Trần tăng trưởng tín dụng, giao cho có
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đưa ra cho cả năm 2013, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho từng ngân hàng thương mại. Phản hồi từ nhiều ngân hàng cho thấy, chỉ tiêu này không còn mấy ý nghĩa.
Tân Tổng giám đốc NamA Bank, ông Ngô Phúc Vũ cũng cho biết, năm nay, NamA Bank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 9%. Tuy nhiên, theo ông Vũ, trong quý I vừa qua, tín dụng của NamA Bank hầu như không tăng trưởng so với cuối năm 2013. Vì thế, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm 2013 của NamA Bank ở mức 400 tỷ đồng là áp lực lớn với Hội đồng Quản trị của Ngân hàng.
Cũng theo đánh giá của ông Vũ, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao 9% năm nay, thấp hơn so với năm trước, nhưng trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng không dễ. Ông Vũ cho rằng, dù nhiều doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu vốn, nhưng vẫn không thể tiếp cận được vốn vay, do không đáp ứng được điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra.
“Với các quy định về phân loại nợ khắt khe hơn buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng theo quy định nên không thể không thận trọng trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng, rủi ro nợ xấu trước khi trao vốn”, ông Vũ nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cũng cho hay, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng trong quý đầu năm nay cũng chỉ mới đạt khoảng 2%, trong khi nguồn vốn huy động đạt trên 10%.
Theo ông Trung, muốn tăng mạnh tín dụng trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ. Cái khó nhất trong phát triển tín dụng trong năm 2013 chính là sự hấp thụ từ các DN và từ thị trường. Ngân hàng thừa tiền, nhưng không khỏi lo ngại về đồng vốn cho vay ra DN sẽ sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả trả nợ ngân hàng trước bối cảnh hàng tồn kho tăng, sức mua giảm.
“Room tín dụng không còn nhiều ý nghĩa như trước kia. Bởi room tín dụng chủ yếu là để tăng lợi nhuận, song khi các ngân hàng đã nhận thấy được, để lợi nhuận bền vững hơn thì phải quản chặt rủi ro”, ông Trung nói.
Trên thực tế, trong năm qua dù chỉ tiêu tín dụng được phân bổ theo từng nhóm dựa trên năng lực của các nhà băng. Nhưng đến cuối năm, khi tín dụng khó tăng trưởng NHNN đã có cơ chế mở “room” cho ngân hàng có nhu cầu tăng trưởng, song rất ít nhà băng thực hiện hết chỉ tiêu được giao.
Chất lượng khoản vay mới quan trọng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị một ngân hàng cho rằng, việc được phân giao chỉ tiêu tín dụng ở mức bao nhiêu trong năm nay không còn quan trọng mà quan trọng hơn đối với ngân hàng trong lúc này chính là kiểm soát nợ xấu.
“Chỉ tiêu tín dụng năm ngoái chúng tôi nhận được 15%, song đến cuối năm chưa dùng hết phân nửa. Năm nay, dù chưa được phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, song quan điểm của chúng tôi là quản chặt chất lượng tín dụng quan trọng hơn là tăng trưởng dư nợ cao mà tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Vì thế, dù chỉ tiêu tín dụng nhận được có thấp hơn năm rồi cũng không vấn đề gì”, vị Chủ tịch trên nói và cho biết, 3 tháng đầu năm nay, tín dụng Ngân hàng ông vẫn tăng âm.
Năm 2012, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 -17%, nhưng tăng trưởng tín dụng thực cả năm chỉ đạt xấp xỉ 9%. Do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, là có thể chấp nhận được. Ông Phước cho biết, Eximbank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng theo chủ trương của NHNN và chất lượng tín dụng vẫn đặt lên hàng đầu, nên Ngân hàng coi việc tín dụng vẫn âm trong quý I là bình thường.
Nếu so với chỉ tiêu tín dụng cả năm 2013, mức tăng trưởng tín dụng 0,11 trong quý I là rất đáng báo động. Tuy nhiên, điều khiến các nhà lãnh đạo ngân hàng phải suy nghĩ khi đẩy mạnh cho vay trong lúc nay chính là rủi ro khi trao đồng vốn cho khách hàng. Sức cầu của nền kinh tế yếu vẫn là lực cản với dòng vốn tín dụng.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tín dụng quý I vẫn ở mức thấp, nhưng so với cùng kỳ tốt hơn, thậm chí năm ngoái tăng trưởng tín dụng đến tháng 6 vẫn còn âm.
“Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đóng góp cho nền kinh tế, nhưng phải giữ an toàn cho toàn hệ thống, đừng vì mục tiêu lợi nhuận mà ăn xổi ở thì. Chúng ta đang đưa hoạt động ngân hàng về quy luật thực tiễn, chứ không sống chết tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận”, Thống đốc nói.