Trung Quốc công bố khái niệm Quy chuẩn thông thường mới tại APEC 2014
(Tài chính) Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Bắc Kinh, bên cạnh nội dung xuyên suốt là cam kết của các nước đẩy mạnh kết nối toàn diện vì một khu vực gắn kết, sáng tạo và kết nối, nước chủ nhà Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm học thuyết quy chuẩn thông thường mới (new normal theory), như một sự bảo đảm cho sức sống của nền kinh tế Trung Quốc bất chấp tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Theo giới phân tích, khái niệm quy chuẩn thông thường mới thực ra không phải thuật ngữ quá mới mẻ. Tập đoàn Quản lý đầu tư Thái Bình Dương - một quỹ đầu tư lớn có trụ sở tại California (Mỹ) - đã lần đầu tiên sử dụng khái niệm này để mô tả tình trạng tăng trưởng dưới mức trung bình của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 - 2009. Tháng 5.2014, trong chuyến thanh tra tại tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố về sự cần thiết thích ứng với quy chuẩn thông thường mới và phải giữ cái đầu lạnh khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại.
Theo nội dung của học thuyết, trong những điều kiện mới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm nhẹ trước khi tăng trưởng ổn định nhờ vào các động lực mới, cơ cấu nền kinh tế được cải thiện và nâng cấp hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, chính quyền được cơ cấu phù hợp hơn và giải phóng thị trường, tạo cơ hội đầu tư mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ cao, tiêu dùng và các ngành liên quan đô thị hóa. Nội hàm của sự quy chuẩn thông thường mới cũng bao gồm tiếp cận thị trường dễ dàng và hiệu quả hơn, thông qua việc chính phủ dỡ bỏ các rào cản vô hình đối với thị trường và bảo đảm sự can thiệp hữu hình của cả cơ quan chức năng.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên nhấn tới học thuyết quy chuẩn thông thường mới tại một diễn đàn quốc tế nhằm trấn an thế giới về tình hình sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông Wang Xiaoguang, chuyên gia hoạch định chính sách tại Học viện Quản lý Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn quy chuẩn thông thường mới sẽ là tin tốt lành đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Trong giai đoạn 1978 - 2013, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng thần kỳ 10%, và giai đoạn 2003 - 2007, nước này đạt con số 11,5%. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức 7,7% và quý III năm nay là 7,4%. Điều đáng nói là trong suốt ba thập kỷ tăng trưởng thần kỳ 2 con số nói trên, Trung Quốc phải chấp nhận cái giá là nạn ô nhiễm không khí và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Vì thế, có lẽ đã quá muộn để nghĩ lại câu chuyện tăng trưởng của Bắc Kinh dưới một nhãn quang khác - đó là tăng trưởng với một quy chuẩn mới, cách nghĩ mới và cơ cấu mới.
Theo giới phân tích, nền kinh tế Trung Quốc cần một phanh hãm và quan trọng hơn là cần một công cuộc cải tổ toàn diện để thoát khỏi mô hình tăng trưởng thiếu bền vững trong những thập niên vừa qua. Nhật báo Telegraph của Anh số ra tháng 9 vừa qua cảnh báo sự suy giảm kinh tế Trung Quốc là một trong 10 dấu hiệu sớm của suy thoái tài chính toàn cầu. Sự suy giảm này là một phần quan trọng trong học thuyết quy chuẩn thông thường mới, song không lột tả được toàn bộ bản chất. Điều cốt lõi của quy chuẩn thông thường mới không phải là tốc độ, mà liên quan nhiều hơn tới một cấu trúc kinh tế được cải thiện phụ thuộc vào ba trụ cột là công nghiệp - tiêu dùng nội địa và cải cách. Những thay đổi này đang diễn ra. Trong ba quý năm nay, tiêu dùng đóng góp 48,5% vào tổng sản phẩm quốc nội. Trong khi đó, các ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Công nghệ cao và sản xuất lần lượt tăng trưởng 12,3% và 11,1%. Những số liệu này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những thay đổi cơ cấu vượt bậc và cải thiện về chất lượng và cấu trúc.
Tuy nhiên, quy chuẩn thông thường mới này không phải là không tiềm ẩn các rủi ro. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng từ bong bóng bất động sản, ngành tài chính - ngân hàng thiếu minh bạch, sự quá tải và thiếu đổi mới.