Trung Quốc: Bài toán sinh tồn của các doanh nghiệp SMEs

Theo An Chi/enternews.vn

Trong “cơn bão” COVID-19, bài toán làm sao để khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có thể đứng vững, và thoát khỏi “bóng ma” này thì lại là câu hỏi chưa có lời giải!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khi ông Daniel Lau - giám đốc một nhà máy sản xuất biển hiệu ở thành phố Đông Quan phía nam của Trung Quốc, quyết định đưa nhà máy quay lại sản xuất vào tuần trước, chỉ có chưa đến một phần ba trong số khoảng 200 công nhân của nhà máy quay trở lại làm việc.

"Họ không thể quay trở lại làm việc", ông Lau cho biết. Hầu hết các công nhân của ông đến từ miền trung, tây Trung Quốc, bao gồm 11 người từ tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch Covid-19 - loại dịch bệnh đã giết chết hơn 2.000 người trong thời gian qua. Nhiều công nhân nói rằng họ đã bị cấm rời khỏi quê nhà khi chính quyền đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Hoạt động kinh doanh của ông Lau vốn đã bị ảnh hưởng bởi mức thuế 25% đối với các sản phẩm nhôm mà Mỹ áp trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng với Trung Quốc. Từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra, ông Lau lo ngại những hạn chế trong hoạt động sản xuất sẽ là một lý do khiến khách hàng Mỹ đưa ra để hủy đơn hàng và chuyển sang các nhà cung cấp Đông Nam Á.

Cú đánh kép tương tự này đang nhằm vào các doanh nghiệp SMEs trên khắp Trung Quốc, khiến cho một loạt các lời kêu gọi chính phủ phải có các chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp SMEs qua cơn bĩ cực này.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp SMEs chiếm 99,8% các công ty đã đăng ký tại Trung Quốc và sử dụng 79,4% công nhân. Khối doanh nghiệp này đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và, và đóng góp hơn 50% doanh thu thuế của cả quốc gia.

Điều đáng lưu ý, các công ty có thể khôi phục lại sản xuất như công ty của ông Lau không nhiều. Hoạt động của nhiều nhà máy và các doanh nghiệp khác vẫn hoàn toàn bị đình trệ do đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99,8% các công ty đã đăng ký tại Trung Quốc, đồng thời sử dụng 80% công nhân.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99,8% các công ty đã đăng ký tại Trung Quốc, đồng thời sử dụng 80% công nhân.

Theo một báo cáo của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, 85% trong số 1.506 doanh nghiệp SMEs được khảo sát vào đầu tháng Hai dự kiến sẽ cạn kiệt nguồn tài chính trong vòng ba tháng tới. Một phần ba số người được hỏi cho biết dịch bệnh có khả năng cắt giảm doanh thu cả năm của họ tới hơn 50%. 

"Hầu hết các doanh nghiệp SMEs ở Trung Quốc dựa vào doanh thu hoạt động và họ có ít nguồn kinh phí dự trữ so với các công ty lớn và doanh nghiệp nhà nước", Giáo sư Zhu Wuxiang tại Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Tsinghua nhận định.

Theo số liệu của công ty môi giới Nomura Nhật Bản, kể từ thứ Hai tuần trước (ngày 10/2), chỉ có khoảng 25% người dân đã quay trở lại làm việc tại các thành phố cấp một của Trung Quốc. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, 93% lao động đã trở lại với làm việc.

Chuyên gia kinh tế Lu Ting của Nomura đề nghị chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc phải đối mặt với một câu hỏi nan giải về việc nên tập trung vào việc ngăn chặn COVID-19 hay khuyến khích mở cửa lại các nhà máy.

Chừng nào chuỗi cung ứng toàn cầu "vẫn còn xáo trộn thì chi phí cho sự phục hồi nền kinh tế có thể sẽ rất cao." Vị chuyên gia này hy vọng hoạt động sản xuất và thương mại tại Trung Quốc sẽ trở lại bình thường sau vài tháng nữa.

Trong khi đó, chủ sở hữu nhà máy Richard Leung cho biết rằng ông không biết liệu doanh nghiệp của mình có thể tồn tại được trong khoảng thời gian bao lâu nữa. Nhà máy của Leung nằm một ngôi làng gần Thâm Quyến, chuyên gia công túi xách nữ để xuất khẩu.

Sau khi mở lại vào tuần trước, ông Leung buộc phải đóng lại hai ngày sau đó. "Chính quyền thị trấn thông báo cho chúng tôi rằng hai trường hợp bị nhiễm COVID-19 đã được xác nhận tại một thị trấn gần đóHọ nói rằng thời điểm này không thích hợp cho công nhân của chúng tôi ra vào khu vực."

Ông Leung cho biết tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 tồi tệ hơn nhiều so với sự bùng phát SARS vào năm 2002 và 2003. Lần này, ông cho biết việc trì hoãn sản xuất sẽ khiến công ty của ông mất ít nhất là 30% đến 40% doanh thu hàng năm. "Chính phủ cần giúp chúng tôi," Leung nói.

Một số chính quyền địa phương đưa ra các chính sách hỗ trợ chẳng hạn như miễn các hóa đơn điện và miễn một phần thuế và chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như miễn lãi cho các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp… Nhưng đối với một số doanh nghiệp, các biện pháp cứu trợ như vậy là chưa đủ!

Ở một góc độ khác, các nhà phân tích quan tâm sâu sắc về thiệt hại mà virus có thể sắp gây ra đối với cơ hội việc làm trên toàn quốc. Một làn sóng thất nghiệp đang đe doạ những người lao động Trung Quốc có tay nghề thấp tại Trung Quốc.

Ước tính dịch COVID-19 có thể khiến người dân Trung Quốc mất khoảng 4,5 triệu việc làm trong năm nay, trong đó 75% sẽ thuộc về người lao động tại các doanh nghiệp SMEs. Điều này có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp tăng khoảng 1 điểm phần trăm, phần lớn nằm ở loại hình lao động tay chân thuần tuý.

Những tác động khủng khiếp từ COVID-19 là không thể phủ nhận với nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên trong “cơn bão” đó, thì bài toán làm sao để khối doanh nghiệp SMEs có thể đứng vững, và thoát khỏi “bóng ma” này thì lại là câu hỏi chưa có lời giải!