Tội phạm thuế: Báo động!

Theo Sài Gòn Giải phóng

Ngày 6/6, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn TP. Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tình trạng doanh nghiệp (DN) vi phạm, gian lận thuế, trốn thuế ngày càng diễn biến phức tạp.

Tội phạm thuế: Báo động!
Đại diện doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet
Nhiều thủ đoạn trốn thuế

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động của các đối tượng tội phạm trong lĩnh vực thuế tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế chủ yếu tập trung vào các hành vi: mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Chẳng hạn, đối với tội phạm mua bán hóa đơn GTGT, theo Nghị định 51/2010 của Chính phủ, DN được tự in và phát hành hóa đơn GTGT cộng với việc thành lập DN đơn giản đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều DN “ma” dễ dàng có hóa đơn để bán khống, số lượng, nguồn gốc hóa đơn khó kiểm soát.

Với loại tội phạm này, người cầm đầu tổ chức mua bán hóa đơn của nhiều DN đã tổ chức một mạng lưới khá tinh vi: Một nhóm người chuyên tìm đối tác cần hóa đơn để bán, thu tiền; nhóm khác chuyên viết hóa đơn soạn thảo hợp đồng; một nhóm chuyên làm báo cáo thuế, một nhóm chuyên làm dịch vụ thanh toán khống qua ngân hàng để hợp thức hóa việc thanh toán tiền hàng. Các đối tượng này chỉ thông qua người cầm đầu, không sử dụng tên thật hoặc sử dụng CMND giả trong quá trình giao dịch.

Ngoài ra, theo quy định Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính, nhiều DN “ma” khi bán hóa đơn chỉ thể hiện giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng và viết thành nhiều hóa đơn để tránh phải thanh toán qua ngân hàng. Nhưng với những hợp đồng “ma” có giá trị lớn, việc thanh toán khống qua ngân hàng khá tinh vi. Chúng đề nghị DN mua phải mở một tài khoản tại cùng một ngân hàng với DN “ma” bán hóa đơn, để mọi giao dịch thanh toán có thể diễn ra trong cùng một ngày. Chúng cho người của mình nộp tiền vào tài khoản DN mua hóa đơn, yêu cầu chủ tài khoản của DN mua hóa đơn ký khống ủy nhiệm chi, để sau khi nộp tiền vào tài khoản, chúng viết ủy nhiệm chi thanh toán từ DN mua hàng khống sang DN “ma”, sau đó lập sec rút tiền mặt ra khỏi tài khoản của DN “ma”, kết thúc quá trình thanh toán khống chỉ diễn ra khoảng 1 giờ và hợp pháp hóa được quá trình mua bán hóa đơn, mua bán khống hàng hóa.

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng phòng Thanh tra Thuế số 1 thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay hệ thống đăng ký DN chỉ làm thủ tục thành lập, xác lập về mặt pháp lý sự xuất hiện của một DN, còn các chức năng khác như hướng dẫn người đăng ký kinh doanh, xây dựng hệ thống quản lý thông tin DN, thực hiện kiểm tra DN gần như không thực hiện đầy đủ.

Hệ thống thông tin về DN trên Internet của các cơ quan quản lý nhà nước đã hình thành. Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin chưa kịp thời nên việc khai thác sử dụng thông tin và phối hợp xử lý các thông tin chưa hiệu quả. Do đó hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước, gây rủi ro trên thị trường, dẫn đến tình trạng nhiều DN vi phạm, gian lận thuế, trốn thuế ngày càng phức tạp, khiến ngân sách nhà nước thất thu. Ngoài ra còn tạo sự bất bình đẳng giữa các DN và ảnh hưởng xấu đến các DN khác cũng như trật tự, trị an xã hội trên địa bàn TP, nhất là các DN thành lập để mua bán hóa đơn, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước sau đó giải thể, bỏ trốn hoặc mất tích.

Tăng cường hậu kiểm

Nhằm hạn chế và ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong lĩnh vực thuế, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như vấn đề hậu kiểm đối với DN sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…

Thời gian qua, để thành lập DN chỉ cần đăng ký, còn nội dung đăng ký như nơi ở, CMND thật hay giả, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, đặc biệt là để người nước ngoài đứng tên giám đốc hoặc người đại diện theo pháp luật của DN nhưng thời gian có mặt tại Việt Nam không thường xuyên, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh. Do đó, cần có cơ chế quản lý sau khi cấp phép có hiệu quả nhằm giám sát quản lý DN thực hiện tốt các quy định của luật pháp.

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của DN sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Về phía ngành Thuế cần tăng cường công tác hậu kiểm, chú ý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sớ, địa điểm kinh doanh sản xuất của DN. Đồng thời, nghiên cứu tăng khung hình phạt cho phù hợp đối với các loại tội phạm về thuế.