Trung Quốc giở “bài cũ” để cứu nền kinh tế

Theo Trương Khắc Trà/enternews.vn

Trong khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc lại phát huy tối đa và đúng thời điểm tiềm lực vốn có.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tháng 8 nước này xuất khẩu hơn 294 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua con số hồi tháng 7. Nhập khẩu cũng lập kỷ lục với 236 tỷ USD.

Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 8 của Trung Quốc tăng tới 9,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 0,8%. Điều này cho thấy Trung Quốc đang xuất siêu ra nước ngoài.

Các con số phản ánh đặc sắc nền kinh tế thứ 2 thế giới, gói gọn trong mệnh đề “sản xuất và sản xuất nhiều hơn nữa, xuất khẩu và xuất khẩu nhiều hơn nữa”. Đây cũng chính là cách mà Trung Quốc sử dụng để vươn lên thành cường quốc.

Thêm một dữ liệu đáng chú ý, xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ nhờ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịp cuối năm trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế đối tác bắt đầu mở cửa trở lại. Nhu cầu chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu.

Như vậy, chỉ trong 1 tháng Trung Quốc thặng dư thương mại 58 tỷ USD, điều mà trước đây cựu Tổng thống Trump rất không hài lòng nên đã phát động chiến tranh thương mại, yêu cầu Bắc Kinh mua nhiều hàng Mỹ hơn thay vì chỉ bán và bán để thu gom dollars.

Xuất siêu là quân bài rất cũ xưa và sức mạnh cốt lõi từ nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, thặng dư thương mại của nước này với Úc là 80 tỷ USD, với Mỹ là 124 tỷ USD, với Việt Nam là 48,9 tỷ USD.

Câu hỏi là: Vì sao Trung Quốc có thể xuất siêu liên tục? Câu chuyện này ảnh hưởng ra sao đến những nền kinh tế nhỏ, yếu hơn? Không ai giỏi phòng vệ thương mại hơn người Mỹ, cớ sao vẫn thâm hụt khi giao thương với Trung Quốc?

Đầu tiên, lợi thế kinh điển là hàng trăm triệu nhân công giá rẻ, chịu khó “cày cuốc” hơn bất cứ nơi đâu đi kèm với tiêu chuẩn, điều kiện lao động dễ dàng. Nhà sản xuất thoải mái giảm tối đa chi phí đầu vào, giảm giá sản phẩm để chúng có thể bán thấp hơn bất cứ nơi nào.

Quan điểm của các chính trị gia sành buôn bán như Trump là thế, nhưng rõ ràng ông không thể ép hàng trăm triệu người tiêu dùng Mỹ phải mua món hàng nào đó giá cao hơn hàng Trung Quốc. Rõ ràng, biết nhưng không thể ngăn chặn!

Với Mỹ, Âu châu, các nền kinh tế này đủ sức chống chịu làn sóng hàng rẻ, nhưng với Việt Nam, Đông Nam Á và những nền kinh tế mới nổi, nơi có hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup non trẻ - họ làm sao đứng vững trước sự đổ bộ ào ạt từ Trung Quốc?

Hẳn nhiên, các chính phủ vẫn biết cách tác động vĩ mô bằng cách nâng thuế, bù giá ngang hàng nội địa. Nhưng lỗ này bít lại lỗ kia lại thủng, đó là gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu diễn ra tràn lan ở khu vực “tam giác vàng”, các cửa khẩu ở Việt Nam, Lào, Cam, Thái. Vì buôn hàng Tàu kiếm được khá hơn!

Trung Quốc không hổ danh là “công xưởng thế giới”, nghĩa là họ trải qua hàng chục năm xây dựng hạ tầng sản xuất ở quy mô khổng lồ, có thể sản xuất bất cứ thứ gì mà thế giới cần. Giả dụ, Iphone muốn lắp ráp ở Việt Nam hoặc Ấn Độ sẽ mất nhiều thời gian xây dựng nhà máy, tuyển chọn nhân sự.

Dựa vào xuất khẩu, tức là Trung Quốc chưa thể chuyển hướng nền kinh tế theo kế hoạch “Made in China”, là sáng tạo, chế tạo, nắm công nghệ nguồn chứ không phải “làm thuê” cao cấp cho các tập đoàn tư bản.

Hệ quả là gì? Nếu châu Âu, Mỹ qua mùa mua sắm chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, thì hàng Trung Quốc lại ùn ứ, tìm đường len lỏi, phá hoại các nền kinh tế nhỏ.