Tiêu xài cho Tết: Người Việt có quá lãng phí?
Theo đánh giá của Nielsen Việt Nam, người Việt có thể tiết kiệm cả năm, nhưng sẵn sàng chi tiêu mua sắm nhộn nhịp trong dịp Tết.
Mới đây, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu TNS vào tháng 1 cho biết phần lớn người tiêu dùng Việt Nam lên kế hoạch tăng chi tiêu trong suốt dịp Tết lên mức trung bình là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng).
Tết dễ “móc” hầu bao
Nghiên cứu của TNS cho biết ngoài chi phí đi lại - thứ luôn tăng vọt trong mỗi dịp nghỉ lễ, lượng chi tiêu cho các vật dụng gia đình, đồ ăn thức uống hay trang thiết bị cá nhân như quần áo (thường là mua quần áo mới cho tất cả các thành viên trong gia đình) cũng tăng đột biến.
Ngoài ra, người Việt còn phải chi tiêu cho việc mua quà biếu, quà tặng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Chi phí này cũng “ngốn” khá nhiều tiền, thậm chí còn hơn cả tiền thưởng Tết.
Rồi sau đó là tiền lì xì cho bạn bè và người thân, đặc biệt là cụ già và trẻ nhỏ. Số tiền chi tiêu trong dịp Tết không hề nhỏ, nếu đem so với thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng (tức 3,8 triệu đồng/tháng).
Cùng với đó, số tiền chi tiêu trong dịp Tết cũng được nhận định là cao hơn nhiều lần so với mức thưởng Tết trung bình của mỗi người lao động hiện nay. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết báo cáo của hơn 31.000 doanh nghiệp cho thấy thưởng Tết Dương lịch của năm 2015 so với năm 2014 tăng 2%, trung bình 1,18 triệu đồng/người. Về Tết Âm lịch, khoảng trên 80% doanh nghiệp có thưởng, còn 13% chưa có khả năng thưởng Tết. Mức thưởng Tết âm lịch trung bình khoảng 5,7 triệu đồng/người, tăng 17,5 % so với năm 2014.
Điều này cho thấy với mức thưởng Tết năm 2015 dành cho người lao động trung bình hơn 5 triệu đồng/người, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng (3,8 triệu đồng/tháng) thì mức chi tiêu 14,2 triệu đồng trong một tháng Tết đang cao hơn 2 lần mức thưởng Tết trung bình và gấp gần 4 lần thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi người.
Vậy tại sao người Việt lại sẵn sàng bạo chi như vậy, khi trước đó vẫn được đánh giá là quốc gia đứng đầu toàn cầu về chi tiêu tiết kiệm. Báo cáo về niềm tin người tiêu dùng của Nielsen mới đây đã chỉ ra Việt Nam vẫn luôn là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 79% người tiêu dùng khẳng định họ chi tiêu tiết kiệm.
Nielsen lý giải, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng tại Việt Nam, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu để tiết kiệm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Bằng chứng là khảo sát chỉ ra rằng, 8 trong 10 người Việt đã điều chỉnh thói quen trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu của mình.
Bỏ Tết được không?
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tổng Giám đốc công ty Nielsen Việt Nam - ông Vaughan Ryan, cho biết: “Người Việt có thể tiết kiệm cả năm nhưng sẵn sàng chi tiêu mua sắm nhộn nhịp trong dịp Tết”.
Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia Tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng kỳ nghỉ Tết dài 9 ngày có nhiều lợi ích, nhưng thiệt hại cũng nhiều hơn. Mặt lợi là giúp người lao động có nhiều thời gian bên gia đình. Đặc biệt, khi đường xá vẫn chưa thuận lợi, việc đi lại vẫn còn khó khăn, người dân càng muốn ở lâu bên gia đình hơn.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết dài còn giúp giữ gìn truyền thống, văn hóa ăn Tết có từ ngàn xưa. Thế nhưng, thiệt hại về kinh tế, xã hội thì rất lớn, bởi kỳ nghỉ Tết dài tạo ra nhiều hệ lụy như khiến con người trì trệ trong công việc, lười biếng không muốn trở lại với công việc.
“Kỳ nghỉ Tết dài ngày tạo ra thói quen nghỉ ngơi không chỉ trong những ngày nghỉ chính thức mà còn lan sang những ngày cận Tết và cả tháng trời sau Tết. Việt Nam vốn có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Phải đến tháng 2, họ mới thực sự làm việc trở lại. Một tháng làm việc trì trệ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 10%. Chưa kể thiệt hại về xã hội là tai nạn giao thông”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Hay cho rằng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua kéo dài 9 ngày là quá dài, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nêu quan điểm mỗi kỳ nghỉ Tết chỉ nên kéo dài 5 ngày, tối đa không quá một tuần, thay vì tới 9 ngày như hiện nay.
Trước câu hỏi Tết có ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam hay không, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines và Thái Lan, họ còn có nhiều ngày nghỉ hơn Việt Nam, cả Malaysia và Nhật Bản cũng có nhiều ngày nghỉ hơn. GDP Việt Nam hiện đang xếp thứ 2 trong các quốc gia này. Vì thế, ông không cho rằng việc có nhiều ngày nghỉ Tết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam.
“Tôi không biết các lĩnh vực khác như thế nào nhưng riêng với bất động sản, năm nay do hoạt động thị trường khởi sắc nên có khá nhiều doanh nghiệp nội hoạt động suốt Tết”, ông Alex Crane cho biết.
Điều này cho thấy, nếu có sự sắp xếp và cân bằng nhất định, chúng ta vẫn có thể tận hưởng Tết Nguyên đán - dịp đặc biệt nhất trong năm một cách lành mạnh, tiết kiệm và ít tốn kém nhất.