Vì sao chênh lệch giá vàng luôn cao?

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Từ giữa năm 2012 đến nay, chênh lệch giá vàng vẫn luôn kéo giãn ở mức cao, có lúc vượt ngưỡng 5 triệu đồng/lượng.

Vì sao chênh lệch giá vàng luôn cao?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có lẽ hơn lúc nào hết, hay nói đúng hơn là quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa được chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần sát nhau (như Thống đốc NHNN từng nói sẽ cố kéo chênh lệch khoảng 400.000 đồng/lượng) mới bình ổn thị trường vàng. Thế nhưng, từ giữa năm 2012 đến nay, chênh lệch giá vàng vẫn luôn kéo giãn ở mức cao, có lúc vượt ngưỡng 5 triệu đồng/lượng.

Đề án sàn vàng cơ bản đã được định hình

Sự xáo trộn trên thị trường vàng được bình luận qua nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, chuyên gia và giới chuyên môn từ năm 2012 qua việc NHNN độc quyền sản xuất vàng, SJC là thương hiệu vàng quốc gia, vàng phi SJC bị ép giá vì bán tháo… chẳng qua cơ quan quản lý, nhà sản xuất và giới đầu tư chưa thông nhau về mặt kỹ thuật.

Bởi thực chất, mục đích của NHNN là qua nhiều bước đệm cơ bản để tiến tới quản lý thị trường vàng bằng sàn vàng Quốc gia. Qua đó huy động một lượng vàng đáng kể trong dân bằng sàn vàng.

Và điều thứ nhất NHNN đã làm được khi định hình được vàng vật chất (vàng miếng) để tiến tới vàng tài khoản.

Thứ hai, NHNN đã chuẩn hóa được loại vàng để giao dịch: thương hiệu SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia.

Thứ ba, chuẩn hóa lô giao dịch bằng quy định vàng có trọng lượng tối thiểu là 1 lượng trở lên mới được giao dịch (giống như chứng khoán, giao dịch tối thiểu lô phải 10 cổ phiếu).

SJC lúc này như một nhà xưởng, trên thế giới gọi là ngân hàng vàng, còn ở nước ta do chưa có pháp lý chỉ có thể tạm gọi là kho vàng. Tức vàng muốn dập ra thương hiệu SJC phải qua NHNN quản lý để sản xuất ra vàng đúng chuẩn.

Vậy ai sẽ tham gia thị trường vàng? Quy định để tham gia kinh doanh trên thị trường vàng vật chất (vàng miếng) phải theo điều kiện Nghị định 24, đó là các NHTM (tạm gọi là A) và công ty kinh doanh vàng (tạm gọi là B) được NHNN cấp phép.

Theo đó nhà đầu tư muốn mua, bán vàng phải liên hệ A và B (A và B được hình dung như các công ty chứng khoán), bởi với A và B mới có chức năng trực tiếp tham gia trên thị trường vàng (khi tiến tới vàng tài khoản, lúc đó nhà đầu tư muốn mua và bán vàng phải đặt lệnh trực tiếp qua sàn vàng của NHNN thông qua A và B, giống như mua bán chứng khoán qua công ty chứng khoán).

Lâu nay tồn tại một loại hình là các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động vàng của dân, thì hiện nay NHNN cấm. Tại sao cấm? Vì nếu giả sử A huy động xong đem cho B vay tạo nên lực cầu quá lớn dễ gây biến động giá vàng trong nước mỗi khi giá vàng thế giới biến động.

Việc cấm này bằng lệnh “tất cả các NHTM phải tất toán tài khoản vàng huy động trước ngày 1-6-2013” sau khi được dời từ tháng 11-2012. Việc cấm này cũng sẽ làm giảm lợi ích của nhà đầu tư mua vàng gửi NHTM lấy lãi.

Đây được xem như thành công thứ 4 của NHNN trước khi tiến tới đề án thành lập sàn vàng, tức NHNN huy động vàng của người dân thông qua mạng lưới A bằng hình thức giữ hộ vàng để gửi về NHNN.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng A giữ hộ vàng rồi đem bán tiếp tục gây nên lực cầu lớn, NHNN quy định trạng thái vàng của A không quá 2% vốn chủ sở hữu (giống như trạng thái ngoại tệ), tức nếu vượt quá 2% phải tất toán (bán) cho NHNN theo giá thị trường.

Và những Kẽ hở đầu cơ

Trong khi A bị ràng buộc bởi trạng thái không quá 2%, thì B lại không bị ràng buộc bởi quy định này nên dễ nhập nhằng giữa vàng nữ trang, vàng miếng, vàng khai thác từ mỏ và không loại trừ vàng lậu. Chính vì vậy trước đây xuất hiện tình trạng B xin NHNN chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC từ sức ép của người dân đang giữ vàng này cần bán cũng như tăng nguồn cung SJC.

Do vậy, vô hình trung tạo cơ hội cho B đầu cơ vàng SJC và tiêu thụ vàng phi SJC dưới hình thức vàng nữ trang rồi xin phép chuyển đổi. Việc xin phép dưới hình thức do áp lực chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước quá cao cần phải có nguồn cung để bình ổn kéo giá xuống, trong khi vàng phi SJC đang tồn kho. Và cũng chính vì không bị quản lý bởi trạng thái nên B có thể tăng lượng vàng tồn kho lên bằng mua rồi nắm giữ.

Vấn đề đặt ra là nguồn tiền từ đâu để B liên tục tăng lượng vàng phi SJC tồn kho? Như vậy rõ ràng B có mối quan hệ để vay từ A, bởi hầu như B đều có “bóng dáng” của A nên dễ dàng được vay ưu đãi. Có thể thí dụ, đóng vai một nhà đầu tư đến mua 10 lượng vàng tại NHTM, sau đó nhờ NHTM giữ hộ và NHTM cấp cho người gửi cuốn sổ giữ hộ vàng (giống như sổ tiết kiệm).

Sau đó người gửi dùng sổ này thế chấp tại NHTM đó để vay vốn với lãi suất 9%/năm. Một nhà đầu tư cá nhân có thể thực hiện được thì ai dám chắc rằng B không thực hiện như vậy tại A và làm thành vòng quay như đòn bẩy.

Tức gửi 10 lượng vay tiền mua 8 lượng, rồi gửi tiếp vay tiền mua 6 lượng… như thời sốt chứng khoán và nhà đầu tư cũng làm vậy với các công ty chứng khoán tạo nên một tổng cầu khổng lồ. Đây là kiểu đầu tư cực kỳ rủi ro, chỉ cần vàng thế giới rớt xem như phá sản.

Chính vì vậy, bằng mọi giá B phải giữ khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước càng cao càng an toàn, bằng cách treo giá vàng lên cao vừa bán vừa kìm giá để đầu cơ. Bởi nếu một khi B “vỡ” khi giá vàng đổ thì NHTM liên quan trong việc cho vay chắc chắn “ôm sô”.

Vấn đề được đặt ra là tại sao NHNN quản được A mà không quản được B? A và B đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng riêng A là định chế tài chính phải tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng. Do vậy B cần phải có luật riêng để chế tài.

Bởi hiện nay như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, ngoài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp còn bị chế tài bởi Luật Bảo hiểm và Luật Chứng khoán. Chẳng hạn công ty chứng khoán không thể vay tiền để tự doanh, không được mua cổ phiếu của một công ty vượt quá 10% vốn điều lệ, nhưng với B đầu tư vàng có thể vay tiền vô tư và mua vô tư trên vốn điều lệ, vì không cần phải báo cáo với cơ quan nào.