Triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 và những gợi ý chính sách tiền tệ cho Việt Nam
Tất cả những diễn biến kinh tế quốc tế đã có những tác động không nhỏ trong điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2013.
Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2012
Kết thúc năm 2011, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng trưởng tại một số quốc gia sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp luôn cao. Khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng đã tác động đến tất cả các nước trong khu vực EU, lan sang cả khu vực ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế... Bước sang năm 2012, đúng như dự đoán, kinh tế thế giới bước vào năm 2012 đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Mặc dù kết thúc quý I, kinh tế toàn cầu trở nên bớt u ám hơn thể hiện ở sự phục hồi đôi chút tại các nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhiên, sự phục hồi này không bền vừng trước những diễn biến bất lợi tiếp theo của kinh tế thế giới.
Đà phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa vững chắc
Tại Mỹ, sau 4 tháng đầu năm lấy lại đà tăng trưởng, nền kinh tế lại rơi vào những khó khăn mới do những diễn biến bất lợi từ môi trường tài chính toàn cầu. Cụ thể, hầu hết các chỉ số vĩ mô đều thể hiện sự tụt dốc, trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế vẫn thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao.
Tương tự như Mỹ, châu Âu cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Kể từ khi bước sang quý II/2012, niềm tin của thị trường đã giảm đi bởi những biến động chính trị bất lợi gần đây ở khu vực đồng Euro. Cuộc khủng hoảng nợ vẫn có những diễn biến phức tạp khi tính đến thời điểm hết tháng 6, đã có tới 5 nước ở Eurozone phải nhận gói cứu trợ gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và mới đây nhất là Cộng hòa Síp. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải thực hiện những cải cách chính sách, trong đó, có chính sách tài khóa để vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Kết quả là chỉ số PMI của toàn khu vực giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2009 hiện còn 45,1 điểm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chạm mức kỷ lục 11,1%. Điểm sáng duy nhất đó là sự thặng dư trở lại của cán cân thương mại. Các số liệu thống kê công bố trong tháng 8 của Eurostat cho thấy, cán cân thương mại của 17 nước thành viên EU có sự cải thiện đáng kể trong tháng 6/2012 với con số thặng dư lên đến 14,9 tỷ Euro (~ 18,4 tỷ USD), mức cao nhất kể từ năm 1999.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng thời gian qua, tại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tình trạng nợ công, đầu tư tràn lan và tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ hàng loạt tại các cơ quan quản lý tại địa phương. Sau khi thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đương đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu của Trung Quốc, các tỉnh và thành phố của nước này đã nợ tới 10,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1/4 GDP của cả nước và hơn một nửa số nợ này phải trả trong 3 năm tới. Do đó, hiện tại, quốc gia này đang đối mặt với tình trạng rủi ro mất thanh khoản khá cao.
Bên cạnh tình trạng mất thanh khoản, Trung Quốc cũng bắt đầu phải đối mặt với bài toán suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trước bối cảnh sản xuất suy giảm, Trung Quốc đã phải điều chỉnh giảm mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 xuống còn 7,5% so với mức tăng 9,3% năm 2011 và 10,4% năm 2010.
Một đầu tàu kinh tế khác tại châu Á là Nhật Bản vẫn tiếp tục phải đối mặt với bài toán giảm phát và suy giảm tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật trong tháng 8/2012 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát mới đây, niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong tháng 9, sản lượng công nghiệp cũng giảm liên tiếp hai tháng do cầu nội địa suy yếu, xuất khẩu sụt giảm do bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới, đồng Yên tiếp tục tăng giá so với USD và tranh chấp với Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương...
Nợ công của các quốc gia vẫn có xu hướng gia tăng
Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của nhiều nền kinh tế phát triển đã vượt 100% GDP, cao nhất kể từ Thế chiến thứ II. Hiện, các nước như Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu như Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, nợ công đã vượt 100% GDP. Điều này, do tăng trưởng kinh tế chậm lại, thâm hụt ngân sách tăng trong khi chi phí cho vấn đề già hóa dân số tăng. IMF cảnh báo, nợ công sẽ tiếp tục tăng nếu chính phủ các nước không giải quyết các yếu kém của hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp vốn làm giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ.
Gánh nặng nợ công khiến các chính phủ tiếp tục siết chặt chi tiêu công như một xu hướng ngày càng đậm và lan tỏa rộng khắp khu vực Euro, ở Mỹ và cả ở Nhật Bản… Theo IMF, chính phủ các nước cần kết hợp đồng thời chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với những thay đổi tài khóa và chỉ tiêu của chính phủ, như việc giới hạn lãi suất danh nghĩa và thúc đẩy lạm phát sẽ giúp nhanh chóng giảm tỷ lệ nợ công trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính tiền tệ và áp lực lạm phát
Năm 2012, chứng kiến hàng loạt động thái chú trọng nhiều hơn vào việc nới lỏng tài chính - tín dụng, hỗ trợ giải tỏa sức ép nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, song song với việc thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng đế cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách, trong đó, đáng kể nhất là hai chính sách kích thích kinh tế mới của Mỹ và EU.
Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế thấp đã khiến Fed tiếp tục phải tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3). Động thái này cho thấy, sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng chính sách tiền tệ (CSTT) của Mỹ, cụ thể là chương trình kích thích kinh tế thông qua việc mua chứng khoán thế chấp sẽ được thực hiện với quy mô 40 tỷ USD/ tháng cho đến khi thị trường lao động được cải thiện một cách bền vững hoặc lạm phát chạm ngưỡng 3%...
Tương tự, đầu tháng 9/2012, ECB đã công bố chương trình mua trái phiếu không giới hạn nhằm giảm bớt áp lực về tài chính cho các nước đang đối mặt với khủng hoảng nợ công như Tây Ban Nha,Ý, Hy Lạp,... Đây là một bước tiến quan trọng của EU trong nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nợ, đồng thời giúp cho thị trường tài chính khu vực bớt căng thẳng. Theo đó, ECB có thể mua công khai trái phiếu kỳ hạn từ 1-3 năm với khối lượng không hạn chế với điều kiện các nước liên quan phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt.
Ngoài ra, cùng thời gian này, các ngân hàng trung ương ở Anh, Brazil, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng liên tiếp tuyên bố duy trì lãi suất ở mức thấp và triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn để kích thích kinh tế mỗi nước trước sức ép suy giảm đang đè nặng lên mỗi nước...
Sự cộng huởng liên tiếp những động thái chính sách kể trên, bên cạnh thổi bùng ngọn lửa hy vọng trên thị trường chứng khoán và đầu tư quốc tế, thì cũng lập tức kéo theo các quan ngại về lạm phát và đã khiến giá vàng thế giới tăng liên tục, đỉnh điểm đạt mức trên 1777 USD/ounce, sau suốt nửa đầu năm 2012 tương đối bình lặng. Lạm phát của các nước phát triển, trong đó, có Mỹ và EU cũng lần lượt chạm ngưỡng mục tiêu cao nhất đã đề ra.
Mở rộng quá trình dịch chuyển các dòng vốn, hoạt động M&A và đàm phán FTA
Năm 2012, chứng kiến sự gia tăng khá mạnh mẽ các hoạt động dịch chuyển các dòng vốn quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp, các hoạt động M&A quốc tế và các hoạt động đàm phán FTA trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang tích cực điều chỉnh định hướng đầu tư của mình theo hướng gia tăng nguồn vốn đổ vào các thị trường Đông Nam Á, để đón bắt cơ hội đầu tư mới từ sự gia tăng sức tiêu thụ tại khu vực kinh tế, theo nhận định của Reuters, có giá trị lên đến 2.000 tỷ USD, có nguồn ngân sách và sự phát triển cơ sở hạ tầng và các chính sách quản lý chi tiêu tốt đủ khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn khiến thị truờng các quốc gia đều thu hẹp do nguời tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cũng như do sự gia tăng hàng rào bảo hộ kỹ thuật, thì năm 2012, ghi nhận nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động và cam kết giữa các nước khu vực APEC, như duy trì các thị trường tự do và thị trường mở, thực hiện cam kết bãi bỏ các biện pháp hạn chế hiện hành, chống các biện pháp bảo hộ mậu dịch mới nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
Triển vọng kinh tế Việt Nam và định hướng điều hành CSTT năm 2013
Với những diễn biến kinh tế thế giới đầy bất ổn như trên thì nhiều khả năng bước sang năm 2013, triển vọng kinh tế thế giới cũng không có gì sáng sủa: Kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi đà suy giảm và điều này, sẽ có những tác động không tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới hoạt động xuất khẩu; việc các quốc gia trên thế giới tiếp tục phải duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng cộng với việc liên tục đưa ra các gói kích thích kinh tế mới sẽ tạo áp lực lạm phát và Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi áp lực này; việc dòng vốn nước ngoài có xu hướng di chuyển mạnh sang khu vực Đông Nam Á bên cạnh yếu tố tích cực cũng tạo những khó khăn nhất định cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát luồng ngoại tệ ra vào nền kinh tế.
Khi đó, với những dự báo ảm đạm của kinh tế thế giới năm 2013 cho thấy trong năm tới, không thể trông chờ vào sự bình phục của kinh tế thế giới mà mỗi quốc gia cần phải chủ động hơn trong việc tìm ra con đường của mình trên cơ sở xác định các mục tiêu phát triển phù hợp, các chính sách điều tiết hướng tới sự ổn định, giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thì trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; song lạm phát thì còn có những dự báo khác nhau, nhưng đa số đánh giá Việt Nam còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, khả năng lạm phát sẽ cao hơn năm 2012 nếu không có những biện pháp kiểm soát thích hợp.
Như vậy, trước mắt nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức phát sinh từ thực tế vận động, cũng có thể được tích tụ qua cả một quá trình phát triển, đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lạm phát (lạm phát năm 2012 tuy ở mức thấp, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao, cho thấy còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát); mức dự trữ ngoại tệ tuy đã tăng mạnh trong năm 2012, nhưng thấp so với quốc tế. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng chưa được tốt; nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện quá trình cải cách cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự hiệu quả, hiện đang là những vật cản tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Vấn đề đặt ra, trước những thách thức như vậy, cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí sản suất, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường chính sách chi phối hoạt động của các doanh nghiệp cần được thông thoáng, hạn chế tối đa những chính sách mang tính rào cản đến sự phát triển của doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự điều chỉnh mình trong cơ chế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự thông suốt dòng chu chuyển vốn của xã hội để tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Đối với việc thực thi CSTT, để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với trọng tâm là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tiếp tục thực hiện CSTT nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế; kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những tác động bất lợi đến kinh tế trong nước, như khó khăn trong thu hút các dòng vốn ODA, FDI; xuất khẩu thu hẹp, khả năng rủi ro thâm hụt ngân sách…; nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2012, do vậy, khả năng thặng dư cán cân thanh toán có thể đạt mức thấp hơn năm 2012 .Những yếu tố này, có thể tác động đến diễn biến tỷ giá năm 2013.
Tình hình thị trường tiền tệ năm 2013 dự báo có những diễn biến tích cực hơn năm 2013 (nếu như thị trường tài chính thế giới không có những biến động khó lường khác): Hệ thống ngân hàng đã có bước củng cố nhất định, các giải pháp cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã và sẽ tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt trong năm 2013; điều đó, sẽ củng cố thêm tính lành mạnh và khả năng thanh khoản của thị trường, lãi suất và tỷ giá về cơ bản sẽ diễn biến ổn định. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên cần giải quyết trong năm 2013 đó là, cần phục hồi đà tăng trưởng tín dụng ít nhất đạt ở mức từ 10- 12%/năm.
Từ tình hình thực tế như vậy, theo quan điểm tác giả cho rằng, CSTT năm 2013 nên tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách nhằm theo đuổi các mục tiêu:
- Kiềm chế lạm phát khoảng từ 7-8%, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây tiếp tục xem là mục tiêu hàng đầu trong năm 2013. Đồng thời, cùng hỗ trợ hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.
Nâng cao tính ổn định của thị trường tiền tệ, đảm bảo dòng vốn luân chuyển thông suốt, lãi suất thị trường diễn biến ổn định ở mức hợp lý vừa đảm bảo kiểm soát được lạm phát vừa hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm chi phí sản suất; đảm bảo ổn định tỷ giá, tiếp tục hạn chế hơn nữa tình trạng đô la hóa và vàng hóa; tiếp tục củng cố tính lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Để đạt được mục tiêu này, việc điều hành các công cụ CSTT, như nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ tái cấp vốn và phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của từng công cụ để điều tiết tốt cung cầu vốn trên thị trường một cách chủ động sao cho đạt được mức lãi suất mục tiêu; điều hành lãi suất năm 2013, tiếp tục thực hiện theo cơ chế điều hành trong năm 2012, lãi suất chỉ đạo điều chỉnh từ từ theo xu hướng giảm lạm phát và tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành theo cơ chế thị trường, từng bước hình thành đường cong lãi suất chuẩn; Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tăng trưởng tín dụng; xây dựng cơ chế tín dụng phù hợp để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng, tăng dư nợ tín dụng ở mức hợp lý. Việc tăng trưởng tín dụng cần gắn liền với hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Bên cạnh đó, để củng cố tính ổn định bền vững thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách chi phối hoạt động của thị trường tiền tệ liên ngân hàng nhằm đảm bảo các giao dịch trên thị trường phản ánh đúng cung, cầu vốn; tiếp tục các biện pháp thiết lập kỷ luật thị trường một cách chặt chẽ, củng cố thị trường tiền tệ như đã thực hiện trong năm 2012, hạn chế tối đa các rủi ro đạo đức phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015".
Ngoài ra, để đạt được chỉ tiêu tín dụng theo mục tiêu, các ngân hàng thương mại cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các gói sản phẩm tín dụng phù hợp gắn liền với việc kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay của doanh nghiệp; phát triển các gói sản phẩm tài chính hoàn chỉnh với việc cung cấp nhiều dịch vụ cho cùng một đối tượng; phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng; làm cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại, giữa các doanh nghiệp sản xuất cùng trong một lĩnh vực đều là khách hàng của ngân hàng thông qua các hội nghị khách hàng.
Như vậy, có thể thấy, năm 2013 là năm bản lề của một tương lai tươi sáng hơn cho những năm kế tiếp nên cần thiết tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư. Vì vậy, việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cần thiết phải giữ quan điểm thận trọng.
Ngoài ra, do nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam bắt nguồn từ những bất cập của nền kinh tế, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, nên chính sách tiền tệ và tài khóa trong giai đoạn tới vẫn chưa thể buông lỏng. Diễn biến lạm phát hiện tại được xem là một thuận lợi để có thể hoàn thiện hơn công tác phòng, chống, kiểm soát lạm phát. Song, năm 2013, các quyết sách điều hành vẫn cần thiết phải đảm bảo thận trọng, linh hoạt và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ.