Từ QE1 đến QE3 - Mừng hay lo?

Huyền Thanh

(Tài chính) Bước sang năm 2012, kinh tế Mỹ có những dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Mỹ dương trong 3 quý liên tiếp (Q1: 2%; Q2: 1,3%; Q3: 2,7%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn còn thấp hơn mức 4,2% của quý IV/2011. Niềm tin của người tiêu dùng không vững chắc, các chỉ số lòng tin liên tục âm trong nhiều tháng đầu năm. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng không giảm một cách chắc chắn, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao trên 8% trong 44 tháng liên tiếp và chỉ giảm xuống 7,8% trong tháng 9/2012. Chính vì vậy, Fed đã quyết định đưa thêm gói nới lỏng tiền tệ thứ ba (được gọi là QE3). Đến nay, chúng ta vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá tác động của gói nới lỏng tiền tệ QE3 tới tăng trưởng kinh tế Mỹ trong khi những lo ngại trên toàn thế giới đang gia tăng về gói QE3 này.

Từ QE1 đến QE3 - Mừng hay lo?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gói QE1 được đưa ra vào cuối tháng 11/2008, theo đó Fed mua vào các chứng khoán nợ có tài sản thế chấp đảm bảo (MBS) và trái phiếu kho bạc để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ chỉ phục hồi một thời gian ngắn sau đó lại bắt đầu yếu đi. Do đó, Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã thực hiện thêm gói QE2 vào tháng 8/2010 với giá trị tài sản mua vào là 600 tỷ USD.

Với gói QE3, trước tiên Fed cam kết sẽ tiếp tục giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% ít nhất là cho đến giữa năm 2015. Đồng thời, Fed sẽ mua các chứng khoán nợ có tài sản thế chấp đảm bảo (MBS) trị giá lên tới 40 tỷ đôla (25 tỉ bảng Anh) mỗi tháng. Chủ tịch Fed công bố rằng kế hoạch mua này có tính "mở" và sẽ hoạt động cho đến khi thị trường việc làm được cải thiện đáng kể. Gói QE3 sẽ được thực hiện theo cơ chế như sau: Fed sẽ tiến hành mua số lượng MBS trị giá 40 tỉ đôla mỗi tháng bằng cách phát hành tiền và mua lại tài sản của các ngân hàng.

QE3 được thực hiện song song với QE2 và chương trình Operation Twist (theo đó Fed mua trái phiếu dài hạn, đẩy lợi suất trái phiếu xuống thấp và khuyến khích nhà đầu tư mua các trái phiếu ngắn hạn với lợi suất tốt hơn. Mục đích là để khuyến khích cho vay dài hạn ra nền kinh tế với mức lãi suất thấp hơn). Như vậy, ước tính tổng cộng mỗi tháng Fed sẽ nắm giữ khoảng 85 tỉ đôla trái phiếu dài hạn.

Mục tiêu chính của gói QE3 là cải thiện thị trường việc làm một cách "đáng kể". Theo đánh giá của Fed, cùng với QE3, thị trường lao động của Mỹ sẽ cải thiện nhanh chóng hơn trong thời gian từ nay tới năm 2014, với tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm về khoảng 6,7-7,3%, từ mức 7-7,7%  đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 6/2012. Và đến năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm còn 6-6,8%. Về tăng trưởng, Fed cho rằng, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm tới và 3,8% vào năm 2014, từ mức dự báo 2,8% và 3,5% trước đó.

Về lý thuyết, các gói QE sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm qua 2 kênh. Một là, QE bơm tiền vào các ngân hàng và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn vì khi Fed mua lại MBS, các ngân hàng sẽ có thêm nhiều quỹ để cho vay ra khu vực kinh tế , từ đó QE có khả năng kích thích thị trường việc làm. Hai là, QE giúp giảm lãi suất, nói cách khác, chi phí vay mượn của các công ty cũng giảm thông qua thị trường trái phiếu. Khi Fed mua MBS, giá các công cụ này sẽ bị đẩy lên cao từ đó lợi suất trái phiếu giảm xuống, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những tài sản khác như trái phiếu công ty. Khi các nhà đầu tư mua trái phiếu công ty, lợi suất trái phiếu công ty sẽ giảm, khi đó các doanh nghiệp có thể vay mượn với chi phí vay mượn rẻ hơn. Chi phí vay rẻ hơn có thể mang lại hi vọng cho thị trường việc làm, tỉ lệ thất nghiệp có thể sẽ giảm, người ta còn hi vọng giá nhà sẽ tăng trở lại và doanh số bán hàng tăng lên.

Tuy nhiên, hiệu quả của gói QE3 luôn là đề tài gây tranh cãi từ nhiều tháng nay. Những người ủng hộ gói QE3 cho rằng tuy kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng yếu và thị trường việc làm chưa ổn định, lòng tin của công chúng còn bấp bênh. Do vậy, liều thuốc kích thích rất mạnh như QE3 là cần thiết. Thực tế cho thấy, QE3 ra đời đã đáp ứng được sự mong chờ của thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư kim loại quý. Thị trường chứng khoán Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng ngay khi mở cửa, giá vàng cao ngay từ những lần tung ra QE1 và QE2, giá dầu thô cũng tăng mạnh. Có thể nói, QE3 đã làm dấy lên hi vọng và củng cố niềm tin vào tương lai của nền kinh tế Mỹ tương tự như những gì Fed đã tạo ra trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng sở dĩ các gói QE1 và QE2 được đưa ra khi các mối đe doạ về khả năng suy thoái hoặc giảm phát xuất hiện, trong khi đó, hiện nay nền kinh tế chỉ đang phục hồi từ từ. Fed không nên thực hiện QE3 bởi gói nới lỏng định lượng mới sẽ không hiệu quả và còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế:

(i) gói QE3 này sẽ làm tăng tài sản nợ trong bảng cân đối tài sản của Fed, do một lượng lớn tiền được phát hành ra hệ thống ngân hàng và không được trung hòa, tạo áp lực lạm phát;

(ii) QE3 làm dấy lên lo ngại về sự lan tràn của đồng USD không những tại Mỹ mà trên toàn thế giới. Đối với thế giới (đặc biệt là châu Á), cách đây 2-3 năm khi thực hiện QE1 và QE2, Fed đã chịu rất nhiều chỉ trích từ công luận bởi hành động bơm tiền của Fed làm đồng USD lan tràn, tạo ra bong bóng tài sản. Đặc biệt là tại thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc và kinh tế các nước Đông Nam Á đang tăng trưởng cao, hiện tượng một lượng tiền lớn mà Fed bơm ra chảy vào châu Á đã làm tăng nguy cơ bong bóng tài sản ở khu vực này;

(iii) Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới người gửi tiền tại các quỹ hưu trí, và lãi suất tiền gửi được coi là nguồn thu nhập chính của họ nay đã giảm đi. Có quan điểm ví von rằng QE3 đã phân phối lại thu nhập từ người gửi tiền sang tay ngân hàng và các nhà đầu tư, làm gia tăng lượng tiền nóng, tạo điều kiện cho lạm phát tăng cao trở lại, cuối cùng sẽ kích thích giá tài sản tăng lên, không có lợi cho sự bền vững của nền kinh tế của Mỹ;

(iv) Việc bơm tiền không giới hạn của Mỹ còn bị các nước Brazil, Nga và Trung Quốc  cáo buộc là Mỹ đang duy trì chính sách duy trì đồng USD yếu và gói cứu trợ mới của Mỹ là một nỗ lực “ích kỷ”, chỉ nhằm làm cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn so với các hàng hóa các nước, gây tổn hại cho khả năng xuất khẩu của các nước khác vào thị trường này.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lợi ích mà QE3 mang lại là không nhiều và rủi ro thì không chắc chắn. Hai gói QE đầu tiên trước đó đã giúp giảm lãi suất và thúc đẩy thị trường cổ phiếu nhưng các ngân hàng lại không sẵn sàng trong việc cho vay tiền. Các ngân hàng hiện đang ngồi trên lượng dự trữ khổng lồ 1,6 ngàn tỷ đôla và tiêu chuẩn tín dụng vẫn còn đang trong tình trạng thắt chặt sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các hộ gia đình thì không bận tâm nhiều đến việc chi tiêu khi mà họ vẫn đang phải lo trả nợ. Trong một điều tra mới đây của Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một chương trình mua trái phiếu trị giá 500 tỷ USD chỉ có thể giảm được 0,1% tỷ lệ thất nghiệp và tăng khoảng 0,2% GDP. Rõ ràng, cái giá phải trả cho các rủi ro mà các gói QE mang lại là quá đắt.

Tóm lại, điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới phía trước sau khi Mỹ quyết tâm bơm tiền ra bằng mọi giá và chấp nhận đánh đổi tăng trưởng, việc làm với một tỉ lệ lạm phát nhất định? Điều đáng ngại là phạm vi ảnh hưởng của gói QE3 sẽ không chỉ dừng ở nội bộ nước Mỹ mà đang lan ra khắp thế giới. Hầu hết, các nền kinh tế khác cũng đang phải tìm cách đối phó với tác động của các gói nới lỏng định lượng này của Mỹ. Do đó, để có được câu trả lời chính xác về vấn đề này không phải là việc làm đơn giản.