Tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc lần đầu cải thiện trong 2 năm
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng tốc sau khi chính phủ nước này áp dụng các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng trong nước trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo vừa được Tổng cục thống kê Trung Quốc đưa ra hôm nay (18/1), GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng 7,9% trong quý IV/2012 – cao hơn so với mức 7,8% được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Quý III, tăng trưởng của nước này chỉ đạt 7,4%.
Sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cũng tăng mạnh hơn dự báo. 2 chỉ số này tăng lần lượt 10,3 và 20,6%.
Như vậy, tính cả năm 2012, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,8%. Đây vẫn là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây.
Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Trung Quốc được cải thiện đã góp phần thúc đẩy TTCK của nước này cũng như đồng nhân dân tệ. Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Shanghai Composite đã tăng tới 17% so với mức thấp nhất trong 4 năm được lập hôm 3/12. Trong khi đó, đồng nhân tệ có khởi đầu năm mới tốt nhất kể từ năm 2009. Hôm 14/1, đồng tiền này chạm mốc cao nhất kể từ năm 1993.
Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Trung Quốc được cải thiện đã góp phần thúc đẩy TTCK của nước này cũng như đồng nhân dân tệ. Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Shanghai Composite đã tăng tới 17% so với mức thấp nhất trong 4 năm được lập hôm 3/12. Trong khi đó, đồng nhân tệ có khởi đầu năm mới tốt nhất kể từ năm 2009. Hôm 14/1, đồng tiền này chạm mốc cao nhất kể từ năm 1993.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 6 tháng đầu năm 2013, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì bởi các dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai đồng thời thị trường nhà đất cũng đang tăng trưởng. Đây sẽ là tín hiệu rất tích cực cho bước cuối cùng của quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.
Tuy nhiên, Thủ tướng sắp nhậm chức Lý Khắc Cường có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, các hiệu ứng kích thích dần phai nhạt và Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, buộc chính phủ thắt chặt chính sách và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động tín dụng đen.