Vì sao Bộ Công Thương hỏa tốc kiểm tra doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo?
Trước những biến động về con số nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ và các hệ lụy liên quan, Bộ Công Thương vừa ban hành các văn bản hỏa tốc để thanh kiểm tra.
Động thái này của Bộ Công Thương cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình xuất nhập khẩu gạo trong các tháng đầu năm 2021 và kiểm tra về một số vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật của các thương nhân kinh doanh lĩnh vực này.
Kiểm tra 05 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng trong quý I/2021, số lượng gạo từ Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam đạt mức kỷ lục 46.700 tấn, tăng 554 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong quý I/2021, lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập về từ Ấn Độ chủ yếu là loại gạo non-basmati với giá trung bình khoảng 303 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo trong nước hiện nay xuất khẩu ra bên ngoài với giá khoảng 500 USD/tấn. Và, với mức giá nhập vào, bán ra như vậy, gạo Ấn Độ sẽ rẻ hơn gạo Việt Nam gần 200 USD/tấn.
Thực trạng giá gạo Ấn Độ nhập vào Việt Nam rẻ hơn thị trường gạo trong nước đem đi xuất khẩu đã khiến nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.
Để làm rõ vấn đề này, vào ngày 24/6/2021 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có Văn bản hỏa tốc số 440/XNK-NS gửi các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu gạo đề nghị phối hợp triển khai công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất nhập liên quan đến lĩnh vực này.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị 05 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo sắp xếp thời gian, chuẩn bị hồ sơ tài liệu để kiểm tra gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty XNK Thuận Minh; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty TNHH Khánh Tâm; Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến.
Trước đó, vào ngày 22/6/2021, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ để đề nghị cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/5/2021.
"Lợi bất cập hại"
Trước số lượng lớn gạo Ấn Độ ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam đã khiến giá gạo trong nước có nhiều biến động và gây bức xúc trong giới thương nhân lẫn người nông dân.
Bởi số lượng lớn gạo Ấn Độ nhập về đã khiến cho giá gạo của Việt Nam xuất khẩu đi các nước giảm tới 50 USD/tấn so với hồi đầu năm nay. Liên tục trong suốt thời gian qua, nhiều phiên điều chỉnh giá gạo xuất khẩu đã xảy ra với tần suất giảm 15 USD/nửa tháng.
Vì lợi ích nhỏ trước mắt mà gây ảnh hưởng xấu đến ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn dĩ đã được xây dựng, duy trì tạo uy tín tới bạn hàng thế giới lâu nay là điều không nên, cần xử lý nghiêm.
Chính vì vậy, thực tế hiện nay giá gạo trên thị trường thế giới xuất khẩu còn khoảng 473 - 477 USD/tấn với gạo 5% tấm và 453 - 457 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Chưa kể, giá lúa tươi ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửa Long thời điểm hiện nay đang giảm từ 300 đồng đến 700 đồng/kg khiến nhiều nông dân lao đao.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì việc cạnh tranh trên thị trường các mặt hàng cùng chủng loại là điều bình thường. Nhưng, việc cân đối nguồn cung – cầu để đưa ra các chiến lược để làm sao thị trường hàng hóa trong nước không bị biến động là điều cần thiết.
Đại diện một số doanh nghiệp trong nước cho rằng, hiện nay lượng gạo của Việt Nam tồn kho đang dư thừa thì tại sao lại phải nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ về thì sẽ tiêu thụ bằng cách nào?
Đặc biệt, việc kiểm soát về thủ tục hải quan, khai báo thông tin về chủng loại hàng hóa trước khi nhập vào trong nước là điều cần thiết để tránh tình trạng lô hàng xuất xứ Ấn Độ nhưng bao bì lại ghi thể hiện Việt Nam…
Một vấn đề nữa là dư luận đặt câu hỏi, trong khi lượng gạo của Việt Nam thời điểm hiện nay nhiều vựa lúa lớn trong nước đang bước vào vụ thu hoạch, dư lượng lớn gạo như vậy thì tại sao phải nhập khẩu gạo Ấn Độ về nữa? Và, với hàng trăm nghìn tấn gạo giá rẻ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam sẽ tiêu thụ bằng cách nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vilaconic cho rằng, trước tình hình gạo giá rẻ Ấn Độ đang ồ ạt nhập vào Việt Nam, cơ quan quản lý nước cần sớm vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát.
“So với thời điểm này năm ngoái, Vilaconic xuất khoảng 2.000 tấn gạo tấm sang Lào với giá ổn định nhưng với việc gạo giá rẻ từ Ấn Độ ồ ạt nhập về Việt Nam thì đơn vị không thể bán sang Lào mặt hàng này được nữa” – bà Nguyễn Thị Thanh Hà nói.
Các thương nhân trong nước cũng cho rằng, riêng với vấn đề gạo nhập về ghi xuất xứ tờ khai ghi Ấn Độ nhưng trên bao bì lại ghi Việt Nam là cần phải làm rõ, tránh chuyện mập mờ trong kinh doanh, gây thiệt hại cho thương nhân và nông dân trong nước.