Trạm BOT Sông Phan giảm giá vé từ 16/1

Theo Minh Anh/thoidai.com.vn

Bắt đầu từ 16/1, Trạm BOT Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam,tỉnh Bình Thuận) chính thức áp dụng việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đó, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan thông báo việc giảm giá vé cho những người dân xung quanh trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Văn bản cho biết đơn vị này sẽ giảm giá vé cho các phương tiện quanh khu vực trạm BOT Sông Phan trên QL1 gồm các xã Hàm Cường, Hàm Minh và khu phố Nam Tân, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam từ lúc 0 giờ ngày 16/1.

Cụ thể, mức giảm giá cho xe không kinh doanh như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn từ 35.000 đồng giảm còn 15.000 đồng; xe từ 12 – 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 – 4 tấn từ 50.000 đồng xuống còn 25.000 đồng; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 – 10 tấn từ 75.000 đồng xuống còn 35.000 đồng; xe tải từ 10 –  dưới 18 tấn, xe container 20 fit từ 120.000 đồng xuống còn 60.000 đồng; xe trên 18 tấn, xe container 40 fit từ 180.000 đồng xuống còn 90.000 đồng.

Đối với các xe khác, mức giảm như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn từ 35.000 đồng giảm còn 20.000 đồng; xe từ 12 – 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 – 4 tấn từ 50.000 đồng xuống còn 30.000 đồng; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 –  10 tấn từ 75.000 đồng xuống còn 45.000 đồng; xe tải từ 10 – dưới 18 tấn, xe container 20 fit từ 120.000 đồng xuống còn 70.000 đồng; xe trên 18 tấn, xe container 40 fit từ 180.000 đồng xuống còn 105.000 đồng.

Được biết, có khoảng 400 phương tiện của người dân địa phương sẽ được giảm giá vé. Đây là mức giảm giá đã được bộ Giao thông Vận tải đồng ý theo phương án của tổng cục Đường bộ Việt Nam và BOT Sông Phan.

Trạm thu phí Sông Phan thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho dự án BOT cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Đồng Nai – Phan Thiết dài 113,7km (đoạn qua Bình Thuận dài 70km) với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng do tổng công ty 319 (bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, việc thu phí đã gặp phải nhiều phản đối từ các tài xế. Trong những ngày đầu tháng 1/2018, nhiều tài xế liên tục phản ứng Trạm BOT Sông Phan bằng cách mua vé bằng tiền lẻ hoặc không mua vé qua trạm, gây ùn tắc giao thông tại trạm. Điều này khiến đơn vị quản lí phải nhiều lần tiến hành xả trạm để thông xe.

Nhằm sớm giải quyết tình hình, nhà đầu tư đã kiến nghị lên Bộ GTVT phương án giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm. Ban đầu, phương án này dự kiến sẽ được áp dụng vào ngày 25/1. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng diễn ra tại Trạm BOT Sông Phan trong những ngày qua, chủ đầu tư đã quyết định rút ngắn thời gian và áp dụng việc giảm vé từ 0h ngày 16/1.