4 lần điều chỉnh về giá
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm nay của Thành phố đã đi được hơn nửa chặng đường, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong tạo nguồn hàng, điều phối đảm bảo cung cầu thị trường để giá cả ổn định. Đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm, tính từ đầu năm đến nay doanh thu đạt 3.487,1 tỷ đồng, tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng chú ý là trong nhóm thực phẩm, thịt gia cầm và thực phẩm chế biến vượt kế hoạch trên 10% so với cùng kỳ. Ngược lại, nhóm thủy hải sản và lương thực lại không đạt kế hoạch vì sức mua chậm. Còn nhóm hàng túi sách, cặp học sinh hay sữa cũng đã có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã 4 lần thực hiện điều chỉnh giá bán các mặt hàng thịt gia súc, trứng gia cầm, sữa, thực phẩm chế biến. Mức giá điều chỉnh dao động từ 5-10%.
Kiểm soát giá và chất lượng
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mức giá hàng hóa trong chương trình bình ổn được thực hiện theo cơ chế điều chỉnh linh hoạt, luôn thấp hơn giá thị trường từ 5-15%, tùy mặt hàng. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành, doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá trực tiếp tại Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đã được Sở Tài chính thẩm định và chấp thuận bằng văn bản, doanh nghiệp mới có thể điều chỉnh giá bán tăng hay giảm tương ứng.
Mặc dù, giá cả cạnh tranh nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Sở Công Thương liên tục tổ chức rà soát, kiểm tra cụ thể chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng là hàng chất lượng, an toàn thực phẩm. Theo đó, những mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá bao giờ cũng đảm bảo ít nhất hai yếu tố về giá cả và chất lượng.
Để công tác bình ổn thị trường dịp Tết Ất Mùi 2015 hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khoảng 1.250 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp và các huyện ngoại thành. Đồng thời, để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ được dán thêm tem nhãn có biểu trưng (logo) bình ổn thị trường trên bao bì.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9 - 2014
TP. Hồ Chí Minh: Kiểm soát chất lượng hàng bình ổn giá
(Tài chính) Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng lương thực, thực phẩm tham gia chương trình bình ổn hàng tháng chiếm khoảng 25-30% nhu cầu thị trường. Sức mua trên thị trường tuy yếu nhưng Điều đáng mừng là nhóm hàng thực phẩm chế biến bình ổn giá vẫn vượt 5-10% kế hoạch doanh thu đặt ra hồi đầu năm.
Xem thêm