Vị đắng của casino và những dự án tỷ đô

Theo VietNamNet

Những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng tỷ USD từng là thành tích đáng tự hào của các địa phương nhưng nay lại trở thành cục rối khó gỡ.

Vị đắng của casino và những dự án tỷ đô
Nhiều dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký hàng tỷ USD nhưng không được triển khai theo đúng giấy phép

Xử lý thế nào đối với những dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký hàng tỷ USD nhưng không được triển khai theo đúng giấy phép là bài toán khó cho các địa phương.

Tan vỡ giấc mộng casino

Tháng 3/2013, MGM tuyên bố rút lui khỏi dự án tổ hợp khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm gây xôn xao dư luận bởi MGM chỉ là “nhà quản lý dự án” và không phải là chủ đầu tư nhưng vai trò của họ lại mang tính quyết định.

Gần 5 năm sau ngày được cấp giấy phép, dự án Hồ Tràm đã không đi đúng con đường mà chủ đầu tư dự kiến: Họ sẽ xây dựng các khách sạn trước và chờ đợi một sự “hợp thức hóa” việc cho người Việt vào casino để tiếp tục đầu tư hạng mục này. Nhưng mọi việc không thuận lợi như họ nghĩ, ngay cả khi khách sạn đầu tiên đã hoàn thành, khách sạn thứ hai đã khởi động, chính sách về casino vẫn "nằm im".

MGM rút lui, có lẽ không dễ có đối tác khác vào thay thế nếu như bối cảnh pháp lý vẫn nguyên trạng. Chủ đầu tư dự án Hồ Tràm, công ty ACDL đã phải lên tiếng “trấn an” các bên rằng các cổ đông vẫn rất “yên tâm với dự án”.

Tuy nhiên, theo báo cáo, cho đến hết năm 2012 dự án này mới chỉ giải ngân 350 triệu USD trên tổng số 4,2 tỷ USD vốn đăng ký. Nếu vấn đề casino không được tháo gỡ, liệu chừng các cổ đông có tiếp tục rót thêm vốn như cam kết? Bởi chẳng ai đầu tư tới 4,2 tỷ USD chỉ để xây khách sạn thuần túy.

Chung số phận với Hồ Tràm chính là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, một “canh bạc” khác của tỉnh Quảng Nam. Với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD, đây là dự án FDI lớn nhất tại Quảng Nam hiện tại.

Sau khi tập đoàn Genting, đối tác trong liên doanh Genting Vina, chủ đầu tư dự án tuyên bố rút lui, các bên ở lại rơi vào tình trang không biết xoay sở thế nào. Vì thế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, trả lời một cách chung chung về dự án này là “đang tiếp tục đàm phán”.

Cuộc chơi ở Nam Hội An giờ đây không nằm trong tay tỉnh Quảng Nam, cũng như đối tác còn lại trong liên doanh Genting Vina, là bởi quy mô vốn 4 tỷ USD cho dự án này quá lớn.

Nhưng cũng như Hồ Tràm, vốn không quan trọng bằng việc mở cửa với casino. Trong khi chưa tìm được đối tác thay thế, số phận của dự án rõ ràng đang bị bỏ lửng, ngay cả khi đã có khoảng 40 triệu USD được giải ngân cho công tác hạ tầng.

Khi ký quyết định thu hồi tới hơn 1.500 ha đất tại Nam Hội An, lãnh đạo Quảng Nam hẳn cũng không nghĩ rằng mọi việc lại thay đổi chóng vánh đến vậy. Có cái gì đó thật đắng khi cũng trên mảnh đất Nam Hội An, trước đó, dự án Bãi Biển Rồng cũng với số vốn đăng ký lên tới 4,15 tỷ USD cũng đã rút giấy phép từ cuối năm 2010.

Xếp hàng... chậm tiến độ

Nếu như hai dự án “có casino” nói trên tương lai chưa rõ ràng, thì tại nhiều dự án có vốn đăng ký hàng tỷ USD khác, câu chuyện lại nằm ở năng lực chủ đầu tư.

Một thống kê cho hay trong vòng 5 năm qua, đã có khoảng 20 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD được cấp phép. Tuy nhiên, trong khi một vài dự án như trường hợp liên hiệp thép của Formosa ở Hà Tĩnh hay một số dự án bất động sản đang được triển khai, phần lớn các dự án trong danh mục này có chung tình trạng chậm tiến độ.

Trong số các dự án tỷ USD đã cấp phép trong 5 năm qua, cùng chung số phận với dự án Bãi Biển Rồng tại Quảng Nam chính là liên hợp thép Cà Ná tại Ninh Thuận với vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, đã bị rút giấy phép vào đầu năm 2011.

Trong khi đó, các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản và nghỉ dưỡng như dự án Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên, vốn đăng ký 1,68 tỷ USD và công viên Thế giới kỳ diệu, vốn đăng ký 1,3 tỷ USD... đều bị rút giấy phép.

Trong lĩnh vực sản xuất, các dự án khu liên hợp thép Guang Lian tại Quảng Ngãi với vốn đăng ký 3 tỷ USD, hay dự án sản xuất thép Kobelco tại Nghệ An, vốn 1 tỷ USD cũng chưa hẹn ngày khởi động vì những khó khăn khác nhau, đặc biệt là năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể huy động được số tiền hàng tỷ USD, thậm chí chỉ vài trăm triệu USD để triển khai dự án như kỳ vọng. Khi đó, gánh nặng trách nhiệm bắt đầu dồn về lãnh đạo các tỉnh thành đã cấp phép.

Khai tử một dự án FDI có vốn hàng tỷ USD là điều không dễ dàng. Thông thường, với các dự án lớn như vậy, tuy đã được phân cấp về cấp phép, song các tỉnh vẫn thường có văn bản xin ý kiến Chính phủ và các bộ ngành.

Với tâm lý mong muốn được chấp thuận, thường lãnh đạo các tỉnh thành sẽ “nói tốt” về dự án và chủ đầu tư. Đến khi tình hình thay đổi, thật khó để các tỉnh thành giải thích với Chính phủ và các bộ ngành, cũng như với chính người dân tại địa phương đó. Vì vậy, sự trì hoãn và thỏa hiệp vẫn thường xảy ra với các dự án FDI lớn nhưng chậm tiến độ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các đề xuất liên quan đến cải thiện công tác quản lý nhà nước về FDI gần đây, vấn đề kiểm tra năng lực của chủ đầu tư trước cấp phép cũng như theo dõi tình hình dự án sau cấp phép được đã được nhấn mạnh. Bởi vì, các địa phương đã tự hiểu không tiếp tục ăn “bánh vẽ” của nhà đầu tư như trước.