Trung Quốc sắp có gói siêu kích thích kinh tế?


Các động thái gần đây của Trung Quốc được cho là đang cân nhắc gói kích thích mới nhằm hỗ trợ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc được cải thiện, với sức mua của người tiêu dùng và hoạt động du lịch gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Tuy nhiên điều này chưa thực sự cải thiện tâm lý của nhà đầu tư. Ảnh: AFP
Dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc được cải thiện, với sức mua của người tiêu dùng và hoạt động du lịch gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Tuy nhiên điều này chưa thực sự cải thiện tâm lý của nhà đầu tư. Ảnh: AFP

Trong tuần này, một số động thái để hỗ trợ thị trường từ nguồn vốn Nhà nước đã được thực hiện.

Đầu tiên là Quỹ nhà nước của Trung Quốc ra tay mua cổ phiếu của các ngân hàng trụ cột.

Theo đó, theo hồ sơ công bố ngày 11/10, Central Huijin Investment (CHI) - quỹ đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước - đã mua 65 triệu cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc gồm: Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), và Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC). CHI là một đơn vị của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc trị giá 1,4 nghìn tỷ USD. Quỹ này cũng có kế hoạch tăng thêm lượng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong sáu tháng tới.

Đây được cho là hành động rõ ràng nhất nhằm cứu thị trường cổ phiếu vốn đang lao dốc, qua đó củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau thông tin trên, chỉ số CSI 300 tăng 0,7% trong ngày 12/10, với sự dẫn dắt của nhóm tài chính.

Đây cũng là động thái có thể xem như sự hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều chuyên gia kinh tế và quỹ đầu cơ trong bối cảnh thị trường vốn ảm đạm hơn bao giờ hết và Chính phủ Trung Quốc đã được kêu gọi cần trực tiếp can thiệp bằng quỹ đầu tư quốc gia để ổn định thị trường chứng khoán. 

Cùng với đó, từ sau khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát, mục tiêu tăng trưởng 5% của nền kinh tế này vẫn đang bị đe dọa khó có thể đạt được trong năm nay.

Ở một nguồn tin khác, Bloomberg cho biết Trung Quốc đang xem xét tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2023 khi chính phủ chuẩn bị tung ra một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức 5%.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc việc phát hành thêm ít nhất 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) nợ chính phủ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng như các dự án thủy lợi. Nguồn tin cho biết điều đó có thể làm tăng thâm hụt ngân sách năm nay lên cao hơn nhiều so với mức trần 3% được đặt ra vào tháng 3.

Tuy nhiên, kế hoạch này có được triển khai hay không, thực tế giới quan sát vẫn chưa thể chắc chắn, dù rằng việc nới lỏng mục tiêu thâm hụt ngân sách dường như đang là đích đến của mọi khuyến nghị.

Dẫn thông tin từ Tân Hoa Xã, SMCP cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào hôm thứ Năm tại một cuộc họp cấp cao ở Giang Tây, đã nêu chỉ thị muốn thấy sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn để phát triển khu kinh tế lớn nhất Trung Quốc – Vành đai kinh tế sông Dương Tử – với trọng tâm không chỉ là tăng trưởng xanh và chất lượng cao mà còn cả an ninh.

Theo đó, thay vì phấn đấu đạt được kết quả ngắn hạn trong bối cảnh các vấn đề kinh tế phức tạp của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ thị cho các quan chức “có tầm nhìn dài hạn, đưa ra chiến lược dài hạn và bảo vệ an ninh lâu dài”. Các địa phương thuộc vành đai Trường Giang nên “cân bằng giữa tăng trưởng và an ninh, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia về lương thực, năng lượng, chuỗi công nghiệp trọng điểm và nước”, ông Tập được dẫn lời phát biểu tại cuộc họp.

Việc chỉ thị nhấn mạnh vào an ninh quốc gia và yêu cầu cân bằng như nêu của Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể báo hiệu việc thiếu gói kích thích quy mô lớn trước cuộc họp kinh tế quan trọng, chuyên gia của SMCP bình luận. 

Trong quá khứ, giới chức đại lục kể từ sau khi can thiệp trực tiếp thị trường chứng khoán trong cú sụp đổ năm 2015 (thông qua lập quỹ bình ổn mua cổ phiếu), chưa có động thái nào để can thiệp thị trường cổ phiếu một cách mạnh mẽ, cho đến lần này. Bên cạnh đó, với nguy cơ suy thoái kinh tế và khó đạt mục tiêu tăng trưởng, các biện pháp kích thích, hỗ trợ vẫn đang được áp dụng rời rạc cho thấy rủi ro tài chính có thể vẫn là một trong những yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách nước này phải hết sức cân nhắc; đặc biệt khi xem xét một siêu gói kích thích tài chính - dù rằng quy mô gói như dự kiến/ GDP vẫn chưa xem là lớn.

Vì vậy sau hôm thứ Năm, cũng có quan điểm là Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ như đang triển khai, chủ yếu dựa vào hạ lãi suất chủ chốt của NHTW Trung Quốc, bơm thêm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng, tăng biện pháp hỗ trợ sức chi tiêu của các hộ gia đình cũng như hỗ trợ lực cầu trên thị trường bất động sản. Và theo đó một số các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục vỡ nợ kỹ thuật. 

Điều đáng nói hơn với chúng ta là nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái và không có gói kích thích kinh tế đủ mạnh để vực lại, thì tin tốt trong ngắn hạn là có thể giúp giảm bớt nhiệt lạm phát ở các quốc gia nhập khẩu hàng Trung Quốc khi giá hàng hóa giảm. Nhưng tin xấu và khó đỡ hơn, hệ lụy lâu hơn sẽ là những rủi ro tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm có Việt Nam.

Theo An Định/Diendandoanhnghiep.vn