Toàn cảnh bức tranh thưởng Tết 2018
Theo nhận định chung của các chuyên gia, bức tranh thưởng Tết 2018 sẽ có nhiều khả quan, trong đó, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, dịch vụ du lịch được kỳ vọng có mức thưởng đột biến.
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đã yêu cầu các địa phương trên cả nước tập hợp tình hình tiền lương năm 2017 và kế hoạch thưởng Tết 2018 của doanh nghiệp, gửi báo cáo lên Bộ trước ngày 31/12.
Dù chưa có số liệu chính thức, song bà Minh nhận định mức thưởng Tết năm nay nhìn chung sẽ khả quan. “Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu tăng nhẹ từ 1/1/2018. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thưởng Tết vì đây là thành quả kinh doanh của năm 2017”, bà Minh nói.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận định, đa phần doanh nghiệp năm nay sẽ theo xu hướng thưởng Tết bằng 1 tháng lương cho người lao động.
“Trong bối cảnh hiện nay, muốn giữ chân lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ doanh nghiệp phải có chính sách đãi ngộ phù hợp, ghi nhận sự cống hiến của người lao động”, ông Phòng cho biết.
Mới đây, theo khảo sát tình hình lương, thưởng năm 2017 trên 592 công ty trong 16 ngành nghề của Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet và Mercer cho thấy, tỷ lệ tăng lương năm 2017 và dự kiến năm 2018 của các công ty Việt Nam sẽ cao hơn mức tăng của lạm phát.
Theo đó, tỷ lệ thưởng ở các công ty Việt Nam so với lương cơ bản là 22,1%. Tỷ lệ này ở các công ty nước ngoài thấp hơn, là 16,6%. Các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tài chính có mức thưởng tăng nhẹ so với các ngành khác; lần lượt là 22,1%; 20,7% và 20,7%. Các công ty lớn ở Việt Nam tiếp tục có mức thưởng cao hơn so với các công ty nước ngoài. 3 ngành có tỷ lệ thưởng thấp nhất là bán lẻ, kho vận và giáo dục.
Nói về mức thưởng Tết giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nhận định: Bề mặt chung, tiền thưởng vẫn sẽ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Riêng với một số ngành sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản… dù có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn giữ được sự ổn định.
Vì vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp thuộc các ngành này vẫn sẽ giữ được mức thưởng như các năm trước. Không loại trừ, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này còn có những chính sách chăm sóc riêng ngoài chế độ lương, thưởng Tết như tặng quà, tặng vé tàu, xe… Dự báo năm nay, ngành Ngân hàng có thể thưởng trên 3 tháng lương. Ngoài ra, bất động sản, dịch vụ du lịch… là những ngành tăng trưởng tốt nên có thể có đột biến về thưởng Tết.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm nay ngoài các hoạt động truyền thông tới doanh nghiệp để chăm lo Tết cho công nhân, lao động, đơn vị này còn phối hợp để tổ chức các hoạt động đưa đoàn viên và người lao động về quê ăn Tết, thông qua việc hỗ trợ tàu, xe.
Riêng đối với các doanh nghiệp khó khăn, Công đoàn cấp trên sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ đoàn viên và người lao động có vé tàu, xe miễn phí về quê đón tết. Bên cạnh đó, tổ chức các phiên chợ tết bán hàng với chính sách ưu đãi giảm giá, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, đón giao thừa, mừng Đảng, mừng Xuân cho đoàn viên và người lao động ở lại trước, trong và sau Tết.
"Đặc biệt, chúng tôi tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên và người lao động. Thực hiện khảo sát, nắm chắc số lượng đoàn viên và người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc diện sản xuất cầm chừng, ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn... để kiến nghị với chính quyền đồng cấp và công đoàn cấp trên xem xét hỗ trợ. Tổ chức thăm hỏi đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo, người lao động bị mất việc làm, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, lao động tại vùng bị thiên tai, bão lụt…" – ông Chính nói.
Theo ông Chính, cũng như các năm, năm nay Công đoàn các cấp sẽ tổ chức các chương trình tết sum vầy với nhiều hoạt động dành cho người lao động xa nhà, khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch lo lương, thưởng tết cho công nhân, lao động.
Năm 2017, bình quân mức thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trên cả nước khoảng 4,9 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất cho cá nhân là 1 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở TP. Hồ Chí Minh. Mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng mỗi người tại doanh nghiệp ở Bến Tre. Riêng khối ngân hàng, năm 2017 có mức thưởng từ 3-7 tháng lương.