Ứng dụng công nghệ blockchain cho thời trang “xanh” hơn
Hiện nay, các thương hiệu thời trang ngày càng muốn giới thiệu và quảng bá những tiêu chí “xanh” của họ. Nhưng với việc sản xuất các sản phẩm thời trang thường liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, các công ty không phải lúc nào cũng đảm bảo được việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Yêu cầu minh bạch về xuất xứ và chất lượng sản phẩm
Công ty dệt may TextileGenesis (có trụ sở tại Hồng Kông và Ấn Độ) cho rằng, công nghệ làm nền tảng cho tiền điện tử như bitcoin có thể hữu ích nếu áp dụng vào sản xuất.
TextileGenesis muốn làm cho ngành công nghiệp thời trang minh bạch hơn bằng cách sử dụng blockchain để số hóa chuỗi cung ứng, giúp các thương hiệu theo dõi quá trình sản xuất quần áo từ nguyên liệu thô đến khi thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo báo cáo năm 2019 của Công ty tư vấn McKinsey & Company, việc tìm nguồn cung ứng vật liệu bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các công ty thời trang.
Các thương hiệu cho biết họ cũng muốn tạo ra sự minh bạch trong chuỗi cung ứng của mình, nhưng rất khó đạt được điều đó. Thay vì sử dụng các loại sợi như polyester và nylon có chứa nhựa, một số thương hiệu muốn chuyển sang các vật liệu như bông tái chế, lyocell (làm từ bột gỗ) và viscose (làm từ gỗ). Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng không rõ ràng, minh bạch có thể khiến công ty sản xuất gặp khó khăn trong việc giám sát và lựa chọn nguyên liệu nào được đưa vào thành phẩm của họ.
Ứng dụng của Blockchain như thế nào?
Mặc dù công nghệ ban đầu được áp dụng trong thanh toán ảo, nhưng các ứng dụng mới đã nhanh chóng được phát triển trên các lĩnh vực khác nhau.
Công ty TextileGenesis đang sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một bản ghi vĩnh viễn về các giai đoạn sản xuất. Về cơ bản, blockchain là một sổ cái công khai trực tuyến có thể truy cập được để biết mọi công đoạn của chuỗi cung ứng.
Ngành dệt may sử dụng các mã thông báo số, được gọi là đồng tiền sợi, để cung cấp một bản ghi có dấu thời gian về dòng sản phẩm thông qua mạng lưới logistics. Khi các mã thông báo đã được đăng nhập, chúng không thể bị thay đổi.
Lợi ích của việc ứng dụng blockchain trong ngành thời trang may mặc
Francois Souchet, một chuyên gia về tính bền vững tại Quỹ Ellen MacArthur cho biết, với blockchain, kết quả không thể nào bị thao túng.
Blockchain đảm bảo mọi yếu tố trong chuỗi cung ứng đều mang lại thông tin là chính xác. Một khi bạn có sự minh bạch trong chuỗi cung ứng, thì sẽ có thể giảm tác động đến môi trường và cải thiện chất lượng tổng thể.
Kể từ khi ra mắt cách đây hai năm, TextileGenesis đã giành được Giải thưởng Thay đổi Toàn cầu trị giá 150.000 € (180.000 USD) cho những đổi mới thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang trở nên thân thiện hơn với môi trường và điều hành một dự án thử nghiệm với thương hiệu thời trang toàn cầu H&M (HNNMY), truy tìm polyester tái chế và len đã được chứng nhận.
Lenzing, nhà sản xuất dệt may có trụ sở tại Áo, đồng thời cũng là chủ cũ của Amit Gautam đã hợp tác với TextileGenesis từ năm 2019, triển khai công nghệ này cho 120 khách hàng và đối tác ở Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Ông Florian Heubrandner - Phó Chủ tịch quản lý kinh doanh toàn cầu của Lenzing cho biết, công nghệ blockchain đã đảm bảo "sự minh bạch chưa từng có" trong giao dịch với các thương hiệu và các nhà bán lẻ. Ông tin tưởng: “Nó cho phép họ biết chính xác nơi kéo thành sợi, dệt sợi và nơi sản xuất ra bộ quần áo hoàn chỉnh cuối cùng. Với công nghệ này, có thể giúp các thương hiệu đạt được mục tiêu bền vững của họ và nó đã bảo vệ danh tiếng của Lenzing với tư cách là nhà sản xuất hàng dệt may bền vững".
Trong năm 2021, TextileGenesis đã có kế hoạch làm việc với các thương hiệu và nhà sản xuất thời trang ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc. Theo ông Gautam - người sáng lập của TextileGenesis, khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững luôn có tính hai mặt. Các thương hiệu cam kết về tính bền vững với người tiêu dùng về vật liệu đang được sử dụng. Họ phải chắc chắn rằng sản phẩm của họ là hàng chính hãng.