Tranh cãi về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai vẫn là nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Bất cập cũ…
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về 2 hệ thống: cơ quan xét xử và cơ quan quản lý hành chính (Ủy ban Nhân dân), việc xem xét hệ thống nào có thẩm quyền giải quyết tùy thuộc vào tình trạng pháp lý của nhà, đất.
Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Trong đó có quy định, mọi tranh chấp đất đai, bao gồm cả tranh chấp về tài sản gắn liền với đất và tranh chấp trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai đều phải qua thủ tục hòa giải và phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã giải quyết trước khi vụ việc được giải quyết tại tòa án hoặc tại Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện.
Thực tế, rất nhiều trường hợp, Ủy ban Nhân dân cấp xã không tổ chức hòa giải, hoặc không hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp, mà nếu cấp xã không hòa giải, thì các bên không thể khởi kiện ra tòa án. Đó là chưa kể đến năng lực chưa tương xứng của cấp xã trong việc đứng ra giải quyết tranh chấp đất đai.
Luật quy định, nếu đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc một số loại giấy tờ khác thì tranh chấp do Tòa án Nhân dân (TAND) giải quyết. Tuy nhiên, Luật lại không nêu rõ đương sự là những ai, trong khi Nghị định 181 hướng dẫn Luật Đất đai cũng không quy định đương sự, nhưng lại quy định cụ thể về các bên tranh chấp, đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì quy định, đương sự là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hậu quả là phát sinh khó khăn cho người khởi kiện, khi TAND mỗi nơi lại “hiểu” đương sự mỗi khác.
Ngoài ra, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về tài sản và đất bị tách rời nhau, nên trong thực tế, có tình trạng Ủy ban Nhân dân coi giải quyết tranh chấp về tài sản của TAND là đã có giải quyết về quyền sử dụng đất để hợp thức hóa quyền sử dụng đất và ngược lại.
… vẫn chưa có hồi kết
Tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), về thủ tục hòa giải, Điều 200 đã có quy định chi tiết hơn ở một số vấn đề, như biên bản hòa giải phải xác nhận là hòa giải thành hay không thành của Ủy ban Nhân dân cấp xã… Tuy nhiên, quy định này vẫn không thể khắc phục được tồn tại là thời gian hòa giải kéo dài, thủ tục chưa thống nhất, chất lượng hòa giải không cao. Nếu Ủy ban Nhân dân cấp xã không tổ chức hòa giải, thì đương sự tranh chấp không thể tiến hành các bước tiếp theo để bảo vệ quyền lợi.
Theo ông Nguyễn Trọng Trường (TAND tỉnh Bắc Ninh), chúng ta khuyến khích các bên hòa giải, nhưng không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện ra tòa án. Tranh chấp đất đai là việc dân sự, vì vậy, nên tôn trọng quyền tự quyết trong việc lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh vấn đề hòa giải, câu chuyện về thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng nhận được những luồng ý kiến đối lập. Bà Lê Thị Công, Ủy viên Ban thường vụ Ủy ban Nhân dân huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, từ thực tế giải quyết tranh chấp đất đai, việc quy định Ủy ban Nhân dân vừa là cơ quan quản lý, vừa thực hiện giải quyết tranh chấp dễ nảy sinh xu hướng vi phạm nguyên tắc khách quan, công bằng, đặc biệt trong trường hợp tranh chấp có liên quan từ các quyết định hành chính. Tranh chấp đất đai là tranh chấp quyền sử dụng tài sản, do đó, nên quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Cần quy định, tranh chấp hòa giải không thành thì thẩm quyền giải quyết là TAND.
Cùng quan điểm trên, ông Trương Thái Hiền, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng, quy định hiện hành giải quyết tranh chấp đất đai trong thực tế gặp nhiều vướng mắc, nhiêu khê, gây phiền hà cho người dân. Trong khi, nếu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết không thoả đáng, thì đương sự cũng phải yêu cầu TAND thụ lý giải quyết, vì vậy, nên xem xét, cân nhắc giao cho TAND thụ lý giải quyết.
Trái ngược với các quan điểm trên, bà Lê Minh Hiền, Phó giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa lại ủng hộ 2 hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai như hiện nay, bởi nó vừa mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án, vừa vẫn quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Bà Hiền cũng đề nghị, trường hợp không có giấy tờ, thẩm quyền giải quyết thuộc về Ủy ban Nhân dân và được khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân cấp trên, sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuối cùng mới được khởi kiện tòa án theo tố tụng hành chính. Theo bà Hiền, nếu việc giải quyết tranh chấp ở Ủy ban Nhân dân, thì đương sự không phải nộp tiền án phí, trách nhiệm xác minh, thu nhập chứng cứ thuộc về người giải quyết tranh chấp. Nếu tranh chấp ở tòa án, đương sự không có giấy tờ chứng minh, phải nộp án phí, phải tự thu thập chứng cứ để được tòa án thụ lý, nên rất khó tiếp cận công lý.
Dự kiến, vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua. Đất đai là tài sản đặc biệt và do đó cũng nảy sinh rất nhiều tranh chấp, việc cân nhắc đưa ra quy định về giải quyết tranh chấp hợp lý, hiệu quả là rất cần thiết để tránh những vụ việc kiện tụng kéo dài gây bức xúc.