Vay tiêu dùng: Nghĩ càng kỹ, quyết định sẽ càng khôn ngoan

PV.

“Có vay, ắt phải có trả”, người tiêu dùng khi đã được đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, thì cũng cần phải “có trách nhiệm” khi công ty tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ cho vay.

Với thủ tục đơn giản, thời gian hoàn thành hợp đồng và chấp nhận khoản vay nhanh chóng, vay tiêu dùng đã tạo cơ hội cho người dân mua sắm, kích cầu tiêu dùng phát triển, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng sự thuận tiện này không ít khách hàng “thiếu trách nhiệm” vội vã vay tiêu dùng, khi chưa tìm hiểu kỹ càng về dịch vụ, để rồi sau đó lại dấy lên những băn khoăn, không hài lòng về các điều khoản nêu trong hợp đồng mà chính họ đã đặt bút ký.

Tại Việt Nam, vay tiêu dùng đang dần trở thành hoạt động cơ bản và thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhất là đối với nhóm những người thu nhập thấp, học sinh sinh viên và người nghèo, còn thiếu hụt về tài chính. Từ mua tivi, tủ lạnh, máy giặt hay mua trả góp điện thoại di động, máy tính bảng… vay tiêu dùng được các đối tượng trên lựa chọn như một nhu cầu tất yếu cho việc “dùng trước, trả sau”.

Tuy nhiên, “có vay, ắt phải có trả”, người tiêu dùng khi đã được đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, thì cũng cần phải “có trách nhiệm” khi công ty tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ cho vay. Đây chính là điều tối quan trọng để gắn kết mối quan hệ giữa bên vay và cho vay, đồng thời, cũng là điều mà tất cả các tổ chức tín dụng và công ty tài chính mong muốn ở người vay.

Đọc kỹ hợp đồng là bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết: “Trách nhiệm khái quát của người dân khi đi vay là cung cấp thông tin đầy đủ, trả nợ đúng hạn và thực hiện đúng các cam kết với tổ chức tài chính. Trách nhiệm này đã được quy định đầy đủ, cụ thể trong Quy chế 1627 và Bộ luật Dân sự (hợp đồng vay tiền)”.

Như vậy, trách nhiệm người đi vay trước tiên cần lưu tâm tới đó là xem kỹ các thông tin về khoản vay, bao gồm: Lãi suất, số tiền cần trả, điều khoản thanh toán trước hạn, phí phạt thanh toán trễ hạn, ngày đến hạn thanh toán, tổng số tiền phải thanh toán cho toàn bộ hợp đồng… Bởi, nghĩ càng kỹ càng, thì người tiêu dùng sẽ có những quyết định khôn ngoan và chắc chắn hơn. Đây cũng chính là bước đầu tiên mà người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình khi tiếp cận dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Quan trọng là vậy nhưng khảo sát cho thấy, hiện nay, vẫn còn không ít người vay tiêu dùng vì mong muốn được vay tiêu dùng đã vội vã ký hợp đồng khi chưa kịp tìm hiểu kỹ càng về dịch vụ vay tiêu dùng và xem xét kỹ khả năng tài chính của mình. Để rồi, đến khi đến hạn trả nợ mới “ngã ngửa” nhận ra rằng, lãi suất vay ở mức tương đối cao và không đủ lực để chi trả mức lãi đó, thì ôi thôi giấy trắng mực đen, hợp đồng cũng đã ký kết!

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nguyên nhân dẫn tới trường hợp trên, phần lớn là do khách hàng vội vã, không đọc kỹ hợp đồng và suy tính kỹ khả năng trả nợ, không thử tính toán số lãi cụ thể, cho dù đã biết số tiền vay và mức lãi suất cụ thể. Tức là người vay đã không định lượng, mà chỉ theo định tính, cảm tính. Đến khi được thông báo số tiền lãi thì lại thấy cao hơn con số mà mình đã nghĩ. Trên thực tế, tất cả đều đã được ghi rõ trên hợp đồng”.

Như vậy, không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình, khi vay người tiêu dùng cũng cần phải có trách nhiệm đối với khoản vay. Nghĩa là, khi tham khảo thông tin về dịch vụ hay đặt bút ký hợp đồng, người tiêu dùng cũng cần phải đọc thật kỹ các điều khoản, từ quyền lợi, trách nhiệm của bên vay và cho vay để chắc chắn là đã hiểu rõ ràng, cụ thể về tất cả mọi vấn đề liên quan đến món vay tiêu dùng này.

Nên vay trong khả năng có thể chi trả

Khả năng tài chính cho khoản vay là điều cần cân nhắc tiếp theo khi người vay đã đọc kỹ hợp đồng. Để đảm bảo thanh toán tiền lãi và gốc mỗi tháng cho khoản vay, người tiêu dùng cũng cần xác định chính xác con số muốn vay, để từ đó nhận định khả năng tài chính của mình. Bởi lẽ, khi chậm trễ trong việc thanh toán thì người tiêu dùng sẽ phải chịu một số mức phí phạt như: Phí phạt trả chậm, chịu mức lãi suất tăng cao hơn hoặc bị giảm điểm số tín dụng và bị liệt vào danh sách “đen”.

Ngoài ra, khi lựa chọn khoản vay, người vay cũng phải đặc biệt chú ý đến lãi suất, cách tính lãi suất và thắc mắc xem có bất kỳ sự thay đổi hay biến động nào trong lãi suất hay không? Người vay cũng cần đọc kỹ và hiểu rõ về các con số để không còn lấn cấn, băn khoăn về các điều khoản trong hợp đồng, thủ tục vay… để đảm bảo quyền lợi tối thiểu nhất của mình. Bởi vì, khi đã đặt bút ký đồng nghĩa với việc người vay đồng ý với tất cả những điều khoảnn ghi trên hợp đồng.

Song song với việc nâng cao “trách nhiệm” của người tiêu dùng thì các công ty tài chính cũng cần nâng cao năng lực của các tư vấn viên để hỗ trợ người tiêu dùng trong thực hiện “trách nhiệm” của mình. Hiện nay, nhiều công ty tài chính đã cam kết đầu tư lâu dài và tự minh bạch cho mình bằng nhiều phương thức.

Ví dụ như xác lập các quy trình, nguyên tắc và chuẩn mực cho mọi nhân viên khi giao dịch với khách hàng hoặc có những chương trình như “Chương trình hủy hợp đồng bằng hoàn trả vốn vay”, cho phép khách hàng hủy hợp đồng vay và chuyển sang hình thức mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đối với các mặt hàng xe gắn máy và hàng tiêu dùng mà không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào.