Tổng thống Joe Biden kêu gọi EU hợp tác trong "cuộc chiến" với Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ và các đối tác quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc phải giải trình các hoạt động kinh tế của mình với sự hợp tác và minh bạch.
Phát biểu trước Hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng ta phải đẩy lùi các hành vi lạm dụng và ép buộc kinh tế của Chính phủ Trung Quốc vốn đang làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế. Mọi người đều phải tuân theo các quy tắc như nhau".
Trong lần xuất hiện lớn đầu tiên trên toàn cầu với tư cách là Tổng thống Mỹ, tại cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp trong nhóm G7 và Hội nghị an ninh Munich, ông Joe Biden đã tìm cách tái thiết lập Mỹ với tư cách là một tổ chức đa phương sau bốn năm chia rẽ bởi chính sách "Nước Mỹ trên hết" dưới thời ông Trump. Điều này diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Biden đang tìm cách duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump đã tìm cách định hình lại mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, đặt trọng tâm chính vào việc thúc đẩy Bắc Kinh mua hàng hóa của Mỹ trong khi giải quyết các vấn đề bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Sau khi đạt được "giai đoạn" đầu tiên của thỏa thuận, ông Trump vào năm 2020 đã hủy bỏ một vòng đàm phán thương mại bổ sung với Trung Quốc và đổ lỗi hoàn toàn cho nước này về sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump cũng khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu xa lánh, những người từ lâu đã là đồng minh với Mỹ. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng ông có ý định cải thiện quan hệ với các đối tác quốc tế của Mỹ.
"Tôi biết vài năm qua đã gây căng thẳng và thử thách mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta, nhưng Mỹ vẫn quyết tâm tái gắn kết với châu Âu, tham khảo ý kiến, để giành lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy", ông Biden phát biểu tại hội nghị.
Trước khi đưa ra nhận xét của mình, ông Biden đã gặp các nhà lãnh đạo của G7 (nhóm các quốc gia bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ) để thảo luận về cách ứng phó toàn cầu đối với đại dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, G7 tuyên bố sẽ "làm việc cùng nhau và với các nước khác để biến năm 2021 trở thành một bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương".
Tuyên bố của G7 cũng thông báo rằng các quốc gia thành viên sẽ cam kết tài trợ 7,5 tỷ USD cho COVAX, một sáng kiến quốc tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với vaccine Covid-19. Vào tuần qua, Nhà Trắng cho biết Mỹ cam kết chi ra 4 tỷ USD đến năm 2022 cho các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Cuộc họp G7 cũng đề cập đến Trung Quốc: "Với mục tiêu hỗ trợ một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng và cùng có lợi cho tất cả mọi người, chúng tôi sẽ tham gia với các nước khác, đặc biệt là các nước G20, bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Biden cho biết các nền kinh tế thị trường và nền dân chủ lớn cần hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức do các đối thủ cạnh tranh cường quốc như Nga và Trung Quốc gây ra, cũng như các thách thức từ phổ biến hạt nhân đến biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
Ông Biden đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ám chỉ nước này không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và cho rằng các nền dân chủ phải định hình các quy tắc để chi phối sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
"Chúng ta phải bảo vệ các giá trị dân chủ giúp chúng ta có thể đạt được bất kỳ điều nào trong số này, đẩy lùi những kẻ muốn độc quyền và bình thường hóa sự đàn áp", ông Biden nói.