Từ sự cố của EVN và bài học cảnh tỉnh việc lệ thuộc nhà thầu Trung Quốc
(Tài chính) Sự cố cả hai máy biến áp của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) hư hỏng nặng khi vừa hết hạn bảo hành lại một lần nữa là bài học cảnh tỉnh về lệ thuộc nhà thầu Trung Quốc, chứ không phải là vào công nghệ.
Từ câu chuyện EVN gặp nạn do “xài” đồ Trung Quốc giá rẻ
Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam cho hay, một sự cố lịch sử vừa xảy ra trên hệ lưới điện Bắc - Nam: Liên tiếp trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 14/5, cả hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt đột hơn 1.000 MW. Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và sự cố xảy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành.
Theo các chuyên gia về ngành điện, các tiêu chuẩn đặt ra của ngành điện đều là tiêu chuẩn của châu Âu hoặc tiêu chuẩn Mỹ. Thực tế thì hầu hết các máy biến áp được lắp đặt trên hệ thống điện hiện nay trên 90% cũng là hàng châu Âu với các nhà sản xuất có uy tín. Thực nghiệm vận hành mấy chục năm qua đều cho thấy rất đảm bảo an toàn, tin cậy. Song, thời gian gần đây, EVN lại ồ ạt mua hàng Trung Quốc.
Trong khi, hàng của châu Âu tuy có đắt hơn hàng Trung Quốc, song tuổi thọ, chất lượng, độ an toàn lại rất cao.
Song, trước một số sự cố của máy biến áp 500Kv Hiệp Hòa đặt lên câu hỏi về chất lượng, cách vận hành, thậm chí “đầu vào công nghệ” của hệ thống này, đại diện EVN lại lý giải với báo giới rằng, “Công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện đã được tổ chức tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra”.
Tuy nhiên, hậu quả nhãn tiền đã cho thấy, việc “ham xài đồ giá rẻ” Trung Quốc đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho EVN nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Đến 90% dự án trọng điểm thuộc về nhà thầu Trung Quốc
Thống kê do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho biết, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu.
Song, kết quả thì thật đáng buồn. Thực tế cho thấy, nhiều dự án mà Trung Quốc làm tổng thầu thường chậm trễ, kéo dài thời gian thi công, yêu cầu chủ đầu tư bù giá, làm đội vốn đầu tư, như: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Đáng chú ý là trong số chậm trễ đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã từng “chỉ mặt” hàng loạt các doanh nghiệp năng lực kém, trong đó có nhiều công ty của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng chỉ ra, tình trạng thông thầu và điều chỉnh tăng giá đang trở thành phổ biến tại các dự án xây dựng do Trung Quốc chịu trách nhiệm. Và ông Hùng từng đặt câu hỏi: “Chúng ta thử tìm xem có công trình xây dựng, công trình giao thông nào mà không đội giá? Công trình cứ dây dưa kéo dài để điều chỉnh giá. Đội giá vô cùng lớn khiến giá các công trình giao thông, xây dựng thuộc dạng đắt nhất thế giới.
Không chỉ tiến độ chậm, tăng giá thành lên cao, mà khi đưa vào bàn giao, các công trình mà Trung Quốc đảm nhiệm có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc.
Điều đáng nói là sau đó, tất cả các dự án này đều chung một kịch bản đáng buồn nói trên… rồi vẫn tiếp tục thắng thầu ở những dự án khác mà không bị... cạch mặt.
Lý giải cho việc này, một số cơ quan chức năng thường đổ lỗi cho việc nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, họ đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính nước họ hoặc không được bảo hộ cho các nhà chế tạo thiết bị trong nước. Thứ hai, là Luật Đấu thầu ưu tiên đơn vị trúng thầu giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy, hầu hết các dự án rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, các nhà máy chế tạo của Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ.
Song, nguyên nhân thực chất được chỉ ra là, cơ chế chính sách đã ban hành để hỗ trợ cho sản xuất trong nước đã bị các chủ đầu tư “biến tướng”. Một số chủ đầu tư “ngại” dùng thiết bị sản xuất trong nước, thích nhập ngoại.
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đã đưa ra câu hỏi cho rằng, “sự minh bạch trong ngành giao thông vận tải phải được hiểu như thế nào, khi rất có thể tình trạng thông thầu đồng nghĩa với chuyện có tiêu cực tham nhũng”.
Hạn chế nhà thầu Trung Quốc: Cần làm gì?
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, để hạn chế được tình trạng này, cần phải có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ các nhà thầu Trung Quốc, hạn chế các nhà thầu Trung Quốc có năng lực kém vào tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, các nhà thầu Việt Nam cũng phải điều chỉnh, tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực của mình.
Hơn nữa, một vấn đề đặc biệt cần lưu tâm là, tình trạng lót tay, đi đêm có không, quản lý thế nào, làm sao để kiểm soát? Khi phát hiện những nhà thầu như vậy thì phải thẳng thắn loại bỏ những nhà thầu năng lực yếu kém, không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trách nhiệm trước tiên là thuộc về chủ đầu tư dự án, ban quản lý dự án. Cao hơn nữa là trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải...
Còn theo GS., TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, vấn đề an ninh năng lượng, an toàn, chất lượng các công trình trọng điểm của Việt Nam cần được đặt ra cấp thiết.
Đồng tình quan điểm, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, ở nhiều nước nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, họ có danh mục cấm các nhà thầu tham gia đấu thầu các công trình trọng điểm, nhưng Việt Nam hiện chưa có điều luật này.
Để khắc phục những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong tương lai, giải pháp được các chuyên gia đề cập là Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện hơn cho nhà thầu trong nước và vật tư, sản phẩm chế tạo trong nước. Đưa nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên cho phần dịch vụ thiết bị chế tạo trong nước, không chỉ xét tiêu chí giá rẻ, mà cần quan tâm đến vòng đời kỹ thuật dự án thì nhà thầu Trung Quốc sẽ hạn chế cơ hội trúng thầu.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại quốc tế cũng sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, với điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam phải ngày càng mạnh lên để gia tăng nội lực, cạnh tranh với người láng giềng phía Bắc “lắm võ nhiều mưu”./.