Vì sao con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc đầy thách thức?
Nếu muốn gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ phải thay đổi rất nhiều chính sách nội địa mà khả năng này vô cùng khó.
Trung Quốc đã chính thức nộp hồ sơ xin gia nhập hiệp định thương mại Thái Bình Dương trong đó thành viên bao gồm Nhật, Australia, Malaysia và nhiều nền kinh tế khác trong khu vực, theo Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào ngày thứ Năm.
Theo báo Nikkei, trong cuộc đối thoại qua điện thoại với Ngoại trưởng New Zealand – ông Damien O'Connor, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Wentao đã nói chính thức về việc Trung Quốc sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tên được biết đến trước đây là TPP. Hồ sơ giấy tờ gia nhập cũng đã được gửi đến các nước thành viên.
New Zealand hiện đang là nước chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề giấy tờ liên quan đến CPTPP.
Việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP không phải diễn biến mới, trước đây từ tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói đến việc Trung Quốc sẽ cân nhắc vào CPTPP.
Trung Quốc đang vận động và ráo riết với tất cả các biện pháp cần thiết để có thể gia nhập Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 1/1/2022 đúng theo kế hoạch.
Hiệp định này bao gồm 15 nước thành viên trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Việc Trung Quốc cố gắng gia nhập CPTPP cũng như RCEP cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng cường gia tăng sức ảnh hưởng kinh tế lên trật tự thế giới.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP có thể gây ra căng thẳng giữa nước này với một số nước thành viên. Việc gia nhập CPTPP được dựa trên nguyên tắc đồng thuận chung từ tất cả các nước thành viên.
Trung Quốc đồng thời sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp cải tổ nội địa để có thể đủ điều kiện gia nhập. Trung Quốc sẽ cần phải sửa đổi chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước vốn bóp méo cạnh tranh. Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã không ngừng đưa ra các biện pháp nhằm củng cố cho nhóm các doanh nghiệp nhà nước, chính vì vậy các cuộc đối thoại gia nhập CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ bị cản trở ngay từ ban đầu.
Cựu phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler nhận xét: “Khi mà vai trò của nhà nước trở nên rõ nét trong kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh dường như đang dịch chuyển ra xa hơn khỏi những nguyên tắc thị trường, tiêu chuẩn cao của CPTPP”.
Luật dữ liệu mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ tháng này trong đó có bao gồm việc cấm chuyển dữ liệu ra khỏi đất nước, quy định luật này có thể đương đầu với sự phản đối từ các nước thành viên.
CPTPP có ba nguyên tắc nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc phân phối dữ liệu, trong đó có bao gồm việc cấm doanh nghiệp công bố mã nguồn mở. Tại Trung Quốc, doanh nghiệp đã bị chính quyền địa phương buộc phải công bố công nghệ để có thể xin được giấy phép.
Không chỉ vậy CPTPP cũng kêu gọi chấm dứt việc phân biệt giữa doanh nghiệp nước ngoài và nội địa trong hoạt động đấu thầu các hợp đồng của chính phủ. Bắc Kinh, trong khi đó, đã ra quy định yêu cầu mua hàng Trung Quốc với các hoạt động đấu thầu liên quan đến chính phủ. Con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc chính vì vậy sẽ đương đầu với nhiều khó khăn bởi Trung Quốc ưu tiên bảo vệ quyền lợi của họ lên trước tiên.