Ưu tiên lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư

(Baodautu)

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém và chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới với tinh thần thật sự khách quan, khoa học, toàn diện. Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

Ưu tiên lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, phải chăng, thời gian qua, chúng ta mới chủ yếu tập trung cho việc đối phó với tình hình khó khăn về tài chính, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động…, mà chưa chủ động triển khai các biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội? Trên cơ sở đó, thời gian tới, trong công tác điều hành, một mặt vẫn phải quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát, nhưng cần tập trung ưu tiên nhiều hơn cho ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Một nội dung quan trọng khác được Hội nghị lần này thảo luận là Đề án Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là vấn đề lớn và khó, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã ban hành các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác này.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vì sao lúc này vẫn phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước? Phạm vi nội dung đến đâu? Chọn ra một số vấn đề lớn, quan trọng để thảo luận và có chính sách, biện pháp tháo gỡ, khắc phục… Đối với từng vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân; chỉ rõ nguyên nhân thuộc về chủ trương, cơ chế, chính sách và nguyên nhân do thực hiện không đúng, không nghiêm? Từ đó, đề ra biện pháp phù hợp, khả thi, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị (từ ngày 1/10 đến 15/10), Hội nghị Trung ương 6 cũng thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác, như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai; Đề án Phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.