Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về PPP

PV.

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2017. Tuy nhiên, một số nội dung chưa thể quy định trong văn bản ở cấp nghị định sẽ được quy định tại cấp cao hơn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) có các điểm mới gồm: Bổ sung lĩnh vực đầu tư; Quy định bổ sung trình tự phù hợp hơn với dự án công nghệ cao; Bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP (nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn vốn thanh toán cho dự án BT); Quy trình quyết định chủ trương đầu tư; Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng chặt chẽ hơn đối với các dự án BT, cụ thể như: lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán, bổ sung các nguồn thanh toán khác ngoài quỹ đất, quy hoạch chi tiết các khu đất dự kiến thanh toán; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; Thời điểm chuyển nhượng dự án... Các nội dung thông tin cơ bản hợp đồng PPP phải được công khai để tăng tính minh bạch, tính giải trình và đặc biệt làm tăng khả năng giám sát của người dân, xã hội.

Sự ra đời của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP được nhiều chuyên gia đánh giá là rất kịp thời, giải quyết được những hạn chế của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, giúp nâng cao hiệu quả và tạo sức hấp dẫn của các dự án PPP.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, một số nội dung chưa thể quy định trong văn bản ở cấp nghị định (như Nghị định số 63/2018/NĐ-CP hiện nay), mà cần phải được thể chế trong luật như chế tài xử lý vi phạm, cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các rủi ro có thể xảy ra trong dự án PPP...

Về vấn đề chia sẻ rủi ro từ các dự án PPP, ông Vũ Đại Thắng cho biết, một số đối tác phát triển và các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá, đầu tư PPP tại Việt Nam vẫn còn rủi ro vì chưa có quy định rõ ràng về các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, cơ chế bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng để thảo luận, xây dựng nhưng còn vướng nhiều luật và cần thêm cơ sở thực tiễn từ một số dự án cụ thể. Do đó, nội dung này chưa được thể chế tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP mà phải chờ Luật về PPP.

“Để giải quyết triệt để các vướng mắc, cần thời gian và các giải pháp đồng bộ, từ khâu định hướng rõ ràng, thống nhất đến việc cải cách thể chế và tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi dự án PPP cụ thể”, khẳng định điều này ông Vũ Đại Thắng cho biết, về lâu dài, Luật đầu tư theo hình thức PPP cần phải được xây dựng.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) để cho ý kiến và sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019).