Vàng và chính sách tiền tệ: Vài vấn đề tồn đọng

TS. Phạm Đỗ Chí (Sài Gòn Tiếp thị)

Vì vàng thường được coi như có mặt trong khối tiền tệ cùng với tiền VND (với giá trị được ước lượng độ 30 – 40 tỉ USD) và khối ngoại tệ (đôla Mỹ) lưu hành ước lượng độ 10 – 15 tỉ USD, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ ở xứ ta trở thành phức tạp, có một không hai trên thế giới, do không thể điều tiết được khối tiền tệ lưu hành theo định nghĩa thông thường chỉ gồm tiền VND.

Vàng và chính sách tiền tệ: Vài vấn đề tồn đọng
Khoảng cách của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng được giải thích một phần là do cung chưa đáp ứng đủ cầu, do vàng SJC – thương hiệu vàng miếng mà NHNN công bố sẽ dành độc quyền – chưa gia công kịp so với nhu cầu hiện có của thị trường

Đối với Việt Nam, vàng lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong khối đông dân chúng vì là phương tiện “trú ẩn tài chính” quan trọng phòng chống lạm phát, mà còn là phương tiện thanh toán và giao dịch tài chính cho các khoản thanh toán lớn hàng ngày như mua nhà đất hay ngay cả xe cộ...

Vì những lý do ấy, công tác nghiên cứu điều hành chính sách tiền tệ ở ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải bao gồm cả việc theo dõi thường xuyên biến động của giá vàng thế giới và trong nước để theo dõi vài vấn đề chính sách có liên quan sẽ được đề cập trong bài.

Có hai vấn đề chính cần chú ý:

1. Cần phải có ngay sự liên thông giữa giá vàng trong nước và quốc tế

Sự liên thông này thể hiện rõ khi tháng 8.2012 vàng thế giới tăng 4,5% thì vàng trong nước tăng vọt trên 48 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 10.2012 và hiện ở mức trên 47 triệu đồng. Tính tới thời gian này, giá vàng trong nước đã có lúc cao hơn giá vàng thế giới tới mức kỷ lục gần 4 triệu đồng/lượng.

Giới quan sát khá thắc mắc vì lần này giá vàng lên không phải do cảnh dân chúng xếp hàng mua vàng như các dịp trước đây. Lý do chính gây “cơn sốt vàng” trong hai tháng 8 – 9.2012 là do các ngân hàng trong nhóm G-5 được NHNN cho phép “độc quyền” bán vàng (nhất là từ cuối năm 2011 đến tháng 5.2012) đã bán ra một lượng vàng (huy động trước đó) khá lớn khiến nhóm này ở trong tình trạng âm quá mức cho phép (âm 20%), nhiều ngân hàng thậm chí đã bán vàng đến mức âm 35 – 40%, thậm chí là 50%.

Có hai lý do chính giải thích tình trạng này. Một, nhóm ngân hàng trên sau khi huy động được số vàng lớn, gần như được khuyến khích bởi chính sách bỏ ngỏ của NHNN đem ra bán vàng vật chất (với lãi suất huy động thấp) và cho vay tiền đồng (với lãi suất cao) để giải quyết vấn đề căng thẳng thanh khoản tiền đồng lúc đó (lãi suất trong thị trường liên ngân hàng khi ấy có lúc lên tới trên 30%). Hai, dự báo sai về biến động của giá vàng: việc bán ra trái phiếu tạm thời của FED trong vài tháng đầu năm 2012 gây ra dự đoán sai (vàng sẽ bị FED đánh xuống) ngay trong giới buôn bán vàng quốc tế. Vài ngân hàng ở Việt Nam và ngay cả NHNN (qua một lời tuyên bố dự báo giá vàng sẽ giảm) cũng dự đoán giá vàng sẽ đổ dốc và như vậy huy động vàng trong dân để bán ở giá lúc đang cao và sau này mua lại lúc giá thấp hơn nhiều là việc cần làm. Dự đoán “hấp dẫn” này đã sai nghiêm trọng đến nỗi vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng còn đem bán khống cả một số lượng vàng lớn và gây ra các thua lỗ lớn sau này, lúc vàng vượt trở lại mức trên 1.700 USD/ounce.

Tóm lại, việc bán vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM) lúc đó với sự khuyến khích gián tiếp của NHNN để giải quyết khó khăn thanh khoản tiền đồng đã đưa đến khó khăn thanh khoản vàng trong vài tháng sau này, nói chung là vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được giải quyết.

Mặt khác, khoảng cách của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng được giải thích một phần là do cung chưa đáp ứng đủ cầu, do vàng SJC – thương hiệu vàng miếng mà NHNN công bố sẽ dành độc quyền – chưa gia công kịp so với nhu cầu hiện có của thị trường.

Một nghịch lý khiến giới quan sát khó đưa ra dự báo tiếp theo cho giá vàng trong nước là nhiều doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác với SJC chưa kịp chuyển đổi đang “tồn kho” hàng ngàn lượng vàng nhưng chưa được cấp phép gia công chuyển đổi. Đây là kết quả trực tiếp của những biện pháp quản lý thị trường vàng do NHNN ban hành từ vài tháng qua, nhất là việc cho độc quyền vàng miếng SJC (mới đây lại được chính thống đốc cải chính là do hiểu lầm vì thông tin thiếu minh bạch!)

2. Tránh sử dụng cơ quan nhà nước vào việc huy động vàng trong dân

Từ ngày 25.11.2012, các NHTM sẽ phải ngưng việc huy động và cho vay vàng, chỉ tham dự vào việc “mua – bán vàng” dưới sự quản lý của NHNN (riêng thời gian đáo hạn chứng chỉ huy động vàng ngắn hạn được lùi đến 30.6.2013); NHNN sẽ đóng vai trò “nhạc trưởng” để “huy động vàng trong dân”. Đấy là những tuyên bố được nhắc đi nhắc lại về chính sách quản lý vàng trong tương lai của NHNN.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu về việc người dân có thói quen giữ vàng và lượng vàng được lưu giữ trong dân đạt tới hàng trăm tấn. Có người đưa ra thống kê ước lượng con số đó khoảng 400 tấn(*). Nguồn lực đó rõ ràng rất lớn nhưng không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động bởi huy động là một câu chuyện hoàn toàn khác, nhất là qua hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hỗn loạn và tràn đầy “rủi ro đạo đức” của hệ thống này hiện nay.

Chuyện huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN càng đáng e ngại hơn cũng bởi những lý do nêu trên, dù các cách thức có thể đã được NHNN tính toán cụ thể.

Câu hỏi gốc, cuối cùng vẫn là làm thế nào để bảo đảm được an toàn lượng tài sản khổng lồ ấy của dân, của nước?

Trong lịch sử tài chính thế giới, ít quốc gia nào dám… đụng tới vàng. Nói cách khác rõ hơn thì rất ít chính phủ hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng của dân. FED của Mỹ cũng chọn đứng ra ngoài thị trường phức tạp này dù vàng đã là căn bản của chế độ kim bản vị của thế giới trong nhiều thế kỷ.

Nhiều chuyên gia phân tích và đưa ra dự báo về diễn biến giá vàng thời gian tới đã sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động giá vàng thế giới để bảo hiểm. NHNN, một khi định áp dụng đề án đã được Chính phủ cho phép, liệu sẽ có các dự báo để bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng?

Với các tổ chức, định chế tư nhân, nếu theo cơ chế thị trường thì việc họ vay mượn, huy động vàng của người dân trên cơ sở thoả thuận và tự nguyện như trước đây giữa các bên là chuyện bình thường. Song không nên đụng vào vàng của dân chúng qua luật lệ, qua chuyện NHNN và các ngân hàng quản lý trực tiếp sở hữu vàng của người dân như quy chế mới đang áp dụng, vì sẽ khó tránh rủi ro.