Vén màn hiệu quả khối VN30
(Tài chính) Đã có 14 doanh nghiệp (DN) thuộc VN30 công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2014.
Nhìn chung, bức tranh tương đối khả quan khi tổng lợi nhuận trước thuế quý vừa qua tăng 22,68% so với cùng kỳ năm trước với 10 DN đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch cả năm.
Về đích sớm
Trong số vừa nói, có 4 DN đã về đích là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), Cao su Miền Nam (CSM), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Hoà Phát (HPG).
Doanh thu thuần của CII trong quý III đạt 217,7 tỷ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng và dịch vụ giảm hơn một nửa, nhưng nhờ có hơn 69 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính nên lãi trước thuế vẫn tăng 44,8% và đạt 105 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận tài chính đến từ các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán và từ chuyển nhượng cổ phần tại CII B&R (LGC).
Tính chung 9 tháng, CII đạt 326,24 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lãi ròng đạt 244,68 tỷ đồng, so với kế hoạch 233,72 tỷ đồng. CII đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư qua các “trò chơi” tài chính và gần đây là kế hoạch 2015 của HĐQT với doanh thu 3.145 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 670 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,09 lần và 2,87 lần so với kế hoạch năm 2014.
VN30 có 2 DN ngành công nghiệp cao su là CSM và Cao su Đà Nẵng (DRC). Kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng do CSM đặt kế hoạch thấp hơn nên đã về đích trước. Cụ thể, luỹ kế 9 tháng, CMS đạt 317,84 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với kế hoạch 300 tỷ đồng; còn DRC đạt xấp xỉ 320 tỷ đồng, so với kế hoạch 425 tỷ đồng lợi nhuận.
Đối với HAG, doanh thu quý III chỉ tương đương với các quý trước, nhưng lợi nhuận chiếm đến 58,5% giai đoạn 9 tháng đầu năm do có một số khoản doanh thu tài chính phát sinh. Theo giải trình, trong quý III, CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh phát hành cổ phần riêng lẻ mang về khoản thặng dư 750 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG còn thu lãi cho vay đối với CTCP Đầu tư bất động sản An Phú với số tiền 115 tỷ đồng. Sau 9 tháng, HAG đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 16%.
VN30 cũng có 2 DN ngành vật liệu xây dựng là HPG và Tôn Hoa Sen (HSG), trong đó HPG đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 21,36%, còn HSG tự ước cả niên độ tài chính vừa qua bắt đầu từ ngày 1/7/2013 và kết thúc vào 30/9/2014 chỉ đạt 68,4% kế hoạch.
HPG khá ấn tượng khi doanh thu quý III tăng 37% so với cùng kỳ và đạt 5.747 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng tăng đến 52% và đạt 18.944 tỷ đồng. Mặc dù giá vốn cũng tăng khá mạnh nhưng tốc độ tăng vẫn chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng lần lượt 102,4% và 90,1% trong quý III và 9 tháng đầu năm.
Các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tài chính tăng chóng mặt, nhưng số tuyệt đối nhỏ hơn nhiều so với phần tăng thêm của doanh thu, nhờ đó lợi nhuận trước thuế của HPG đạt gần 1.025 tỷ đồng trong quý III và hơn 3.182 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng lần lượt 71,36% và 79,83% so với cùng kỳ.
Đối với “cặp” CTCK, HSC đã gần đích, trong khi CTCK Sài Gòn (SSI) dù chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất nhưng dự báo sẽ vượt đích. HSC đã đạt xấp xỉ 410 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, tăng 71% so với cùng kỳ và hoàn thành 93,61% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, SSI đầu năm đưa ra kế hoạch lãi ròng 630 tỷ đồng, nhưng mới đây, căn cứ vào tình hình thị trường và kết quả kinh doanh đến cuối quý III, HĐQT ra nghị quyết “đặt mục tiêu đạt được kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2014 là 1.050 tỷ đồng”.
Ghi chú:
+Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014
+(*): Mức độ hoàn thành kế hoạch năm là lợi nhuận sau thuế
+HSG: Kết quả kinh doanh niên độ tài chính bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/9
Điểm đáng ghi nhận đối với những DN trong VN30 là nỗ lực duy trì lợi nhuận trong tình hình kinh doanh khó khăn.
Trường hợp điển hình là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB). Trong khi rất nhiều ngân hàng khác bị kẹt đầu ra và nợ xấu tăng cao, dẫn đến lợi nhuận suy giảm hoặc còn cách xa kế hoạch đề ra thì STB vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng 13% trong quý III so với 10% trong quý II, nợ xấu chưa đến 1%. Thu nhập từ lãi thuần trong 9 tháng đầu năm đạt 5.311 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.878 tỷ đồng, tăng 13,3%.
Đối với DPM, việc duy trì doanh thu là không dễ khi giá bán phân urê sụt giảm mạnh, từ mức 8.300 đồng/kg xuống còn 7.400 đồng/kg trong vòng một năm qua. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán tăng nhẹ 1,37% và chi phí bán hàng tăng 11,16%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của DPM đã giảm một nửa so với cùng kỳ khi chỉ đạt 938 tỷ đồng nhưng cũng đã hoàn thành gần 80% kế hoạch cả năm.
Nếu không tính 2 DN ngành tài chính là HSC và STB, giá vốn hàng bán của 12 DN còn lại tăng 18,28% trong quý III và 23,42% trong 9 tháng; chi phí bán hàng cũng tăng lần lượt 24,35% và 27,69%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 40,89% và 23,19%. Điều này cho thấy, nỗ lực duy trì lợi nhuận của các DN là rất đáng ghi nhận.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) báo lãi trước thuế hơn 1.723 tỷ đồng trong quý III và hơn 5.436 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, giảm lần lượt 16,2% và 11,9%. Vinamilk cho biết, để cải thiện sức mua và giữ vững thị phần, Công ty đã phải triển khai nhiều hoạt động bán hàng, các chương trình tiếp thị và khuyến mãi, và vì thế đã khiến chi phí tăng lên. Tính chung 9 tháng, lợi nhuận ròng của Vinamilk giảm 14% so với cùng kỳ và hoàn thành 72,19% kế hoạch cả năm.
Nhìn rộng ra cả thị trường, CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa ra báo cáo với nhận định khả quan về kết quả kinh doanh quý III/2014 của các doanh nghiệp trên sàn khi thống kê cho thấy 58% doanh nghiệp có báo cáo tài chính được cập nhật, tức khoảng 270 doanh nghiệp trên tổng số 669 doanh nghiệp trên sàn, có lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế thấp hơn 70% kế hoạch cả năm chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 43%.
VDSC lưu ý, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa nhiều DN lớn, DN đầu ngành công bố kết quả kinh doanh hợp nhất và kỳ vọng “khi bức tranh toàn cảnh lộ diện sẽ ảnh hưởng tích cực đến TTCK đang trong giai đoạn ảm đạm và thiếu yếu tố cơ bản đủ mạnh để thúc đẩy thị trường như hiện nay”.