Tín dụng tăng tốc cuối năm
(Tài chính) Lạm phát thấp đang tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống và kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN). Thực tế, thời gian qua, tín dụng đã bắt đầu tăng tốc cho mục tiêu cuối năm.
Để kích cầu tín dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét tiếp tục điều chỉnh mặt bằng lãi suất. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện để các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Kích tín dụng để giải quyết nợ xấu
Tại sao phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức có thể nói là cao (5,5%) và lạm phát đang thấp? Có thể nói, đây là năm thứ 2 nền kinh tế tăng trưởng thực dương do lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế. Vậy nhưng, tại sao phải đẩy mạnh vốn hơn nữa ra thị trường?
Theo TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bé về quy mô thì vẫn cần phải tăng trưởng. Mà để tăng trưởng thì phải kích thích nhu cầu vay vốn của DN, nền kinh tế.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tín dụng năm nay sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng là 13%. Tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung hơn vào cho vay các ngành nông nghiệp, liên quan đến bất động sản, sản xuất và một số ngành thuộc sở hữu nhà nước.
“Rõ ràng chính phủ ưu tiên định hướng các ngân hàng tăng cường cho vay đối với các hoạt động kinh tế thực sự vì có lẽ thấy rằng hiện giờ là thời điểm thích hợp để đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng bình thường, tuy nhiên để đạt được điều này sẽ mất một vài năm”, CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) bình luận.
Quan trọng hơn, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng giải quyết được nợ xấu. Với mục tiêu giảm nợ xấu xuống 3% trong năm 2015, nếu không đẩy mạnh được vốn ra thị trường, ngành ngân hàng khó giải quyết được tỷ lệ nợ xấu theo mục tiêu.
Có thể nhìn từ động thái của NHNN đối với số nợ của Vinalines tại Vietinbank để hiểu điều đó. Báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VSCS) cho biết vào sáng ngày 8/12, NHNN đã đồng ý với chủ trương để VietinBank trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines và các công ty thành viên của tập đoàn này, bằng cách chuyển khoản nợ 5.000 tỷ đồng (tương đương 235 triệu USD) của tập đoàn này thành cổ phần thuộc sở hữu của Vietinbank.
Với cách làm này, Vietinbank dự kiến sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của 2 cảng Hải Phòng và cảng Đà Nẵng trong đợt chào bán cổ phần sắp diễn ra vào đầu năm 2015.
Giải pháp này vừa giúp Vietinbank xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng. Tính đến 30/9/2014, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tại thời điểm VietinBank là 1,42%, tăng trưởng tín dụng 7%. Nếu đề xuất này của NHNN mà được chấp thuận, thì tăng trưởng tín dụng của Vietinbank sẽ cải thiện đáng kể và nợ xấu có thể còn thấp hơn nhiều.
Lãi suất sẽ còn giảm sâu
Mặc dù vậy, để kích thích tăng trưởng tín dụng, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN điều hành giảm thêm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn.
Theo thông tin từ NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh giảm, hiện dư nợ cho vay với lãi suất hơn 15%/năm chiếm 3,95% tổng dư nợ; lãi suất trên 13%/năm, chiếm 11,1%.
Lãi suất giảm sâu đã giúp tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Theo ông Phước, lãi suất còn giảm nữa, do lạm phát thấp. Mà thực tế lạm phát với lãi suất như hình với bóng, nếu có thời điểm nào đó 2 kênh này bị chệch đi thì về cơ bản, lãi suất và lạm phát sẽ cùng chiều. Do vậy, với dự kiến lạm phát năm nay chỉ khoảng 3% thì lãi suất sẽ còn giảm nữa.
Thực tế, thời gian qua, lãi suất huy động trên thị trường đã có dấu hiệu cho việc giảm tiếp. Sau động thái giảm lãi suất huy động của Vietcombank, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin giảm lãi suất của Vietinbank. Một số ngân hàng cổ phần khác tuy không giảm nhiều nhưng cũng có điều chỉnh ở một số kỳ hạn huy động dài hạn.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc một số nhà băng cắt giảm lãi suất đầu vào trung, dài hạn sẽ tạo điều kiện tốt hơn để họ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay.
“Thời gian tới, mặt bằng lãi suất này có thể thấp hơn khi quy định mới tại Thông tư 36 của NHNN cho phép các ngân hàng được sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Lịch bình luận.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng cho biết, lạm phát và Thông tư 36 sẽ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay kỳ hạn dài. Như vậy, có thể thấy sang năm, thị trường sẽ có mặt bằng lãi suất trung, dài hạn tốt hơn nữa.