Ứng dụng công nghệ số phục hồi và phát triển du lịch


Dưới tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch tại khu vực Trung Trung Bộ đã ứng dụng công nghệ số nhằm phục hồi và phát triển du lịch tại địa phương. Dựa trên nhu cầu và nguồn lực, một số địa phương đã có kế hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng du lịch thông minh...

Hướng dẫn du khách tham quan Hoàng cung Huế qua công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Đồng Văn.
Hướng dẫn du khách tham quan Hoàng cung Huế qua công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Đồng Văn.

Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đã khảo sát về nhu cầu và xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ Covid-19, kết quả  cho thấy, 40% số người được hỏi cho biết có mong muốn đặt tua trực tuyến, chỉ 12% đến 15% vẫn đặt tua qua công ty du lịch.

Số liệu này cho thấy, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, thuận tiện hơn trong giao dịch và hạn chế việc tiếp xúc. Vì thế, các địa phương có tiềm năng về du lịch buộc phải chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin để bắt kịp xu thế. Các doanh nghiệp công nghệ cũng chớp lấy thời cơ, kết hợp các địa phương để xây dựng sản phẩm công nghệ phù hợp.

Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch số để hỗ trợ Thừa Thiên Huế, như: Xây dựng bản thuyết minh tự động, với 12 thứ tiếng và trợ lý du lịch ảo tại các điểm tham quan thuộc hệ thống di sản Huế; xây dựng bản đồ 3D về tài nguyên văn hóa di sản và du lịch...

Các sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực của du khách về việc tiếp cận và trải nghiệm du lịch thuận tiện, hấp dẫn. Các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok cũng đang được sử dụng để hỗ trợ đắc lực cho ngành du lịch tại địa phương trong công tác truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch, các sản phẩm du lịch trên nền tảng số. Tính đến cuối tháng 4/2021, tài khoản chính thức của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã thu hút hơn 18 nghìn người theo dõi và 130 nghìn lượt yêu thích dù đang trong giai đoạn thử nghiệm. 

Ông Từ Thanh Hải, Giám đốc Phong Nha Explorer cũng cho biết, những năm qua, Phong Nha Explorer nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ và CĐS, nhất là trong việc cắt giảm nhân lực mà vẫn khai thác được lượng khách trong nước và nước ngoài đến với Phong Nha (Quảng Bình) qua trang thông tin chính thức trên website.

Do đó, trang website của Phong Nha Explorer được xây dựng theo hướng thân thiện, giàu tính tương tác để giúp khách hàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tua một cách dễ dàng nhất. Vận hành trực tuyến còn giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ giảm và cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng lợi.

Các địa phương Trung Trung Bộ đều nhận định, để CĐS ngành du lịch thành công đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. CĐS phải được tiến hành trong quản lý, xúc tiến, quảng bá... do đó, cần sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Tỉnh đã xác định phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững, cho nên ưu tiên tập trung đẩy mạnh CĐS trong ngành này. Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ trung ương đến cơ sở. Phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch số. Đội ngũ nhân lực du lịch tại các doanh nghiệp du lịch sẽ được chú trọng tập huấn các kỹ năng cần thiết trong ứng dụng công nghệ số. 

Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cũng  cho biết, năm 2021, Đà Nẵng cơ cấu lại sản phẩm du lịch phù hợp tình hình mới và đẩy mạnh CĐS. Trong đó, sẽ chú trọng CĐS từ công tác quản lý nhà nước đến hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, đồng thời chuyển hướng mạnh mẽ các loại hình du lịch thông minh, cung cấp cho du khách những trải nghiệm thực tế ảo và nhiều dịch vụ du lịch điện tử.

Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Trong đó, mô hình thẻ tín dụng du lịch (thẻ cứng hoặc quét mã) với tính năng thanh toán bằng QR Code với các dịch vụ như đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, vé xe khách, đặt bàn ăn uống tại điểm du lịch, mua sắm các sản phẩm du lịch trực tuyến sẽ là xu hướng để phát triển những tiện ích trong ngành Du lịch số.

Để đẩy mạnh sử dụng thẻ du lịch thông minh, các địa phương cần triển khai các điểm chấp nhận thanh toán mã QR, từ đó hình thành nền tảng thanh toán cho du khách. Ngoài ra, cần triển khai mạng xã hội du lịch liên kết du khách và điểm cung cấp dịch vụ du lịch, tạo môi trường số giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với du khách.

Về lâu dài, cần hoàn thiện hạ tầng thanh toán số đáp ứng toàn diện nhu cầu của du khách, mở rộng thanh toán thông qua thẻ và kênh thanh toán trực tuyến.