Ứ đọng vốn trong hệ thống ngân hàng: Báo động đóng băng tín dụng

Theo laodong.com.vn

Kinh tế đã trải qua nửa chặng đường năm 2013 với rất nhiều khó khăn, trong đó tín dụng cho doanh nghiệp tiếp tục là nút thắt chưa thể tháo gỡ trong sớm chiều. Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2013 được tổ chức ngày 17.6, số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, báo động tình trạng đóng băng tín dụng.

Ứ đọng vốn trong hệ thống ngân hàng: Báo động đóng băng tín dụng
Tỉ giá tăng vì ngân hàng... thừa tiền. Nguồn: Internet

Toàn hệ thống thừa thanh khoản

Tính đến 31/5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012 còn tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,98. Trong đó tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%. Huy động vốn tăng 6,59% so với cuối năm 2012; trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 7,55%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 0,84%. Huy động vốn VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 11,5%), tổ chức kinh tế (tăng 1,23%) cho thấy tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh được lựa chọn của người dân.

Theo nhận định của NHNN, tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp cho thấy nguồn tiền này chủ yếu do chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VND để tận dụng lãi suất tiết kiệm cao hơn.

Ước tính của một số chuyên gia tài chính, toàn hệ thống đang dư thừa thanh khoản ngắn hạn khoảng 100 ngàn tỉ và nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã phải tăng lượng TPCP nắm giữ để giảm chi phí vốn do huy động về nhưng không thể cho vay ra với các đối tượng doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Sự ứ đọng tín dụng trong hệ thống ngân hàng còn thể hiện rõ hơn ở chỉ số LDR (tỉ lệ cho vay/huy động) đã giảm xuống còn 95-96%. Theo đánh giá của NHNN, chỉ số này với điều kiện Việt Nam chỉ nên từ 80-85% để đảm bảo ổn định lâu dài. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, hệ thống đang “dư thừa vốn nhưng các ngân hàng không đẩy vốn ra được”.

Cẩn trọng bẫy thanh khoản

Theo chuyên gia kinh tế, để có thể khơi thông nguồn vốn, phá tảng băng tín dụng đòi hỏi một gói giải pháp đồng bộ nếu không nguy cơ rơi vào “bẫy thanh khoản” của nền kinh tế rất cao. Ở đây, “bẫy thanh khoản” được hiểu là nguồn cung tín dụng rất dồi dào, vốn được bơm ra thị trường nhưng cầu tín dụng không có do các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, các hộ gia đình đều mất niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế.Trước thực trạng này, gói giải pháp được chuyên gia khuyến nghị gồm hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Cụ thể, với biện pháp hạ lãi suất, NHNN đã tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt thời gian qua. Đến nay, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, 64% các khoản vay đã ở dưới mức 13% một năm, mức lãi suất dưới 10%/năm hiện chiếm 14% trên tổng dư nợ, từ 10-13%/năm cũng xấp xỉ 50%. Còn theo số liệu thống kê, lãi suất trên 15%/năm hiện chiếm 12%.

Về xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã chủ động trích lập và xử lý được 70 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Quyết định 780, đã có 285 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 10% dư nợ toàn hệ thống, được cơ cấu lại. Đây vẫn là khối dư nợ có tiềm năng thành nợ xấu rất cao. Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận thực tế nợ xấu cũ vẫn chưa xử lý thì đã xuất hiện nợ xấu mới do điều kiện kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục chậm hoặc không trả nợ đúng hạn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Phát triển kinh doanh - để hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp, gói giải pháp được đề xuất cần bổ sung các biện pháp mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Nhiệm vụ này được giao đồng thời cho VAMC do đây là công ty tiếp nhận khoản nợ xấu của doanh nghiệp từ TCTD chuyển sang nên nắm giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của doanh nghiệp.

DN không còn tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng buộc phải có sự hỗ trợ thông qua hình thức như bảo lãnh, đầu tư vốn trực tiếp. VAMC với tư cách chủ nợ mới của DN sẽ là đơn vị phù hợp cho nhiệm vụ bảo lãnh cho vay. Nếu làm tốt nhiệm vụ này, VAMC sẽ dần dần khơi thông được dòng vốn, kéo được vốn ra khỏi ngân hàng đến với DN có cơ hội phát triển nhưng gặp khó khăn tạm thời do thiếu vốn kinh doanh.

Cuối cùng, TS Nghĩa cũng thống nhất với quan điểm phải tích cực xử lý ngân hàng yếu kém. Một nguyên nhân khiến cho nợ xấu cũ chưa xử lý được đã xuất hiện nợ xấu mới.