Nguồn tín dụng cần thiết của doanh nghiệp
Lý thuyết về tín dụng thương mại được khởi xướng bởi Goff (1957) và sau đó được phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu những năm sau này, như: Schwart (1974), Schwart và Whitcomb (1978), Ferris (1981), Smith (1987), Biais và Gollier (1987), Peterson và Rajan (1997), … (Peterson and Rajan, 1997). Tóm lại, tín dụng thương mại là một thỏa thuận giữa người mua và người bán, trong đó người bán cho phép thanh toán chậm cho sản phẩm của mình thay vì thanh toán bằng tiền mặt, (Mian and Smith, 1992).
Trong số các lý thuyết về tín dụng thương mại ở trên, nổi lên 3 nhóm lý thuyết chính (Khan và cộng sự, 2012): Lý thuyết về lợi thế tài trợ, lý thuyết phương tiện phân định giá và lý thuyết về chi phí giao dịch.
Lý thuyết về lợi thế tài trợ:
Nhóm này có 3 lợi thế chính: Lợi thế thu thập thông tin, lợi thế điều khiển người mua và lợi thế thu hồi tài sản. Cụ thể :
- Về lợi thế thu thập thông tin: Do có sự am hiểu tường tận về lĩnh vực hoạt động, nhà cung cấp (người bán) có thể tìm hiểu về mức độ tín nhiệm của khách hàng tốt hơn những người cho vay khác. Hơn nữa, do có sự tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, nhà cung cấp có thể thu thập thông tin nhanh hơn và ít tốn kém hơn các định chế tài chính. Các thông tin về người mua xuất hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh: Hành động của người mua biểu lộ trực tiếp thông tin về tình trạng tài chính của họ tới người bán. Trong công trình nghiên cứu của Peterson và Rajan (1997), Burkart và Ellingsen (2004), Danielson và Scott (2004), các tác giả có đề cập đến ý kiến của Smith (1987) cho rằng, tín dụng thương mại được xem là phương thức hợp đồng để đối phó với thông tin không cân xứng ở thị trường hàng hoá trung gian.
- Về lợi thế điều khiển người mua: Nếu hàng hoá được cung cấp bởi một người cung cấp độc quyền và tỷ trọng giá trị hàng hóa cung cấp cho người mua trong tổng doanh số của người bán không đáng kể, người cung cấp có thể đe dọa ngừng cung cấp khi khách hàng có hành vi sai hẹn. Ở trường hợp này người cung cấp (người bán) có được lợi thế điều khiển người mua (Peterson and Rajan, 1997).
- Về lợi thế thu hồi tài sản: Người cung cấp có khả năng thu hồi hàng hóa đã được cung cấp trong trường hợp người mua bị phá sản. Lợi thế này phổ biến ở mọi lĩnh vực và mọi hàng hoá. Nhà cung cấp còn có lợi thế hơn hơn hẳn các tổ chức tín dụng ở chỗ: Khối lượng hàng bán càng lớn thì càng ít hàng hoá bị sử dụng sai mục đích và do đó, khả năng thu hồi cao hơn nếu khách hàng sai hẹn hay bị phá sản (Peterson and Rajan, 1997).
Lý thuyết phương tiện phân định giá:
Trong công trình nghiên cứu của Peterson và Rajan (1997), tác giả có đề cập đến ý kiến của Schwart và Whitcomb (1978) cho rằng, tín dụng thương mại được sử dụng khi việc phân định giá công khai không được luật pháp cho phép. Trong công trình nghiên cứu của Danielson và Scott (2004), tác giả có đề cập đến ý kiến của Brennan (1988) rằng: Một người độc quyền có thể sử dụng các điều khoản tín dụng để phân định giá cả giữa các khách hàng mua chịu và trả tiền mặt bằng cách ấn định các điều khoản tín dụng hấp dẫn thanh toán chậm nhưng không quá trễ. Mô hình này cũng được duy trì trong trường hợp cung ở thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Người cung cấp có thể sử dụng tín dụng thương mại như một phương thức tài trợ cho những khách hàng không vay được vốn từ các định chế tài chính.
Tín dụng thương mại làm giảm chi phí đáng kể đối với những người đi vay có chất lượng thấp, bởi vì các điều khoản thường độc lập với chất lượng của khách hàng - ngược lại với tín dụng ngân hàng. Lãi suất sau đó thường phản ánh tất cả các đặc tính rủi ro của người mua. Những khách hàng có nhiều rủi ro sẽ ưa chuộng tín dụng thương mại hơn các nguồn tài trợ khác (Atanasova, 2007). Danielson và Scott (2004) cũng đã xây dựng một mô hình tín dụng thương mại và kết luận rằng các DN khó khăn về tín dụng ngân hàng và sử dụng tín dụng thương mại nhiều hơn.
Lý thuyết về chi phí giao dịch:
Lý thuyết này được xây dựng bởi Schwart (1974) và Ferris phát triển (1981). Lý thuyết này lập luận rằng tín dụng thương mại có thể làm giảm chi phí giao dịch, vì khách hàng không phải thanh toán bằng tiền mặt cho mỗi lần cung cấp mà họ có thể dồn tích nghĩa vụ thanh toán để hoàn trả sau đó theo định kỳ, do đó, giảm được chi phí giao dịch. Hơn nữa, nếu nhu cầu các yếu tố đầu vào của một doanh nghiệp (DN) có tính thời vụ cao, DN buộc phải dự trữ nhiều hàng tồn kho để đảm bảo cho quá trình sản xuất được liên tục, làm tăng chi phí dự trữ và chi phí sản xuất trong khi thu nhập bị chậm trễ. Bằng cung ứng tín dụng thương mại, người cung cấp có thể kích thích khách hàng mua sớm hơn hoặc thường xuyên hơn, bởi vì họ có thể quản lý tình trạng hàng tồn kho tốt hơn, không những giảm sức ép về nhu cầu tài trợ vốn mà còn giảm được chi phí giao dịch (Peterson and Rajan, 1997; Burkart and Ellingsen, 2004; Danielson and Scott, 2004).
Tóm lại, những lý thuyết trên đã chứng tỏ tín dụng thương mại không chỉ là phương thức tài trợ tín dụng hiệu quả của nhà cung cấp, mà còn là nguồn tín dụng cần thiết của DN; là nguồn tín dụng bổ sung phổ biến; là bộ phận nguồn vốn tín dụng quan trọng của DN ở mọi quy mô và ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn
Tín dụng thương mại từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thực tiễn. Điển hình như: Sử dụng thông tin từ 655 DN được khảo sát bằng thư điện tử ở nước Anh, Wilson và Summer (2002) nghiên cứu về nhu cầu tín dụng thương mại của các DN cùng sản xuất một loại sản phẩm chính. Tác giả cho biết, sử dụng tín dụng thương mại là phổ biến và thường được chấp nhận là một lựa chọn tài trợ ngắn hạn quan trọng. Với giả định lượng cầu tín dụng thương mại được thể hiện bằng tỷ lệ khoản phải trả (mua chịu)/tổng giá trị tài sản của DN và là hàm số của chi phí giao dịch và các phương thức tài trợ. Kết quả phân tích hồi quy Tobit cho biết nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng thương mại DN. Các yếu tố tác động thuận: Rủi ro hoạt động, được quản lý bởi chủ sở hữu, tỷ lệ hàng tồn kho/ tổng tài sản, luân chuyển hàng tồn kho, mức độ bị giới hạn tín dụng ngân hàng, mức độ ưu đãi của người cung cấp, số người cung cấp và doanh thu của DN. Các yếu tố tác động nghịch: Số năm kinh doanh sản phẩm chính. Summer và Wilson kết luận rằng nhu cầu tín dụng thương mại chịu tác động bởi: Chi phí giao dịch, quy mô sản xuất, chi phí đầu tư, phương thức tài trợ và hoạt động của DN cũng như hoạt động marketing của của nhà cung cấp.
Nghiên cứu của tác giả cho biết, có gần 55% trang trại có sử dụng tín dụng thương mại. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sử dụng tín dụng thương mại gồm: Tỷ lệ nợ phải trả/tài sản, giới hạn tín dụng ngân hàng, lợi nhuận và địa bàn hoạt động…
Khi nghiên cứu về tín dụng thương mại của DN ở các nước đang phát triển (Balan và Hungari), Hammes (2003) đã chứng minh giả thuyết: Có mối tương quan thuận chặt chẽ giữa tín dụng thương mại và tín dụng ngân hàng ở cả hai quốc gia được nghiên cứu. Bằng phân tích hồi quy tuyến tính đa biến, Hammes chứng minh nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quy mô (giá trị) tín dụng thương mại của các DN. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có ý nghĩa của các yếu tố không giống nhau giữa 2 quốc gia. Quy mô tín dụng thương mại của các DN ở Hungari chịu tác động (ở mức có ý nghĩa) bởi nhiều yếu tố, các yếu tố tác động thuận: Quy mô DN, tài sản cố định, nợ ngân hàng; Các yếu tố tác động nghịch: Thu nhập giữ lại, tuổi (số năm hoạt động) của DN. Trái lại, giá trị tín dụng thương mại của các DN ở Balan chỉ bị tác động (ở mức có ý nghĩa) chủ yếu bởi nợ vay ngân hàng, hơn nữa nhiều yếu tố có ảnh hưởng ngược chiều với trường hợp của Hungari.
Sử dụng dữ liệu từ khảo sát toàn quốc về tài chính của các DN nhỏ ở Hoa Kỳ năm 1998, Alphonso và cộng sự (2004) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới mức độ sử dụng tín dụng thương mại của các DN. Mức độ sử dụng tín dụng thương mại được đo lường bằng tỷ số khoản phải trả (mua chịu)/tổng giá trị tài sản. Kết quả hồi quy 2SLS cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mức độ sử dụng tín dụng thương mại của DN nhỏ. Tỷ lệ vay ngân hàng và hạn mức tín dụng/ tổng tài sản cũng như giá trị sổ sách của tài sản và thời gian hoạt động của DN bình phương có tác động nghịch. Trong khi, thu nhập, tỷ số khả năng thanh toán hiện thời và tỷ lệ vốn đầu tư của chủ sở hữu có tác động thuận.
Khi nghiên cứu về cung - cầu tín dụng thương mại của DN nông nghiệp ở Hoa Kỳ, Gustafson (2004) cho rằng tín dụng thương mại không chỉ là nguồn tín dụng ngắn hạn chủ yếu trong kinh doanh nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển mà còn là một nguồn tài trợ quan trọng ở cả các quốc gia phát triển. Từ kết quả phân tích hồi quy OLS mô hình nhu cầu vốn, Gustafson chỉ ra nhu cầu tín dụng thương mại của DN nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh là các yếu tố có tác động thuận, trong khi giá trị tài sản thế chấp, nợ vay ngân hàng và thu nhập khác có tác động nghịch tới nhu cầu tín dụng thương mại trong kinh doanh nông nghiệp. Giá trị của tài sản có ảnh hưởng nhưng chưa ở mức có ý nghĩa tới nhu cầu vốn tín dụng thương mại trong sản xuất của các DN nông nghiệp.
Sử dụng dữ liệu khảo sát về DN nhỏ (bao gồm DN nông nghiệp), ngân hàng và tín dụng năm 1995, Danielson và Scott (2004) phân tích về mối quan hệ giữa khả năng vay vốn ngân hàng và nhu cầu tín dụng thương mại của các DN nhỏ ở Hoa Kỳ. Tác giả cho biết có mối tương quan chặt chẽ giữa khả năng vay vốn ngân hàng với nhu cầu tín dụng thương mại và kết luận rằng các DN bị giới hạn tín dụng ngân hàng có nhu cầu sử dụng tín dụng thương mại nhiều hơn. Nhu cầu tín dụng thương mại được thể hiện bằng mức độ quan trọng (nhất, nhì) so với các nguồn tín dụng khác. Bằng phân tích hồi quy Probit nhị phân, Danielson và Scott chứng minh có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng thương mại của DN nhỏ: Giới hạn tín dụng ngân hàng có tác động thuận, trong khi không có chiết khấu do thanh toán sớm có tác động nghịch. Kết quả hồi quy cũng cho biết nhu cầu tín dụng thương mại của DN nông nghiệp thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Như vậy, nghiên cứu thực tiễn về tín dụng thương mại của các DN sản xuất kinh doanh đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới với mọi quy mô trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vậy nhưng, ở Việt Nam, những công bố nghiên cứu thực tiễn về hình thức này đến nay vẫn còn ít. Một trong những công bố có thể kể tới như: Từ giác độ xác nhận trang trại là một loại hình DN nông nghiệp, Trần Ái Kết (2007) đã nghiên cứu về tín dụng thương mại của trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu cho biết gần 55% trang trại có sử dụng tín dụng thương mại. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sử dụng tín dụng thương mại và các yếu tố ảnh hưởng tới lượng vốn tín dụng thương mại của trang trại. Để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sử dụng tín dụng thương mại, nghiên cứu sử dụng mô hình Logit. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng sử dụng tín dụng thương mại của trang trại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Tỷ lệ nợ phải trả/tài sản, bị giới hạn tín dụng ngân hàng, được chào hàng (mời mua), quan hệ quen biết, thói quen mua chịu, tiết kiệm, lợi nhuận và địa bàn hoạt động (huyện). Đồng thời, bằng sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến, nghiên cứu chỉ ra các yếu tố tác động thuận và nghịch đến lượng vốn tín dụng thương mại của trang trại. Trong đó, các yếu tố tác động thuận bao gồm: Lợi nhuận, chi phí của trang trại, còn lại các yếu tố: Bị giới hạn tín dụng chính thức, giá trị tài sản, có tiết kiệm và địa bàn hoạt động có tác động nghịch đối với lượng vốn tín dụng thương mại.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn tại các quốc gia phát triển cũng như tại Việt Nam cho thấy, tín dụng thương mại không chỉ là nguồn tín dụng bổ sung phổ biến mà còn là một bộ phận nguồn vốn tín dụng quan trọng của DN ở mọi quy mô và trong nhiều lĩnh vực ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường. Rõ ràng, tín dụng thương mại đối với DN trong nền kinh tế thị trường là sự cần thiết khách quan. Vì vậy, rất cần đến những nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam, có như vậy mới góp phần nhận thức đúng đắn về vai trò của tín dụng thương mại đối với DN trong nền kinh tế thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Ái Kết, 2007, “Các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của các trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Trà Vinh”, Tạp chí Khoa học và Phát triển, số 2, trang 16-19;
2. Alphonse, P., Ducret, J., and E. Severin, 2004, “When Trade Credit Facilitates Access to Bank Finance: Evidence from US Small Business Data,” University of Lille Working Paper;
3. Atanasova, C., 2007, “Access to Institutional Finance and the Use of Trade Credit”, Financial Management, 36(1), 49-67;
4. Danielson, M. G., và Scott, J. A., 2004, “Bank loan availability and trade credit demand”, The Financial Review, 39(4), 579-600.
Vai trò tín dụng thương mại của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thị trường
(Tài chính) Vai trò tín dụng thương mại của doanh nghiệp từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam đến nay vẫn còn khá mới mẻ. Trên cơ sở phân tích lý luận, bài viết đưa ra “bức tranh” tổng thể về vai trò tín dụng thương mại của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Xem thêm