Vàng lậu nguy cơ tái xuất vì nhẫn tròn trơn

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Trong khi giao dịch vàng miếng èo uột, doanh số bán nhẫn tròn trơn bỗng tăng mạnh, đồng thời tỉ giá tự do nóng lên, khiến không ít người nghĩ tới khả năng nhập lậu vàng lại tái diễn sau nhiều tháng yên ắng.

 Vàng lậu nguy cơ tái xuất vì nhẫn tròn trơn
Doanh số bán nhẫn tròn trơn bỗng nhiên tăng mạnh. Nguồn: internet
Giá USD chợ đen bắt đầu tăng nóng từ tuần đầu tháng và kết thúc vào giữa tuần qua. Trong thời gian này, doanh số bán vàng nhẫn tròn trơn - lựa chọn thay thế vàng miếng dành cho các nhà đầu tư vốn nhỏ, cũng tăng mạnh.
 
Diễn biến này đáng chú ý bởi trên thị trường vàng miếng giao dịch giảm mạnh, những hệ thống trước đây mua bán hàng nghìn lượng mỗi ngày thì nay chỉ còn vài trăm. Nhiều nhà kinh doanh chấp nhận lỗ, niêm yết giá mua vào sát với giá bán ra (chỉ còn vài chục ngàn thay vì trên dưới 200.000 đồng một lượng trước đây) để kích thích giao dịch nhưng vẫn vắng bóng khách.

Ngân hàng Nhà nước mỗi tuần chỉ tổ chức một phiên bán vàng cung ứng cho các đầu mối kinh doanh, mỗi phiên 15.000 lượng nhưng hầu như phiên nào cũng thừa hàng.
 
Chị Thanh Hà (Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) thường có thói quen mua vàng nữ trang ở tiệm gần nhà. Tuy nhiên, chị cho biết cứ mỗi lần về quê, muốn bán vàng lấy tiền thì ngay lập tức bị ép giá vài trăm ngàn đồng.

Nguyên nhân cũng vì chất lượng nữ trang mỗi nơi một khác, nên mua đâu phải bán đó thì mới đúng giá. Câu chuyện của chị Hà cũng phản ánh rõ thực trạng kinh doanh vàng trang sức hiện nay ở Việt Nam.
 
Lý giải cho việc ấm lên của phân khúc vàng nhẫn, các doanh nghiệp cho rằng sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu tích trữ nhỏ lẻ.
 
"Mua vàng nhẫn là nhu cầu có thật của người dân. Đặc biệt ở các tỉnh thành, người ta không có điều kiện mua vàng miếng thì nhẫn tròn trơn là một lựa chọn" - lãnh đạo một doanh nghiệp nữ trang lớn tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ. Mặt khác, vị lãnh đạo này cho rằng do giá thành rẻ hơn vàng miếng cùng loại nên sản phẩm này cũng được nhiều người ưa chuộng.
 
Nhu cầu vàng nhẫn gia tăng dường như cũng là điều các doanh nghiệp mong muốn và chuẩn bị cho nó từ rất lâu. Khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực (25-5-2012), vàng miếng đã cơ bản được siết chặt, còn nữ trang gần như chưa có sự thay đổi nào. Không còn được sản xuất vàng miếng, kinh doanh thì khó khăn, nhiều doanh nghiệp lại tìm cửa khác cho kinh doanh vàng 99,99, đó là vàng nhẫn tròn trơn ép vỉ.
 
Một đầu mối chuyên sản xuất và kinh doanh vàng miếng quy mô lớn trước đây, giờ cũng tìm cách đẩy mạnh mảng nhẫn tròn trơn. Biết mình nhập cuộc muộn hơn cả năm trời so với các đơn vị khác, lãnh đạo công ty vẫn tin còn rất nhiều cơ hội.
 
"Sản xuất vàng nhẫn đơn giản, nguồn nguyên liệu mua dễ dàng không cứ gì phải chờ được nhập khẩu. Thu mua từ vàng khai khoáng trong nước, mua các nguồn, thậm chí là vàng trôi nổi, miễn đảm bảo chất lượng" - vị lãnh đạo này nói. Công ty đã làm vàng nhẫn tròn trơn từ lâu, trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu cưới hỏi. Sắp tới công ty sẽ thiết kế lại bao bì và ép vỉ, để phục vụ nhu cầu mua đầu tư, tích trữ.
 
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại nếu phân khúc vàng nhẫn tròn trơn ép vỉ ngày càng sôi động. Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, để quản lý thị trường vàng một cách nghiêm túc và thống nhất thì phải kiểm soát cả hiện tượng biến tướng vàng miếng thành nữ trang nhẫn tròn trơn 99,99. Ông Ánh khẳng định đó không phải nữ trang và đang được xem như một loại tiền tệ nhưng lại "đội lốt" hàng hóa.
 
"Vàng miếng thì bị quản lý chặt, trong khi nhẫn ép vỉ lại được lưu thông thoải mái và đang được coi như một loại tiền tệ. Để như vậy không được" - ông Ánh nói.
 
Mặt khác, việc mua bán, sản xuất vàng nữ trang, vàng nhẫn đang khá tự do nên ông Ánh lo ngại sẽ diễn ra tình trạng nhập vàng lậu. "Không loại trừ khả năng nguồn của loại vàng nhẫn đó là không chính thức và có thể là một kênh để nuôi dưỡng cho nhập lậu vàng" - ông Vũ Đình Ánh nói.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu vàng để sản xuất nữ trang vẫn đang bị siết thì phần lớn các doanh nghiệp lớn, nhỏ đều phải tự tìm kiếm nguồn vàng mua lại trong dân, thậm chí là các nguồn vàng trôi nổi từ nhập lậu... để đáp ứng việc sản xuất nữ trang.
 
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung chỉ ra thực trạng rằng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cũng như khách hàng không quá quan tâm đến nguồn gốc vàng mà chỉ để ý tới tuổi vàng sau khi phân kim và chế tác thành sản phẩm. Vàng nhập lậu về có thể được doanh nghiệp đóng dấu, dát thành miếng mỏng, hoặc làm vàng nhẫn, nữ trang để bán ra thị trường dưới thương hiệu của doanh nghiệp đó. Giá những loại vàng này thấp hơn so với vàng miếng SJC nhưng với mức chênh lệch hiện tại, kinh doanh vàng lậu vẫn đảm bảo có lãi cao.
 
Trên thực tế, hiện tượng nhập lậu vàng đang có xu hướng quay trở lại. Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, thời gian qua, phía quản lý thị trường đã cho biết phát hiện nhiều vụ nhập lậu vàng từ biên giới qua các tỉnh miền Tây, nhất là ở Châu Đốc, An Giang. Sau đó, họ đem số vàng này tiêu thụ vào TP. Hồ Chí Minh.
 
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với công an để điều tra, ngăn chặn. Mặt khác, cơ quan này đã báo cáo với Ngân hàng trung ương về thực trạng trên.
 
Riêng vấn đề vàng nhẫn tròn trơn ép vỉ, vị quan chức trên cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ. Đến tháng 6 năm sau, khi Thông tư 22 có hiệu lực sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý chặt thị trường nữ trang, cũng như hạn chế những kẽ hở mà doanh nghiệp tìm cách lách.
 
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nữ trang nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Thông tư 22 đã được ban hành nhưng vẫn phải chờ Bộ tài chính đưa ra chính sách thuế hợp lý về khuyến khích xuất khẩu nữ trang cũng như thúc đẩy tiêu thụ nội địa mới quyết định cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
 

Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành và chính thức có hiệu lực vào 1-6-2014 được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay.
 
Đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, việc ban hành và thực thi thông tư này có thể thanh lọc các điểm kinh doanh không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường sản phẩm, cũng như không tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố chất lượng, hàm lượng.
 
Về phía các doanh nghiệp nữ trang lớn, hầu hết đều than phiền rằng việc siết nguồn nguyên liệu trong thời gian qua khiến họ khó khăn trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp nữ trang quy mô lớn cho rằng, có thể nhà quản lý nhận thấy nhiều đơn vị sản xuất vàng nhẫn để lách quy định vàng miếng nên mới siết chặt như thế.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp nữ trang tại TP. Hồ Chí Minh, việc sản xuất vàng trang sức hay vàng nhẫn tròn trơn tại các đơn vị lớn đều được thể hiện rõ ràng trên tất cả các hoá đơn, chứng từ nên Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát được. Vì vậy, không thể nói rằng siết chặt nguồn vàng nguyên liệu là nhằm hạn chế tình trạng sản xuất vàng nhẫn trơn thay thế vàng miếng.