TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực đưa hàng Việt "phủ sóng" địa bàn
(Tài chính) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết đầu ra cho các DN ở TP. Hồ Chí Minh, đồng thời củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Nếu như trước đây, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi thường tập trung tại khu vực nội thành, thì đến nay tại khắp các quận, huyện ngoại thành đã phát triển mạnh hệ thống này nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, tại TPHCM có 240 chợ truyền thống, 33 trung tâm thương mại, 174 siêu thị và 640 cửa hàng tiện lợi. Các hệ thống phân phối này đang tiếp tục phát triển nhanh về số lượng theo hướng hiện đại, trở thành điểm mua sắm tiêu biểu, có thương hiệu.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tỷ lệ hàng Việt Nam được bày bán tại các chợ truyền thống đạt bình quân 80% và tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích đạt bình quân 90%.
Để hỗ trợ phát triển nhanh về số lượng điểm bán hàng bình ổn, trong năm 2014, TPHCM cũng rà soát, giới thiệu 40 địa chỉ mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước dôi dư, sử dụng không hiệu quả cho các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường làm siêu thị, cửa hàng hay điểm bán hàng bình ổn.
Song song với các giải pháp phát triển điểm bán hàng Việt cố định trên địa bàn các quận, huyện, trong năm 2014, TPHCM cũng đã triển khai nhiều hình thức phân phối đa dạng khác, đảm bảo hàng Việt đến tay người tiêu dùng như: Tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt thu hút 398 DN tham gia; Sở Công Thương phối hợp với BQL các KCX-KCN, cùng 25 DN tổ chức 136 chuyến bán hàng lưu động phục vụ hơn 400.000 lượt công nhân và người dân vùng ven, vùng xa đến mua sắm với tổng doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng…
Cùng với đó, Sở Công Thương cũng triển khai chương trình hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố vùng Đông và Tây Nam Bộ. Qua chương trình, các địa phương đã tạo thuận lợi cho DN phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, phát triển kênh phân phối hiện đại để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
Cũng thông qua chương trình kết nối, hàng hóa của các địa phương cũng được các DN đưa vào hệ thống của mình và phân phối tới nhiều nơi trong cả nước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Trong năm 2014, Sở Công Thương TPHCM đã xác nhận kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm cho 67 đơn vị với tổng cộng 220 chương trình, thu hút hơn 10.000 DN và các cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng.
Số lượng hội chợ, triển lãm năm 2014 tăng 16,4% so với năm 2013, chủ yếu tập trung vào các hội chợ hàng tiêu dùng tổng hợp và các phiên chợ được các đơn vị tổ chức tại các KCX, KCN và dân cư vùng ven.
Các quận, huyện cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả như: Hội chợ hàng tiêu dùng, phiên chợ kích cầu tiêu dùng, tuần lễ hành động vì hàng Việt… Đây là những hoạt động tạo điều kiện cho DN được tiếp cận và giới thiệu hàng hóa Việt Nam đến tay người tiêu dùng.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, các chương trình hội chợ, triển lãm, hội chợ hàng tiêu dùng tại các quận, huyện… đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đưa hàng hóa phong phú, đa dạng với giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng, góp phần mang các thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đi vào thực chất, được nhiều người hưởng ứng, trong năm 2015, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động đã triển khai từ năm 2014 nhằm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, trong năm 2015, Sở Công Thương cũng khuyến khích phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; khuyến khích các DN có nguồn hàng chất lượng kinh doanh qua mạng. Đây là hướng kinh doanh hiện đại, đưa nhà cung cấp và người tiêu dùng đến gần nhau hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần chú ý trọng tâm tới việc tuyên truyền, đa dạng hóa khâu thông tin, truyền thông, để người dân phân biệt được đâu là hàng thật hàng giả, tin tưởng dùng hàng Việt nhiều hơn, qua đó tạo niềm tin với hàng hóa trong nước để hàng Việt đi vào cuộc sống.
Theo bà Hồng, hiện nay hàng hóa phục vụ khu vực có nhiều công nhân, các KCN còn ít điểm bán, do đó, phát sinh các chợ tự phát. Vì vậy, trong năm 2015, Sở Công Thương cần phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển điểm bán hàng bình ổn (hàng Việt) tại khu vực này, đồng thời lên kế hoạch xây dựng mô hình cung ứng hàng hóa cho công nhân, sinh viên.
Cùng với đó, BQL các chợ truyền thống phải quản lý tốt nguồn hàng vào chợ, xử lý niêm yết bán đúng giá, nâng cấp các chợ theo hướng hiện đại.