ngày, tôi đưa con trai tôi vào thăm và thắp hương cho các liệt sỹ nơi đây. Việc đứng trước hàng vạn nấm mồ liệt sỹ, được đọc tên tuổi, quê quán, nơi hy sinh và tưởng niệm anh linh các liệt sỹ chắc chắn sẽ cho lớp trẻ những bài học vô giá về tinh thần dân tộc, về giá trị của độc lập, hoà bình".
Đúng 18 giờ 30 chiều ngày 26/7/2011, khi Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường cùng thỉnh 9 tiếng chuông thành kính xin với các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 cho tiến hành lễ động thổ Dự án, nước mắt đã nhoè trên gương mặt mọi cán bộ ngành Tài chính và cán bộ, nhân dân địa phương. Và khi nghi lễ bắt đầu, trong buổi chiều muộn thanh vắng, giữa gần 10.000 ngọn nến lung linh được thắp lên, hầu hết mọi người đã không cầm được nước mắt. Ông Lê Phó, Chánh Văn phòng Sở Tài chính Quảng Trị tâm sự trong nghẹn ngào: "Đã từ lâu, nhân dân Quảng Trị mong muốn Khu hành lễ của Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 được xây dựng lại cho xứng tầm với một nghĩa trang liệt sỹ quốc gia, để tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống cho tự do, độc lập nhưng nguồn kinh phí của Tỉnh có hạn. Nay ngành Tài chính và tỉnh Quảng Trị kết hợp thực hiện công trình ý nghĩa này thực sự là nén tâm nhang dâng lên hương hồn các liệt sỹ. Đặc biệt, sự kiện này càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7".
Rồi một năm nữa, tại Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, một công trình tri ân, tưởng nhớ các liệt sỹ sẽ hoàn tất. Cán bộ, công chức ngành Tài chính Việt Nam có quyền tự hào về tấm lòng và sự đóng góp nhỏ bé của mình. Nhưng sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp cha anh thì không cho phép chúng ta được thoả mãn, dừng lại. Vẫn biết rằng hơn mười năm đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội mà ngành Tài chính đóng vai trò then chốt nhưng không phải mọi thứ đều đã tốt đẹp. Những bất ổn vĩ mô thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính thế giới vẫn đeo bám chúng ta mà hơn lúc nào hết, mục tiêu ổn định để phát triển bền vững trở thành mệnh lênh sống còn. Công cuộc hội nhập quốc tế dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng thách thức lớn vẫn đang ở phía trước. Trách nhiệm giữ gìn nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ, điều mà các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương giành lại cho thế hệ chúng ta hôm nay, lại một lần nữa đặt ra trong bối cảnh những bất ổn mới ở biển Đông...
Tuy nhiên, hãy so sánh để thấy những khó khăn, thách thức hôm nay làm sao lớn bằng những gì thế hệ cha anh chúng ta mấy mươi năm trước đã phải đối mặt. Vậy mà chỉ với súng trường cùng đôi dép cao su, cha anh chúng ta đã buộc hai đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới phải thất bại, cúi đầu... Chính lòng yêu nước, niềm tin, khát vọng vô bờ bến vào sự trường tồn của dân tộc, vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc đã giúp cha anh chúng ta làm nên sức mạnh để chiến thắng.
Đứng trước bạt ngàn những hàng mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 mới thấy gia tài của Tổ quốc chúng ta to lớn biết nhường nào. Gia tài ấy không đến từ máy bay, tàu chiến mà chính là lòng yêu nước và tinh thần hy sinh vô bờ bến vì nhân dân, Tổ quốc. Bởi vậy, sẽ không có khó khăn nào cản bước dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên thịnh vượng nếu chúng ta phát huy được sức mạnh, ý chí sắt đá, đức hy sinh quên mình mà thế hệ cha anh hôm qua đã dùng chính máu xương mình viết nên trang sử chói sáng ấy. Đó vừa là điểm tựa lớn lao để chúng ta vươn tới, vừa là món nợ với lịch sử, món nợ với những người đã ngã xuống mà mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay phải khắc cốt, ghi xương...
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 - 2011