Vẫn phải chịu chết lâm sàng

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Đã có những hồ sơ xin giải thể công ty chứng khoán (CTCK) được nộp lên cơ quan quản lý nhà nước, nhưng để được “chết” không phải dễ như nhiều người tưởng.

Vẫn phải chịu chết lâm sàng
CTCK Âu Việt đã cắt giảm nhân sự gần hết và đang làm thủ tục giải thể công ty. Nguồn: internet
Chưa có tiền lệ

Quyết định giải thể CTCK Chợ Lớn (CLS) đã được công bố theo Nghị quyết Đại hội cổ đông vào cuối tháng 3 vừa qua. Nghị quyết này ghi rõ, công ty sẽ có 6 tháng để thanh lý hợp đồng và các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ về thuế, trợ cấp cho người lao động…

Ông Nguyễn Văn Liệt, Tổng Giám đốc CLS cho biết, hiện nhân sự của công ty còn 6 người để lo hoàn tất các thủ tục. Tính đến nay, công ty đã giải quyết xong các vấn đề như: quyết toán thuế, giải quyết chế độ lao động cho nhân viên và thanh toán các hợp đồng với khách hàng… Tuy nhiên hiện tại, CLS vẫn vướng về việc còn gần 1.000 tài khoản chưa thể làm thủ tục chuyển sang CTCK khác.

Đây là những tài khoản chỉ còn vài cổ phiếu lẻ nên khách hàng không còn quan tâm nữa, do đó cũng không đến CLS làm thủ tục chuyển sang nơi khác. Việc này khiến cho CLS cũng chưa thể hoàn thành thủ tục chấm dứt tư cách thành viên tại sở giao dịch chứng khoán. Và mọi việc vẫn đang chờ hướng giải quyết của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) trong thời gian tới.

CLS cho biết, số khách hàng còn lại có thể được giải quyết bằng cách đóng gói chuyển sang VSD, sau này các khách hàng có giao dịch thì có thể đến CTCK TP. Hồ Chí Minh để kích hoạt lại tài khoản vì đây là CTCK mà CLS đã chuyển tài khoản khách hàng sang. Còn những cổ phiếu đang có trong tài khoản, khách hàng sẽ được VSD quản lý tập trung.

“Chúng tôi đã nộp hồ sơ giải thể lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đã được chấp thuận về nguyên tắc. Tuy nhiên, phải giải quyết hết các vấn đề nêu trên thì mới hoàn tất được thủ tục. Mà đến giờ đụng đâu cũng phải chờ nên không biết đến khi nào mới thực hiện xong”, ông Nguyễn Văn Liệt nói.

Tương tự tại CTCK Âu Việt (AVS), Đại hội cổ đông cũng đã thông qua phương án giải thể, nhưng mọi việc diễn ra khá chậm chạp. Trên thực tế, công ty này đã ngưng hoạt động dịch vụ môi giới gần cả năm nay, nhưng gần đây mới có quyết định chính thức rút dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVS cũng cho biết, vẫn còn các thủ tục liên quan đến VSD là chưa xong. Hiện nay, công ty này cũng chỉ duy trì nhân sự dưới 10 người để thực hiện các thủ tục này và hy vọng đến cuối năm nay sẽ hoàn tất.

Càng chậm càng lỗ

Bản thân các CTCK lẫn cơ quan quản lý Nhà nước đều cho rằng, mặc dù chưa có tiền lệ cho việc giải thể các CTCK, nhưng nếu phải chờ đến khi có văn bản pháp luật qui định thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều phía có liên quan. Bởi khi chưa xong, các CTCK như CLS và AVS vẫn phải duy trì bộ máy nhân sự. Cùng với chi phí duy trì hệ thống, chi phí đóng cho VSD và sở giao dịch chứng khoán… tính ra mỗi tháng, các CTCK này vẫn phải chi ra hơn 100 triệu đồng, thậm chí lên đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, công ty không có doanh thu do đã ngừng mọi hoạt động.

Bản thân CLS tính đến hết năm 2012 có lỗ lũy kế gần 50 tỉ đồng, tiền mặt không còn nhiều, giá trị tài sản cũng giảm mạnh. AVS cũng có mức lỗ lũy kế gần 150 tỉ đồng và cổ phiếu đã hủy niêm yết, giá chỉ còn bằng 2/10 so với lúc thành lập.

Theo ông Nguyễn Văn Liệt, trước đây các cổ đông của công ty liên tục gọi điện chất vấn về việc khi nào họ mới nhận lại được tiền của mình khiến ban lãnh đạo gặp nhiều áp lực. Gần đây, công ty đã tạm ứng cho cổ đông 4.500 đồng/cổ phần nên áp lực này đã giảm bớt. Còn việc thanh lý tài sản, thu hồi tiền ký quỹ… thì chưa biết khi nào mới hoàn tất được các thủ tục để thanh toán tiền cho cổ đông. Dĩ nhiên càng để lâu cổ đông càng bị thiệt hại.

Ông Đoàn Đức Vịnh cho hay, bản thân các cổ đông sáng lập công ty đã khá mệt mỏi và không còn hào hứng theo đuổi lĩnh vực kinh doanh chứng khoán nữa. Vì vậy, được giải thể càng sớm thì những cá nhân này càng có thời gian tập trung tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.

Không chỉ CLS và AVS đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin giải thể, trên thị trường hiện có hàng loạt công ty khác không còn hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc các CTCK đã “chết lâm sàng”, nhất là những công ty đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán hay bị tạm ngừng hoạt động như CTCK Đông Dương, CTCK Sao Việt, CTCK Hà Nội, CTCK SME, CTCK Trường Sơn…

Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thủ tục pháp lý để các doanh nghiệp (DN) bình thường phá sản hay giải thể hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Vì vậy, đối với trường hợp chưa có tiền lệ như các CTCK thì quá trình này còn diễn ra chậm chạp là điều dễ hiểu. Nhưng nếu đợi đến khi hoàn chỉnh thể chế thì quá lâu và làm thiệt hại cho DN nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

“Đây là một thành phần của quản trị khủng hoảng nên cần có giải pháp kịp thời. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có những chỉ đạo thích hợp để gỡ vướng cho DN. Việc giải thể hay phá sản là bình thường trong hoạt động DN. Sau khi phá sản, DN có thể tìm được những cơ hội mới để hồi sinh, còn hơn là cứ ngắc ngoải trong cái xác như vậy”, TS. Lê Thẩm Dương nói.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, với qui mô của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay thì chỉ khoảng 20-30 CTCK là sống được. Như vậy chắc chắn trong tổng số 106 CTCK còn lại đã được cấp phép sẽ có thêm những đơn vị khác xin giải thể hay phá sản khi không trụ nổi trong thời gian tới. Vì vậy việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan là rất cần thiết.