Vàng giảm giá nhẹ, xu hướng cả năm thế nào?
Thị trường vàng trong ngày Thần Tài (10 Tết Âm lịch) năm nay kém sôi động so với những năm trước đó, song giá vàng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Có ý kiến cho rằng, giá vàng trong năm 2020 có thể tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ biến động địa chính trị trên thế giới trong khi các kênh đầu tư khác đang có xu hướng kém hấp dẫn.
Mở cửa giao dịch ngày 3/2, giá vàng SJC mua vào - bán ra tại các cửa hàng vàng ở TP. Hà Nội phổ biến ở mức 44,3 - 44,9 triệu đồng/lượng. Trong phiên giao dịch sáng, giá vàng có lúc tăng lên mức 44,6 - 45,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng giảm dần trong phiên giao dịch buổi chiều, giao dịch ở mức 43,6 - 44,6 triệu đồng/lượng tại thời điểm 16 giờ, giảm khoảng 150.000 đồng/lượng so với đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Cùng thời điểm, giá vàng trên sàn giao dịch vàng thế giới (Kitco) ở mức 1577,9 USD/oz, giảm khoảng 10 USD/oz so với đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Dù đã giảm giá so với phiên giao dịch cuối tuần trước song giá vàng trong nước vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 700 nghìn đồng/lượng.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, số lượng người đến mua vàng tại các cửa hàng cũng giảm so với năm trước đó. Một số cửa hàng vàng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn có tình trạng xếp hàng lấy phiếu để mua vàng từ sáng sớm, trong khi đó, những cửa hàng vàng ở phố Cầu Giấy lác đác người đến mua bán.
Bình luận về xu hướng giao dịch trên thị trường vàng, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là tình hình dịch viêm phổi Corona khiến người dân ngại giao dịch, song giá vàng vẫn ở mức tương đối cao và tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích về các yếu tố tác động đến thị trường vàng trong quý I và cả năm 2020, ông Hải cho rằng có các yếu tố đẩy giá lên và cả các yếu tố kiềm giữ giá.
Thị trường vàng trong nước sẽ biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới nên nhiều khả năng cũng sẽ tăng.
Trong đó, quan trọng nhất là các lực đẩy từ diễn biến địa chính trị bất lợi bởi xung đột giữa Mỹ và các quốc gia khác là Iran, Palestine và Triều Tiên. Về thương mại quốc tế, căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết triệt để cũng góp phần đẩy giá vàng tăng trong thời gian qua và thời gian tới. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế cũng có thể khiến giá vàng được đẩy lên.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh viêm phổi Corona diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các nền kinh tế khác. Trước các khó khăn đó, nhiều quốc gia có thể sẽ áp dụng các chính sách kích thích kinh tế bằng cách tăng cung tiền hoặc cắt giảm thuế, điều này cũng có thể khiến giá vàng tăng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, năm 2020 sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, do đó nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ không muốn đẩy các bất ổn địa chính trị lên mức quá căng thẳng. “Có ý kiến dự báo là giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.000 USD/oz nhưng tôi cho rằng giá vàng chỉ dao động cao nhất ở mức 1.700 USD/oz bởi vẫn còn một số yếu tố kéo giá vàng xuống”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường vàng trong nước sẽ biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới nên nhiều khả năng cũng sẽ tăng. “Bên cạnh đó, vàng có thể trở thành kênh đầu tư được tính đến trong năm 2020 khi thị trường chứng khoán có xu hướng giảm giá trong những ngày đầu năm, thị trường bất động sản đang chịu một số tác động bất lợi từ chủ trương thắt chặt tín dụng và nỗi lo condotel vẫn ám ảnh nhiều người”, ông Hải nhận xét.