"Tội đồ" ngân hàng đầu tư?

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nhìn toàn cục, có thể sự thử nghiệm ngân hàng đầu tư vừa qua ở Việt Nam chưa đúng thời điểm và chưa thành công, nhưng không có nghĩa là bỏ nó vĩnh viễn.

"Tội đồ" ngân hàng đầu tư?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ đề xuất Chính phủ cho phép mua lại một số khoản đầu tư thoái vốn ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty.

Với số vốn chủ sở hữu hiện tại 27.700 tỉ đồng, SCIC chắc chắn đủ khả năng thực hiện việc đó. Đây sẽ là một trong những “lối thoát” cơ bản giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực sự trở về với hoạt động kinh doanh chính và tạo chuyển động cho cải cách khối quốc doanh.

Từ thoái vốn ngoài ngành...

Dư luận xã hội, giới nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đều nhận định thoái vốn ngoài ngành là cần thiết, thậm chí là một trong những định hướng sống còn của doanh nghiệp nhà nước. “Trước đây chúng ta hình thành các tập đoàn đa năng là có ý theo mô hình của Hàn Quốc, của các nước công nghiệp mới.

Nhưng những gì nước ngoài làm được không có nghĩa là mình cũng làm được” – Tổng giám đốc của một tổ chức tài chính nhận xét – “Quy mô quản lý của người Việt Nam hiện không nên quá lớn vì chúng ta vẫn đang là những người đi học về kinh tế thị trường. Đang đi học, mà lại ngay lập tức quản lý các tập đoàn đa năng, thì lấy đâu ra người có kinh nghiệm để vận hành một bộ máy với hàng chục, hàng trăm công ty con, liên doanh, liên kết”.

Đầu tư ngoài ngành, nhìn sâu hơn, đó chính là câu chuyện của trình độ quản lý và tham vọng phát triển quá nhanh, bung ra quá mạnh. Thoái vốn sẽ xóa đi một trong những mầm mống của kinh doanh không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành bằng vốn đi vay, do đó vốn tự có và vốn vay bỏ vào hoạt động chính bị giảm. Khảo sát của một số ngân hàng cổ phần chỉ ra: nếu vay được 100 đồng, doanh nghiệp chỉ đưa vào sản xuất kinh doanh 60 đồng, 40 đồng còn lại bù đắp cho một sự mất cân đối nào đó. Điều này làm cho hoạt động chính phải chịu lãi suất vay gần như gấp đôi. Kinh doanh sao hiệu quả cho được?

... Đến ngân hàng đầu tư

Hoạt động đầu tư ngoài ngành những năm trước, thực chất có dính dáng đến nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Hiện nay không chỉ các tập đoàn, tổng công ty, một số ngân hàng cũng đang rời bỏ mảng đầu tư. Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), một công ty con của ACB đã bán gần như toàn bộ các khoản đầu tư vào các ngân hàng khi kết thúc năm tài chính 2012. Nguồn tin của phóng viên cho biết những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp còn lại, ACBS sẽ tìm người mua và chuyển nhượng hết mức tối đa có thể trong năm nay.

Một số ngân hàng khác đang tập trung rút lại những khoản ủy thác đầu tư hoặc trái phiếu doanh nghiệp không chỉ vì hai nghiệp vụ này phải được tính vào tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro, mà còn vì nó cũng liên quan đến mảng ngân hàng đầu tư. Một số trái phiếu doanh nghiệp có tính chuyển đổi và trong trường hợp doanh nghiệp không trả được gốc và lãi, trái phiếu được chuyển thành cổ phần cho ngân hàng.

Tuy nhiên sở hữu chéo (ngân hàng nắm giữ cổ phần của nhau), một hình thức của ngân hàng đầu tư, lại đang được xử lý rất chậm, thậm chí hầu như ách tắc. Không phải ngân hàng nào cũng quyết liệt bán ra cổ phần các ngân hàng khác trị giá tới hơn 5.000 tỷ đồng như ACB. ACB chủ trương không chỉ các khoản đầu tư có lời mới thanh lý, mà họ chuyển nhượng vì thay đổi chiến lược phát triển ngân hàng.

Lỗi của chính sách?

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng không phải bây giờ mới rộ lên. Nó thành phong trào đầu tư từ 4-5 năm trước. Song căn nguyên của nó bắt nguồn từ trước đó cả hai thập kỷ. Khi các ngân hàng cổ phần thuộc thế hệ thứ nhất được thành lập đầu những năm 1990, đã có chủ trương yêu cầu các ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là Vietcombank phải góp một tỷ lệ vốn nhất định vào các ngân hàng cổ phần. Sự có mặt của đại diện quốc doanh là để định hướng ngân hàng cổ phần không đi chệch mục tiêu đặt ra.

Mười năm sau, khi một số ngân hàng cổ phần có vấn đề, kinh doanh kém hiệu quả, nợ xấu cao, mất vốn, ngân hàng quốc doanh và cả những ngân hàng cổ phần tốt được vận động đưa vốn vào “giải nguy”. Họ thành cổ đông bất đắc dĩ.

Bắt đầu từ năm 2004, khi “cơn sốt” cổ phiếu ngân hàng nổi lên, các tổ chức tín dụng đua nhau mua cổ phiếu của nhau, cùng nhau góp vốn với các tập đoàn, tổng công ty tạo ra những ngân hàng mời. nếu lúc đó các giấy phép không được cấp cho các ngân hàng nông thôn chuyển thành đô thị, các ngân hàng mới chào đời, thì quy mô sở hữu chéo ngân hàng không phức tạp và chằng chịt như hiện tại.

Tả và hữu

Tâm lý của giới đầu tư và kinh doanh Việt Nam thường thay đổi cực đoan. Từ tả sang hữu. Trên thế giới từ năm 2007 đến nay, nhiều nước cũng quay về với mô hình truyền thống ngân hàng thương mại bán lẻ, như một dịch vụ nền tảng, phát triển theo chuyển động công nghệ.

Tuy vậy ngân hàng đầu tư vẫn là mảng quan tọng của các tập đoàn tài chính quốc tế, dù dưới dạng ngân hàng đa năng hay đầu tư riêng biệt. Họ không nhìn ngân hàng đầu tư như một tội đồ, không rời bỏ nó, mà cấu trúc lại để nó được kiểm soát chặt chẽ. Không ít ngân hàng đầu tư từng tồn tại độc lập, nay lại sáp nhập với ngân hàng bán lẻ.

Vậy thì đừng vội đánh giá ngân hàng đầu tư hết thời! thế giới vẫn đang thúc đẩy hoạt động ngân hàng đầu tư dưới góc độ an toàn. Chẳng hạn trước đây các khoản đầu tư ở trong một bảng cân đối có quá nhiều tài sản rủi ro, nay người ta tách bạch nó ra.

Ở Việt Nam, nhu cầu ngân hàng đầu tư không phải không có. Một trong những hoạt động của ngân hàng là nhận tiền gửi và không phải khách hàng nào cũng dừng lại ở mức nhận lãi suất là đủ. Nhiều người với số tiền gửi lớn, thí dụ 1 tỷ đồng trở lên, có nhu cầu hưởng lợi tức cao hơn và chấp nhận rủi ro. Đấy chính là quản lý tài sản cá nhân và với tâm lý người Việt thích đầu tư, nhu cầu đó đang ngày một lan rộng.

Có ngân hàng đã có sản phẩm đa năng như vậy. Nếu bạn gửi 1 tỉ đồng, thông thường hưởng lãi suất 8%/năm. Nay ngân hàng chào mời bạn, với sự tư vấn của các chuyên gia, đầu tư một phần tiền gửi vào chứng khoán, hay hàng hóa, ngoại tệ…Bạn có thể chỉ nhận được lợi tức 4-5%/năm nếu ngân hàng tư vấn và đầu tư không đúng, nhưng bạn cũng có thể nhận được lợi tức tới 20-30%/năm.

Nếu các sản phẩm ngân hàng đầu tư được thực hiện một cách bài bản, cơ hội của nó không phải không có. Tất nhiên đi kèm phải có hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp bậc cao. Cá khó chính là sự đòi hỏi một khung pháp lý cho nó ở Việt Nam. Nhìn toàn cục, có thể sự thử nghiệm ngân hàng đầu tư vừa qua ở Việt Nam chưa đúng thời điểm và chưa thành công, nhưng không có nghĩa là bỏ nó vĩnh viễn.