Với Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013, Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Theo đó, hoạt động điều tiết giá của Nhà nước bao gồm các hoạt động như: bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá.
Đối với hoạt động bình ổn giá, Chính phủ quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau: xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế; điện bán lẻ; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm ure; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa giành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Những trường hợp Nhà nước thực hiện bình ổn giá gồm: khi giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường; khi mặt bằng giá biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thời hạn áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá đối với từng mặt hàng tối đa không quá 06 tháng.
Về định giá, Nghị định quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đơn vị có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mới có thẩm quyền và trách nhiệm định giá. Những trường hợp được điều chỉnh mức giá do Nhà nước định giá gồm: khi các yếu tố hình thành giá trong nước và thế giới có biến động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá thì phải nêu rõ lý do và cơ sở xác định mức giá đề nghị điều chỉnh; trường hợp kiến nghị điều chỉnh giá không hợp lý thì cơ quan có thẩm quyền định giá phải trả lời cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bằng văn bản… Nghị định cũng quy định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.
Địa điểm niêm yết giá là tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức; siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật; cửa hàng; cửa hiệu; ki-ốt; hội chợ triển lãm và các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa…; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết; đồng tiền niêm yết giá là đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.
Đi vào cuộc sống
Để các quy định trên của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, ngày 28/4/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2014/TT-BTC hướng dẫn cụ thể các quy định trên. Theo đó, Thông tư nêu rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu thuộc Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện bình ổn giá. Cụ thể, cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính là Cục Quản lý giá có trách nhiệm: Theo dõi, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, quyết định thay đổi, bổ sung mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá; Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức trích lập, mức sử dụng quỹ bình ổn giá; Giám sát việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng mặt hàng được quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra quy định về cách thức thực hiện đăng ký giá, để các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện đăng ký giá theo một trong các hình thức là: Gửi trực tiếp 02 bản tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị); Gửi qua đường công văn 02 bản cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ: Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị); Gửi qua thư điện tử kèm chữ ký điện tử hoặc kèm bản scan Biểu mẫu có chữ ký và dấu đỏ theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu thông báo hoặc gửi qua fax và gọi điện thoại thông báo cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu. Đồng thời, gửi 02 bản qua đường công văn cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị). Riêng mặt hàng thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu có quyền sử dụng mức giá do tổ chức, cá nhân đăng ký vào mục đích phân tích, tổng hợp, dự báo biến động giá cả thị trường; kiểm tra các yếu tố hình thành giá, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng phục vụ mục tiêu bình ổn giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo luật định khi cần thiết...
Các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá có quyền mua, bán hàng hoá, dịch vụ theo giá đã đăng ký nếu sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện đăng ký giá theo quy định mà không nhận được văn bản (công văn, fax, thư điện tử) của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu yêu cầu tổ chức, cá nhân không được thực hiện mức giá đăng ký theo quy định...
Mặt khác, Thông tư cũng quy định, cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính là Cục Quản lý giá có trách nhiệm: Theo dõi, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính; Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang bộ; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định; Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức trích lập, mức sử dụng quỹ bình ổn giá; Giám sát việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng mặt hàng theo quy định; Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá…
Cơ quan tham mưu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của các bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Sở Tài chính có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ, UBND tỉnh quyết định; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương.
Luật Giá và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá mang tầm vĩ mô, có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong nền kinh tế thị trường và trong xu thế hội nhập của Việt Nam. Do vậy, việc ban hành Thông tư số 56/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá được kỳ vọng sẽ giúp công tác quản lý giá tốt hơn, thị trường giá cả sẽ minh bạch, ổn định.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý giá
(Tài chính) Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/6/2014, Thông tư 56/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý quy định về giá. Những vấn đề về bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, kê khai giá… được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.
Xem thêm