Trụ vững qua khủng hoảng

Hồng Vân

(Tài chính) Nền kinh tế Đức, Thụy Sỹ và một số nước Bắc Âu vẫn trụ vững qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone. Hãy xem những yếu tố nào đã giúp họ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đức: Theo tạp chí Der Spiegel (Đức), cách đây vài năm, mô hình kinh tế Đức (nhờ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành công của các trung tâm công nghiệp…) bị coi là lỗi thời, tuy nhiên, giờ đây mô hình này lại được người Mỹ ngưỡng mộ .

Trong những nghiên cứu về nguyên nhân thành công của nền kinh tế Đức, các chuyên gia Mỹ đã nhanh chóng nhận ra yếu tố “Mittelstand”. Đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra hơn 60% công ăn việc làm cho người lao động Đức, chiếm phần lớn mức đóng góp của nền công nghiệp sản xuất của Đức và hoạt động khác hẳn so với các doanh nghiệp Mỹ, vốn thường được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Những biến động trong thế kỷ 20, cùng tình trạng trì trệ của nước Đức sau khi thống nhất và gần đây nhất là khủng hoảng tài chính 2009 đã dạy các doanh nghiệp Mittelstand cách để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Hầu hết là những doanh nghiệp gia đình, các Mittelstand có tầm nhìn phát triển dài hạn, không quá chú trọng đến lợi nhuận của quý tiếp theo mà chú trọng vào sự ổn định. Kết quả là những doanh nghiệp này có được lợi thế cạnh tranh. Những doanh nghiệp này sản xuất ra các sản phẩm được phát triển tốt và có chất lượng cao mà thị trường các nền kinh tế mới nổi không thể bắt chước được.

Trên thực tế, kinh tế Đức cũng giống như một Mittelstand với quy mô lớn và được xây dựng để duy trì sự ổn định chứ không phải tìm kiếm tăng trưởng. Trong giai đoạn khủng hoảng, thận trọng luôn được đánh giá cao hơn lợi nhuận và sự thận trọng đó của người Đức là nhằm mục tiêu duy nhất của họ là giúp đất nước thoát khỏi suy thoái và tránh được thảm cảnh như ở Tây Ban Nhà và Italia.

Theo Viện nghiên cứu Mittelstand tại Bonn, trong khi Hy Lạp chìm trong nợ và eurozone ngày một suy yếu thì các công ty thuộc nhóm Mittelstand lại kiên quyết cắt giảm chi tiêu của mình và chỉ chú trọng vào dự trữ. "Họ muốn củng cố sự độc lập của mình đối với các ngân hàng và thể chế tài chính bên ngoài", ông Christoph Lamsfuss, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Mittelstand nhận định. "Các công ty Mittelstand muốn đảm bảo rằng các thế hệ tiếp theo sẽ được thừa hưởng một nền tảng doanh nghiệp vững chắc và xét cho cùng, điều đó có lợi cho kinh tế Đức", ông nói.

Thụy Sỹ: Vào thế kỷ XIX, Thụy Sỹ là nước nghèo nhưng ngày nay, Thụy Sỹ là một trong những nước giàu nhất thế giới. Thụy Sỹ đang kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế tốt hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Thụy Sỹ chỉ ở mức 2,7%, thấp nhất châu Âu, nơi đang có tỷ lệ thất nghiệp trung bình 10%.

Làm thế nào để một nước bị khóa kín trong lục địa, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể trở nên cạnh tranh, sáng tạo, thịnh vượng, trở thành một trong những trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng về giao dịch hàng hóa và vận chuyển hàng hải? Câu trả lời là vào thập niên 1990, chính phủ Thụy Sỹ đã ban hành các chính sách bình ổn nền kinh tế, bao gồm sáng kiến hãm nợ (không để chi hàng năm vượt quá thu), các biện pháp cân bằng bảo hiểm thất nghiệp, các cải cách thị trường nội địa và hạn chế nhập cư…

Sức mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính cũng chính là chìa khóa mang đến sự thành công của nền kinh tế Thụy Sỹ. Thụy Sỹ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu quả cao. Ở hầu hết các nước, thậm chí như Mông Cổ, đều có các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, một nền kinh tế chỉ thực sự nổi trội nhờ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (100 - 1.000 lao động) sở hữu các công nghệ riêng và có tầm nhìn toàn cầu để tạo ra sức mạnh xuất khẩu.

Nền kinh tế có trọng tâm xuất khẩu của Thụy Sỹ khởi nguồn từ thời trung cổ khi Thụy Sĩ chuyên về sản xuất bơ sữa, mở đường cho sự ra đời các công ty sản xuất chocolate và sữa bột nổi tiếng sau này. Ngành công nghiệp đồng hồ và dệt may đã được xây dựng ở Thụy Sỹ từ thế kỷ 17. Ngày nay, Thụy Sỹ đa dạng hóa, mở rộng ngành sản xuất ra hầu hết mọi lĩnh vực và tạo ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có giá trị kinh tế cao.

Chú trọng cải thiện thị trường lao động

Một trong những vấn đề đau đầu nhất của nền kinh tế châu Âu hiện nay là vấn đề thất nghiệp (Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đã tăng vọt lên mức kỷ lục 12% trong tháng 2/2013). Tuy nhiên, trong khi nhiều nước đang phải đối mặt với khủng hoảng việc làm (Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 26,3%, tiếp đến là Bồ Đào Nha với 17,5%) thì vấn đề đó đối với Bắc Âu và Đức lại không phải là vấn đề lớn.

Đức: Nước Đức có một hệ thống tạo công ăn việc làm khá thân thiện với người lao động. Ngay cả giữa lúc kinh tế đi xuống, vẫn không có quá nhiều người Đức phải nghỉ việc (tỷ lệ thất nghiệp ở Đức là 5,4%). Thay vào đó, người Đức đã đi theo hướng chia sẻ việc làm thông qua hệ thống việc làm ngắn hạn.

Các chuyên gia cho rằng ý tưởng “Kurzarbeit” (công việc với thời gian làm việc ngắn) của Đức là một mô hình tốt, hệ thống đào tạo nghề cho người lao động của Đức là một hình mẫu đáng học hỏi. Nhiều chuyên gia đặc biệt ca ngợi sự sáng tạo của chính sách “Agenda 2010” và những thành tựu mà cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã đạt được trong cải cách hệ thống an sinh xã hội và thị trường lao động. Theo đó, Đức đã phát triển đúng hướng và có được một nền kinh tế phát triển nhưng vẫn giữ được khả năng cạnh tranh trong một thế giới với những cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bắc Âu: Thực tế cho thấy các nước Bắc Âu đều áp dụng những chính sách thị trường lao động chủ động và tích cực như thời gian làm việc linh động, phối hợp nhịp nhàng giữa giáo dục và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho người học… Về cơ bản, đó là cả những chiến lược dài hạn, đầu tư có chiều sau mà những nước này đã hoạch định và kiên trì theo đuổi trong nhiều năm qua.

Một trong số đó là quy định độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất là 65, giúp các nước Bắc Âu giữ chi phí công ở mức thấp hơn so với Pháp, Hy Lạp (Hai nước này quy định độ tuổi nghỉ hưu tương đối thấp - 60 hoặc thấp hơn, và chính điều này đã kéo theo chi phí lương hưu tăng vọt.

Đầu tư nghiên cứu, sáng tạo

Đức là nước dẫn đầu trong những công nghệ quan trọng mới, bao gồm năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay phong điện. Nước Đức cũng có "thế lực" về kinh tế và chính trị đằng sau chiếc máy gia tốc hạt lớn, loại máy gia tốc hạt hiện đại nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, đang giúp khám phá những vấn đề căn bản trong vật lý…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào đổi mới sáng tạo. Nước Đức có nguồn lực rất lớn trong nghiên cứu cơ bản và phát triển ra thực tế. Các doanh nghiệp chế tạo Đức đượng hưởng lợi thế quan trọng trong nghiên cứu và phát triển nhờ có mối liên hệ gần gũi với các trường đại học.

Thụy Sỹ: là một nước bị khóa kín trong lục địa, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như nhiều nước ở châu Âu khác nhưng Thụy Sỹ vẫn là nền kinh tế sáng tạo và cạnh tranh nhất thế giới.

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2012-2013 của WEF, Thụy Sỹ dẫn đầu trong lĩnh vực sáng tạo là nhờ hệ thống giáo dục tuyệt vời, mức chi tiêu cao của các công ty cho việc nghiên cứu và phát triển, việc hợp tác chặt chẽ giữa giới trí thức và khu vực doanh nghiệp.

Giống Đức và Thụy Sỹ, cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt cũng khiến một số quốc gia đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Thụy Điển và Hàn Quốc, những nước đã trụ vững trong cuộc khủng hoảng vừa qua là những nước đã khá mạnh tay chi cho R&D (3,5% GDP). Israel cũng nghiêm túc đầu tư vào sự nghiệp này khi chi đến 4,7% GDP…