Trung Quốc đặt trọng tâm vào doanh nghiệp tư nhân

Theo Tuổi Trẻ/Vietstock

Xu hướng mới trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc: tăng mạnh vai trò của các doanh nghiệp tư nhân và hạn chế sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào nền kinh tế.

Trung Quốc đặt trọng tâm vào doanh nghiệp tư nhân
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiều 24/5, chính quyền Bắc Kinh đã công bố “Ý kiến về việc thực hiện quán triệt các công tác trọng điểm trong việc cải cách thể chế kinh tế năm 2013” (gọi tắt là “Ý kiến”) trên trang web chính phủ. “Ý kiến” do Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc soạn thảo, đặt trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhằm tăng sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thế giới.

Cách đó không lâu, trong bài phát biểu ở hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức hôm 13/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh “quyết tâm giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của chính phủ đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”. Động thái này cho thấy rõ hướng cải cách kinh tế mới của Bắc Kinh.

Hạn chế sự can thiệp của chính phủ

Trong bài phát biểu hôm 13/5, ông Lý Khắc Cường đã khẳng định: “Nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều sự chỉ đạo của chính phủ và tận dụng chính sách kích thích tăng trưởng, thật khó để có thể duy trì hoặc thậm chí còn có thể gây phát sinh các vấn đề và rủi ro mới”. Ông Lý nhấn mạnh “thị trường là nhân tố tạo ra của cải trong xã hội và cũng là nguồn lực để duy trì sự phát triển kinh tế”.

Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc “hiện đang ở vào giai đoạn quan trọng trong việc tăng tốc công nghiệp hóa, đô thị hóa, không gian phát triển kinh tế vô cùng rộng mở, chỉ cần phối hợp một cách có hệ thống tiềm lực phát triển và sự linh hoạt của doanh nghiệp là có thể tạo thành một động lực lớn mạnh để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế”. Tân thủ tướng nhấn mạnh nhà nước cần giảm thiểu việc can thiệp vào các vấn đề ở tầm vi mô, tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng, cung cấp các dịch vụ công cộng thiết yếu, đẩy mạnh việc quản lý ở tầm vĩ mô”.

Các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá rất cao động thái mới của tân thủ tướng. “Ông Lý đã suy nghĩ như một nhà kinh tế...” - ông Barry J. Naughton, giáo sư về kinh tế Trung Quốc của Trường đại học California ở San Diego, nhận định.

Theo New York Times, việc công bố “Ý kiến” cho thấy sự nghiêm túc thật sự của các lãnh đạo Trung Quốc trong việc nâng cao vai trò của sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc cải cách mô hình phát triển kinh tế của đất nước.

Cải cách là tất yếu

Theo New York Times, các lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với áp lực buộc phải cải cách bởi sự trì trệ và hạn chế của một nền kinh tế chịu sự chi phối quá nhiều của chính phủ đã trở nên hết sức rõ ràng. Các nhà kinh tế đang giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc khi cân nhắc nhiều khoản nợ mà chính phủ cùng những công ty nhà nước tích tụ trong năm năm qua.

Trung Quốc đang đối mặt với sự thay đổi rất lớn về tình trạng dân số và những yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế của nước này. Dân số ngày càng già đi trong khi số lượng lao động trẻ đang ngày một giảm xuống. Chính điều này đã khiến Trung Quốc phải cải tiến cơ chế vận hành nền công nghiệp và sử dụng các cách thức khác để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thay vì chỉ bán những hàng hóa rẻ tiền và cung cấp lực lượng lao động giá rẻ.

Stephen Green, nhà kinh tế tại Ngân hàng Anh Standard Chartered và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, bình luận: “Đây là vấn đề hết sức cơ bản. Mọi người đã nói về điều này trong một thời gian dài, nhưng bây giờ chúng ta đã thấy được một lộ trình cải cách từ cấp cao nhất”. Còn ông Hoàng Ích Bình, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Anh Barclays, nhận định: “Có khá nhiều thông điệp từ các nhà lãnh đạo mới. Họ nhận ra rằng nếu còn tiếp tục trì hoãn việc cải cách, nền kinh tế có thể sẽ dấn sâu vào rắc rối”.

Tuy nhiên, theo New York Times, các động thái gần đây chưa phải là tín hiệu Bắc Kinh sẽ từ bỏ mô hình doanh nghiệp nhà nước, phá vỡ thế độc quyền của nhà nước hoặc đi đến việc tư nhân hóa các lĩnh vực trọng yếu chiến lược như ngân hàng, năng lượng, viễn thông.