Ứng dụng mua sắm trên di động nở rộ
Các chương trình cài đặt trên điện thoại giúp người dùng có thể mua, bán sản phẩm, dịch vụ hoặc thanh toán hóa đơn, tiện ích khác nhau mà không cần sử dụng tới máy tính hay giao dịch trực tiếp.
Theo số liệu thống kê do đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, thuộc Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 34% dân số (hơn 30 triệu người) sử dụng Internet trên di động. Trong đó, một phần ba thời gian sử dụng thiết bị di động, gần 60% lượng truy cập thuộc khung từ 18h đến 23h hàng ngày. Đây được xem là tín hiệu tốt cho mô hình thương mại điện tử phát triển trên nền tảng di động tại thị trường mới như Việt Nam.
Trong cuộc đua thu hút khách hàng và gia tăng hiện diện của thương hiệu, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đã mở rộng môi trường kinh doanh từ trực tuyến truyền thống qua các website sang những ứng dụng dành riêng cho nền tảng di động. Các chương trình này được thiết kế riêng cho những thiết bị có màn hình nhỏ, thích hợp với thao tác cảm ứng như trên điện thoại, máy tính bảng...
Bên cạnh đó, ứng dụng sẽ tiết kiệm được khá nhiều không gian hiển thị so với giao diện website, các danh mục và sản phẩm được bố trí thuận tiện hơn cho quá trình mua sắm và tìm kiếm thông tin của người dùng.
Hai trong số những ứng dụng tiên phong trên thị trường là của website hoạt động theo mô hình Groupon (mua theo nhóm) nay đã đổi sang hướng cung cấp dịch vụ và hàng hóa giá rẻ tên MuaChung và CungMua. Ứng dụng còn giới thiệu các chương trình khuyến mại nhằm xây dựng tệp người dùng thường xuyên sử dụng. Lazada, Zalora, Sendo... là những đơn vị bán hàng trực tuyến cũng phát triển hoàn thiện phần mềm riêng, cung cấp đến người dùng sử dụng hệ điều hành iOS hay Android, Windows Phone.
Bà Vũ Hoàng Yến, Giám đốc Marketing Zalora Việt Nam chia sẻ, tại Zalora Việt Nam, hiện tại lượng truy cập bằng máy tính để bàn chiếm 45-55% đơn hàng, cho doanh thu 55%. Trong khi đó truy cập từ thiết bị di động đã tăng lên 40% và ứng dụng thông minh là 15% với lượng đơn hàng lần lượt là 20% và 25%, cho doanh thu 15% và 30%. "Nền tảng di động là trung tâm và sẽ dần thay thế laptop và PC", bà Yến nhận định.
Tổng giám đốc công ty Sendo Trần Hải Linh cũng chia sẻ về những tăng trưởng từ việc người dùng truy cập và tham khảo thông tin qua ứng dụng di động. "Lượng truy cập năm 2014 bằng thiết bị di động là 3%, năm 2015 là 60% và 2015 dự kiến tăng lên đến 75%. Lượng đơn hàng từ thiết bị di động mang lại trong năm 2014 là 5%, năm 2015 là 30% và năm 2016 ước đạt 50%", ông nói.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo, sau khi tiếp cận nền tảng di động và đánh giá được tiềm năng thì các thương hiệu mới nên phát triển ứng dụng riêng, song song với website hiện hành để đảm bảo hiệu quả và đầu tư.
Bên cạnh các phần mềm phục vụ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và sản phẩm, ứng dụng di động còn đáp ứng được nhu cầu thanh toán điện tử và giao thương trên thiết bị cá nhân của người dùng. Trong số này có các ví điện tử, chuyên để thanh toán (hóa đơn điện, nước, mua vé xem phim, nạp thẻ...), chuyển và nhận tiền, được kết nối với tài khoản ngân hàng trong nước.
Với các ứng dụng như ABAM (Ai Bán - Ai Mua), MuabanNhanh hay Chotot, Mraovat... người dùng có thể đăng rao các sản phẩm của mình, thay vì chỉ mua sản phẩm từ các đơn vị cung cấp. Anh Xuân Thành, thành viên nhóm phát triển ứng dụng ABAM cho biết: "ABAM vốn là nhóm trao đổi, mua bán, cho tặng sản phẩm trên Facebook nhưng các thành viên sớm nhận ra hạn chế giao diện khi tìm kiếm sản phẩm theo nhu cầu cá nhân nên tạo ra ứng dụng nhằm khắc phục những điều này". Theo anh, nhóm không đặt nặng về số lượng giao dịch hay người tham gia mà tập trung vào chất lượng, nhằm đảm bảo việc mua bán thuận tiện cho cả đôi bên tham gia.
Người tham gia mua bán trên những ứng dụng dạng này dễ tìm được món đồ mình cần với mức giá phải chăng hơn (có thể là đồ đã qua sử dụng hoặc dư không dùng đến). Tùy vào ứng dụng mà việc giao dịch sẽ được miễn phí hay phải trả một phần chi phí (để đăng tin rao bán), người mua cũng có thể lựa chọn người bán được đánh giá tốt, từng thực hiện nhiều giao dịch uy tín...
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước phát triển tốt, là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng vẫn gặp trở ngại là niềm tin người tiêu dùng. "Dù đã có nhiều thương hiệu uy tín, thu hút được nhiều người dùng, nhìn chung tâm lý khách hàng vẫn ngại mua sản phẩm trực tuyến do đặc thù không thể xem trực tiếp sản phẩmtừ trước, thiếu tư vấn từ nhân viên tại chỗ", một chuyên gia đánh giá.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho rằng để người dùng thực sự có niềm tin vào thương mại điện tử thì đây là một quá trình dài và cần có sự tham gia đa chiều từ hành lang pháp lý của Nhà nước, các chương trình xúc tiến thúc đẩy thương mại trực tuyến.
"Về phía doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường tiện ích trải nghiệm cho người dùng. Một điểm khác là giá cả phải phù hợp, cạnh tranh mà khi đó vấn đề kho vận vận chuyển sẽ làm đội chi phí lên và giải quyết vấn đề này không đơn giản. Thanh toán đảm bảo, qua tầng trung gian nhằm giảm thiểu rủi ro, xây dựng các cổng thanh toán đảm bảo hiện đại, phải có lộ trình trong 5 năm tới", lãnh đạo VECITA nhận định.