Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 678,1 triệu USD trong 9 tháng
Tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn, tiêu trắng đạt 20.910 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD.
Trong số các loại gia vị của Việt Nam thì hồ tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính từ ngày 01/01 đến hết 30/9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn, tiêu trắng đạt 20.910 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 15,3% tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% tương đương giảm 104,5 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.539 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm lần lượt 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.
Về thị trường, châu Á là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam 9 tháng chiếm 55,9% đạt 114.343 tấn, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đứng đầu là Trung Quốc đạt 55.985 tấn, chiếm 27,4% thị phần và tăng 373,6% so cùng kỳ. Tiếp theo là các thị trường UAE: 9.327 tấn, giảm 30,1%; Ấn Độ: 9.238 tấn, giảm 18,5%; Philippine: 6.020 tấn, tăng 24,7%…
Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực châu Âu chiếm 18,6% và so cùng kỳ lượng xuất khẩu sang khu vực này giảm 7,1%, trong đó xuất khẩu sang Đức giảm 14,3% đạt 6.828 tấn; Hà Lan giảm 9% đạt 5.958 tấn; Nga giảm 4% đạt 4.064 tấn… Đáng chú ý, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 70,8% đạt 3.495 tấn và Pháp tăng 31,4% đạt 2.849 tấn. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 9,3% trong đó sang Ai Cập tăng 43,8% đạt 3.354 tấn; Senegal tăng 32,4% đạt 1.787 tấn và sang Nam Phi đạt 1.761 tấn, tăng 2%.
ThS. Phan Thị Xuân Huệ - Khoa Quản trị - Trường Kinh tế, Luật (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết, hồ tiêu Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới. Việt Nam là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này của Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như: mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn; bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga -Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ hồ tiêu; sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam còn nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa người sản xuất với nhà khoa học, doanh nghiệp...
Do đó, ThS. Phan Thị Xuân Huệ cho rằng, để sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, tiêu chí sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, chủ động tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu...
Về phía Nhà nước và các cơ quan xúc tiến thương mại, cần định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh và tăng cường sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm; có chiến lược cụ thể, hiệu quả để phát triển sản phẩm mới tại các thị trường cao cấp, giảm rủi ro khi phụ thuộc một vài thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong các năm qua, từ đó có cơ sở dự đoán, dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.