Tỷ giá có thể tăng vào những tháng cuối năm
Trong quý III/2024, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo dự báo tỷ giá sẽ có biến động vào những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần có những biện pháp gì để tránh bớt rủi ro khi hàng năm biến động tỷ giá luôn xảy ra. Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên: Trong quý III, tình hình tỷ giá đã hạ nhiệt, theo ông nguyên nhân đến từ đâu?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, việc tỷ giá hạ nhiệt thời gian gần đây đến từ những nguyên nhân:
Thứ nhất, nguyên nhân đến từ mùa vụ của tỷ giá. Thường thì đầu năm nhu cầu về ngoại tệ của người dân tăng khá cao. Mua bán giao dịch, nhu cầu đi du lịch nước ngoài, tích trữ khiến cho tỷ giá tăng cao. Cùng với đó là vấn đề tâm lý, nếu tỷ giá tăng cao thì sẽ áp lực lên tâm lý găm giữ ngoại tệ. Thường thì đến giữa năm nhu cầu giảm xuống nên tỷ giá được hạ nhiệt.
Thứ hai, liên quan đến thị trường vàng. Thị trường vàng trong giai đoạn này cũng trầm lắng hơn so với đầu năm. Với nhà đầu tư vàng, tỷ giá càng cao, lo lắng tâm lý đồng nội tệ mất giá sẽ khiến người ta sẽ có xu hướng đầu tư vào vàng như một kênh trú ẩn, đúng như vai trò chính của vàng. Đến thời điểm này, nhu cầu mua bán của người dân cũng không còn cao như trước.
Thứ ba, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp hỗ trợ tích cực như bán ngoại tệ nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống. Qua đó, tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép. Hiện áp lực lên tỷ giá giảm, bình ổn hơn.
Thứ tư, vấn đề xuất nhập khẩu. Tỷ giá tăng rất nhanh những tháng đầu năm, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao, đã gây áp lực rất lớn trên thị trường ngoại tệ. Trong quý III/2024 nhu cầu không cao như đầu năm, nên tỷ giá đã có phần hạ nhiệt.
Điều này chứng minh các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại, có lợi cho nền kinh tế. Việc tỷ giá tăng mang tính thời điểm để phục vụ nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu, do đó ở khía cạnh nào đó có thể nhìn nhận đây là dấu hiệu tích cực.
Phóng viên: Theo ông, tỷ giá hạ nhiệt sẽ đem lại những lợi ích gì cho nền kinh tế và doanh nghiệp?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Về cơ bản, tỷ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp cho nền kinh tế ổn định hơn, từ đó xuất nhập khẩu ổn định hơn.
Tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm”.
Tỷ giá ổn định giúp cho mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với chi phí vay vốn thấp hơn, doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn.
Phóng viên: Tỷ giá hạ nhiệt doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu nhập sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá ổn định, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng đồng USD sẽ có lợi hơn, còn với những doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ khác thì không tác động nhiều. Nhưng ở Việt Nam thì chủ yếu các doanh nghiệp nhập khẩu thường sử dụng ngoại tệ là USD.
Nhìn chung, tỷ giá giảm thấp xuống chỉ một chút thôi, doanh nghiệp cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu đồng, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá. Vì tỷ giá USD đã giảm dẫn đến chi phí đầu vào của các đơn hàng thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, từ đó cũng gia tăng được doanh thu cho doanh nghiệp do bán được nhiều hàng hơn.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD cũng sẽ có lợi hơn, khi mà tỷ giá hạ nhiệt.
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về tình hình tỷ giá những tháng cuối năm?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, từ nay đến cuối năm khoảng vào cuối quý III, đầu quý IV nhu cầu USD thường tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm có thể tỷ giá tăng theo tính chất mùa vụ, nhưng tác động quá lớn đến nền kinh tế nước ta và sớm ổn định trở lại.
Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ năm nay khá tốt và Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, hợp lý tránh đầu cơ tỷ giá.
Cùng với đó, vào những tháng cuối năm khả năng Fed sẽ hạ lãi suất, dòng vốn sẽ chảy về Việt Nam sẽ đón được dòng này và đem lại nhưng tác động tích cực cho nền kinh tế. Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam đan thu hút dòng vốn FDI khá tốt.
Phóng viên: Theo ông nếu tỷ giá nóng, có cần phải dùng các biện pháp can thiệp để bình ổn tỷ giá không?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Như đã nói ở trên thì tỷ giá nóng cũng có yếu tố mùa vụ, NHNN cũng chưa cần phải sử dụng các biện pháp can thiệp gì nhiều, cũng chưa cần phải dùng biện pháp dự trữ ngoại hối vì cũng không có nhiều tác động tới thị trường.
Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm nay; NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ, cùng với dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỷ giá ổn định hơn.
Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!