Trung Quốc thận trọng với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Theo giới quan sát, Trung Quốc chỉ công bố những biện pháp khiêm tốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, hạn chế những động thái táo bạo mà khu vực kinh doanh đang tìm kiếm để giải quyết cuộc khủng hoảng tài sản, sự mất niềm tin của các hộ gia đình Trung Quốc và sự cảnh giác của các nhà đầu tư.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 quanh 5%, tương đương năm ngoái. Để đạt mục tiêu này, nền kinh tế thứ hai thế giới tính đưa thâm hụt ngân sách về 3% GDP, giảm so với 3,8% năm ngoái. Họ cũng muốn phát hành thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt.
Thâm hụt ngân sách là mục tiêu rất quan trọng vì chính phủ càng vay mượn nhiều thì càng có thể chi tiêu nhiều hơn cho các sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế. Theo Neil Thomas, thành viên tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Hiệp hội Châu Á: “Có rất nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc nhưng không có nhiều đề xuất cụ thể về cách giải quyết những khó khăn đang tác động đến tăng trưởng của đất nước này”.
Người tiêu dùng và nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về triển vọng phục hồi bền vững của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 1 và đầu tháng 2, trước khi phục hồi trong 4 tuần qua, khi chính phủ thực hiện các bước khuyến khích mua cổ phiếu. Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc đang đi đúng hướng, nhưng ông cũng thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc cho biết: “Nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc chưa đủ vững chắc, bằng chứng là thiếu nhu cầu, dư thừa năng lực trong một số ngành, kỳ vọng của công chúng thấp và nhiều rủi ro tiềm ẩn”.
Hiện nay, mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc và những cách thức để đạt được mục tiêu này đang được quốc tế theo dõi chặt chẽ trong năm nay. Đáng chú ý, Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác các động lực tăng trưởng mới, như năng lượng sạch và xe điện. Báo cáo của Thủ tướng Lý Cường cũng đánh dấu mức chi tiêu mới cho trí tuệ nhân tạo và kế hoạch “tăng cường nghiên cứu về các công nghệ đột phá và tiên tiến”.
Nhưng những nỗ lực đó có thể bị cản trở bởi một loạt vấn đề xung quanh lĩnh vực nhà ở: tình trạng dư thừa căn hộ, các công ty bất động sản và chính quyền địa phương gặp khó khăn về nợ nần, và người mua nhà không muốn đầu tư tiền vào bất động sản khi giá trị đang giảm sút.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể khó khăn nếu không có biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả. Ông Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế của Đại học Cornell, cho biết: “Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng hơn với các biện pháp kích thích để theo dõi xem có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không”.
Các nhà kinh tế và các tổ chức cho vay toàn cầu từ lâu đã khuyến nghị Trung Quốc tăng cường mạng lưới an toàn, một sự thay đổi có thể cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và thuyết phục các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, các quan chức lại tỏ ra thận trọng trong việc tăng chi tiêu xã hội khi họ cần tìm ra cách đối phó với cơ cấu dân số già và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm gần một nửa kể từ năm 2016 và khoảng 15% dân số đang ở độ tuổi từ 65 trở lên, dự kiến con số này có thể tăng lên hơn 20% vào năm 2030.
Tao Wang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng UBS cho biết chính phủ Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ thị trường bất động sản. Bà Wang nói thêm, hàng chục nhà phát triển bất động sản đã phá sản trong vài năm qua và tình trạng vỡ nợ trên diện rộng không chỉ gây tổn hại cho các nhà phát triển mà còn cả niềm tin của người mua nhà.
Cơ hội tốt nhất để Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế có thể là tìm cách tăng thặng dư thương mại, vốn đã chiếm 1/10 nền kinh tế của cả nước. Trước mắt, Bộ Thương mại đã Trung Quốc đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường xuất khẩu.