Triển vọng thị trường vàng sau ngày 15/4

Hoàng Thế Thoả

Trong phiên giao dịch ngày 15/4/2013, giá vàng thế giới trượt xuống 1.321,95 USD/oz, mức thấp nhất kể từ đầu năm, trước khi phục hồi lên 1.376,10 USD/oz, giảm 18% so với đầu năm.

Triển vọng thị trường vàng sau ngày 15/4
Ảnh minh họa. Nguồn: nation.com.pk

Theo đánh giá của Goldman Sachs, "làn sóng" bán tháo vàng dâng cao do lo ngại Cộng hòa Síp sẽ bán vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia như đã cam kết với Ủy ban châu Âu, thu về khoảng 400 triệu euro (523 triệu USD). Mặc dù quốc đảo này chỉ sở hữu 13,9 tấn vàng, nhưng biện pháp này có thể trở thành tiền lệ và tiếp tục được áp dụng trên toàn khu vực Euro nhằm chuyển lượng vàng dư thừa trong cơ cấu dự trữ ngoại hối tại các Ngân hàng Trung ương (NHTW) sang tiền mặt. Nếu vậy, lượng vàng bán ra sẽ khá lớn.

Từ cuối năm 2000, giá vàng thế giới bắt đầu tăng giá và đạt kỷ lục 1.921,15 USD/oz vào ngày 06/9/2011. Sau đó, giá vàng bắt đầu hạ nhiệt, chấm dứt chu kỳ tăng giá dài nhất trong gần một thế kỷ qua. Xu hướng vàng giảm giá thể hiện rõ rệt từ quí IV/2012, nhờ các dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu, nỗi lo về khủng hoảng nợ khu vực Euro đang giảm dần. Trong số này, yếu tố chi phối là kinh tế Mỹ đang phục hồi, USD tăng giá và NHTW Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể cắt giảm các chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế, làm giảm nhu cầu tích trữ vàng. Ngày 10/4/2013, tập đoàn Goldman Sachs cho biết, chu kỳ vàng giảm giá đang gia tăng và các nhà đầu tư nên bán vàng.

Vai trò bảo toàn giá trị của vàng trước rủi ro lạm phát đang giảm dần, một phần là do giá cả hàng tiêu dùng giảm bất chấp các gói kích cầu của các chính phủ trong suốt 5 năm qua. Trong tháng 3/2013, chi phí sinh hoạt tại Mỹ đã giảm 0,2% do giá dầu giảm và lạm phát thấp nhất kể từ đầu năm nay. Đầu tư vào cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, chỉ số S&P 500 tăng trên 2 lần từ mức thấp nhất trong suốt 12 năm cho đến năm 2009, nhờ các biện pháp không có tiền lệ của Fed về mua trái phiếu, duy trì lãi suất thấp kỷ lục và lợi nhuận tăng liên tiếp trong 3 năm qua. Do chi phí cơ hội nắm giữ vàng quá cao, nên khách hàng chuyển sang những tài sản có lợi hơn như cổ phiếu và tiền mặt.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2009 tại Davos, Thụy Sĩ, tỉ phú George Soros đã nhận định về khả năng đổ vỡ bong bóng giá vàng. Điều này trái với quan điểm của nhiều nhà đầu tư cho rằng, các biện pháp nới lỏng tài chính sẽ làm tăng lạm phát và vàng vẫn là lựa chọn để bảo toàn tài sản.

Vào thời điểm này, mặc dù Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định bán 403 tấn vàng vào tháng 9/2009, nhưng sẽ hạn chế bán vàng như đã thỏa thụân nhằm giảm thiểu biến động giá vàng trên thị trường toàn cầu. Các NHTW tại châu Âu, kể cả các nước ngoài khu vực Euro như Thụy Điển, Thụy Sĩ đã cam kết chỉ bán dưới 400 tấn vàng chí ít cho tới ngày 27/8/2014. Tháng 8/2009, các NHTW khu vực Euro cũng khẳng định, vàng tiếp tục là cấu thành quan trọng trong dự trữ tiền tệ toàn cầu và không bán quá 2.000 tấn vàng trong thời gian 2009-2014.

Sau khi đạt kỷ lục vào ngày 06/9/2011, giá vàng bắt đầu giảm do tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp cùng với áp lực lạm phát giảm dần, làm tăng chi phí cất trữ vàng tại các quĩ đầu tư trên toàn cầu lên 2.280 tỉ USD trong năm nay.          

Theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong ngày 15/4, các quĩ đầu tư vàng trên toàn cầu thiệt hại khoảng 773 tỉ USD xuống 7.500 tỉ USD từ 8.300 tỉ USD vào cuối tuần trước, mặc dù các quĩ tín thác đầu tư vàng đã liên tục bán vàng để giảm thiểu rủi ro. Tính từ cuối tuần trước đến ngày 15/4, giá vàng giảm đã cướp đi gần 1,5 tỉ USD của tỉ phú John Paulson do ông kiên trì quan điểm coi vàng là công cụ dự phòng rủi ro tốt nhất trước lạm phát và đồng tiền mất giá. Ông là nhà đầu tư lớn nhất của SPDR Gold Trust – GLD (quĩ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới) và đã giành 85% vào cổ phiếu vàng trong tổng số 9,5 tỉ USD vốn góp vào các quĩ dự phòng rủi ro.

Theo dữ liệu của WGC, các NHTW trên thế giới đang nắm giữ tổng cộng 31.694,8 tấn vàng (khoảng 19% trong tổng số 171.300 tấn vàng khai thác từ trước đến nay), nên cũng thuộc vào nhóm đối tượng bị thiệt hại khá lớn do vàng đảo chiều. Khi giá vàng giảm, các NHTW thiệt hại khoảng 560 tỉ USD, dự trữ của IMF và Ngân hàng Thế giới cũng giảm từ khoảng 1.960 tỉ USD xuống còn 1.400 tỉ USD.

Theo đánh giá của Massachsetts-based EPFR Global (công ty cung cấp dữ liệu về các dòng vốn và phân bổ tài sản cho các tổ chức tài chính toàn cầu), trong hai năm qua, các nhà đầu tư đã từ bỏ thị trường vàng với tốc độ nhanh nhất và chuyển sang cổ phiếu, riêng các sản phẩm tín thác đầu tư liên quan đến vàng giảm 37,2 tỉ USD trong năm 2013 khi vàng chạm đáy vào ngày 15/4 vừa qua.

Từ đầu năm đến ngày 10/4/2013, các quĩ đầu tư vàng thiệt hại khoảng 11,2 tỉ USD, mức thiệt hại lớn nhất kể từ năm 2011, trong khi lượng vốn ròng đổ vào các quĩ cổ phần (khu vực sản xuất thực) tại Mỹ và trên toàn cầu tăng lên 21,5 tỉ USD. Về bản chất, việc sở hữu vàng không mang lại lợi nhuận và thị hiếu về vàng chỉ tăng lên khi các nhà đầu tư lo ngại bất ổn trên các thị trường tài chính.

Thống kê giá vàng trên thực tế, giá vàng đang diễn biến theo đường hình sin giảm dần và đã từng thiết lập đáy 1.406 USD/oz vào ngày 03/01/2011, và xuống mức đáy mới 1.376,10/oz vào ngày 15/4 vừa qua.