“Trật tự” mới cho lãi suất huy động?

Theo Minh Đức(VnEconomy)

Theo những thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, vốn khả dụng dư thừa tương đối. Lãi suất huy động một số thành viên lớn cũng đã được cơ cấu lại, không còn áp đồng loạt 10,49% để gọi vốn bằng được ở các kỳ hạn.

Lúc này, nhiều con mắt đang nhìn về Ngân hàng Nhà nước chờ đợi. Thị trường cũng đang có những chuyển động ủng hộ cho sự chờ đợi này.

Vẫn còn trần lãi suất huy động

Cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng hội viên trong Nam, ngoài Bắc. Nội dung cuộc họp này chưa thông tin cụ thể và rộng rãi, nhưng giới thạo tin đề cập đến khả năng có thống nhất kiến nghị từ các hội viên tới Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ trần lãi suất huy động hiện nay.

Ngày 2/12/2009, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 9484/NHNN-VP với nội dung chính: Để tạo sự ổn định mặt bằng lãi suất chung, các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất huy động VND cao nhất dưới 10,5%/năm. Những trường hợp tăng lãi suất huy động từ mức 10,5%/năm trở lên, phá vỡ mặt bằng huy động trên thị trường, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xem xét toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng đó.

Sau văn bản trên, một số ngân hàng thương mại vừa mới áp lãi suất huy động 10,5%/năm ở một số kỳ hạn vội vàng rút về mốc 10,49%/năm. Vô hình trung, mốc 10,5% đó trở thành trần lãi suất huy động VND. Từ đó đến nay, đa số các thành viên vẫn đang kéo thẳng mức 10,49% cho hầu hết các kỳ hạn, không phân biệt ngắn, trung hay dài hạn.

Định hướng trên của Ngân hàng Nhà nước không mới. Trong quá khứ, ngày 26/2/2008, cơ quan này cũng từng có Công điện số 02 yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động VND ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm.

Có thể hiểu định hướng của Ngân hàng Nhà nước là sự linh hoạt trong từng thời kỳ nhằm ổn định thị trường và hoạt động của hệ thống. Và nay, khi cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn đã được mở, thanh khoản hệ thống đã được cải thiện, mức trần 10,5%/năm nói trên có thể được xem xét để gỡ bỏ. Bởi theo ý kiến của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, khi đầu ra đã mở, đầu vào cũng cần có cơ chế “thoáng” để tạo sự chủ động cân đối các nguồn vốn.

Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ định hướng lãi suất huy động VND nói trên, có thể hiểu đó là việc duy trì một chốt chặn tránh những biến động trên thị trường. Mức lãi suất huy động tối đa 10,5%/năm sẽ là một cơ sở để các nhà băng xác định lãi suất cho vay và duy trì một tỷ lệ lãi biên hợp lý.

Lãi suất huy động chờ điều chỉnh

Theo những thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, vốn khả dụng dư thừa tương đối. Lãi suất huy động một số thành viên lớn cũng đã được cơ cấu lại, không còn áp đồng loạt 10,49% để gọi vốn bằng được ở các kỳ hạn.

Dữ liệu giao dịch trên thị trường mở cũng cho thấy những thông tin đáng chú ý. Trước Tết Nguyên đán, lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ qua thị trường này có từ 12 – 15 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Tuần qua, lượng vốn bơm qua thị trường này đã giảm rõ rệt; nếu ngày 3/3 là 10 nghìn tỷ đồng thì ngày 4/3 chỉ 3,2 nghìn tỷ đồng, ngày 5/3 là 3,13 nghìn tỷ đồng. Phiên thứ 83 ngày 8/3 cũng chỉ có 2.308 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần qua cũng đã có sự sụt giảm rõ rệt so với tuần trước đối với tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,04% đến 3,34%/năm. Trong đó lãi suất bình quân đối với các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần) có mức sụt giảm mạnh, lần lượt là 3,64% và 2,08%/năm.

Thanh khoản hệ thống đã được cải thiện. Thông tin từ cuộc họp của VNBA với các hội viên cho thấy, một vấn đề đặt ra là các ngân hàng không quyết liệt gọi vốn khi kéo thẳng lãi suất 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn. Thay vào đó, cơ cấu giữa các kỳ hạn đang chờ để thay đổi, đường cong lãi suất chờ một “trật tự” mới thay vì hầu như không phân biệt như hiện nay.

Giả thiết đặt ra, nếu trần 10,5% được bỏ, lãi suất huy động có thể sẽ tăng nhưng ở những kỳ hạn theo cơ cấu và nhu cầu vốn của mỗi ngân hàng. Một diễn biến đã định hình là một số thành viên đã có điều chỉnh theo hướng từ thấp đến cao theo kỳ hạn ngắn đến dài, như tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Đông Á (DongA Bank). Một số trường hợp như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng không áp đồng loạt 10,49% như nhiều thành viên khác hiện nay, mà chỉ tập trung ở một số kỳ hạn tập trung gọi vốn…

Nhưng lo ngại đặt ra là liệu khi bỏ trần 10,5%, lãi suất huy động có biến động mạnh, leo thang? Ngân hàng Nhà nước vẫn có sự chủ động trong điều tiết thông qua các công cụ chính sách, thậm chí có thể là một “cơ chế” trần linh hoạt.